Đánh giá, xếp loại hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân

Bài cuối: Bảo đảm thực chất, phát huy giá trị kết quả

- Thứ Hai, 11/10/2021, 06:00 - Chia sẻ
Việc sớm thống nhất trên toàn quốc các quy định, tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, chấm điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với từng đại biểu HĐND theo từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn với lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể để các địa phương có căn cứ xây dựng quy chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND, cùng với đó cần nghiên cứu các giải pháp bảo đảm kết quả thực chất của việc đánh giá...
HĐND tỉnh Điện Biên giám sát chuyên đề về đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020
Ảnh: P. Chung

Thống nhất các tiêu chí đánh giá

Việc ban hành và thực hiện các quy định về đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu đã tạo động lực phát huy vai trò, trách nhiệm với hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Tuy nhiên, do hiện nay vẫn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn việc xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND, nhiệm kỳ 2016 - 2021, có những địa phương ban hành và thực hiện quy chế, tiêu chí để đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND hàng năm nhưng cũng có địa phương không thực hiện được việc đánh giá, xếp loại đại biểu HĐND.

Rõ ràng, đối với những địa phương chưa có đánh giá xếp loại sẽ rất khó khăn cho việc đánh giá chất lượng đại biểu HĐND, vô hình trung sẽ đánh đồng đại biểu hoạt động tích cực cũng như chưa tích cực. Người hoạt động tích cực sẽ không được động viên tinh thần để phát huy năng lực, còn người không hoạt động thì cũng không bị nhắc nhở.

Theo đề xuất của những địa phương đã thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, bên cạnh bảo đảm tiêu chuẩn của đại biểu: “Có năng lực đóng góp vào hoạt động của HĐND, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu”, cần sớm thống nhất trên toàn quốc các quy định, tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, chấm điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với từng đại biểu HĐND theo từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn với lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể để các địa phương có căn cứ xây dựng quy chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu HĐND.

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá quy định cụ thể từng hoạt động, thể hiện bằng thang điểm. Trong đó, việc chấm điểm đại biểu dựa trên các tiêu chí như: Báo cáo kết quả hoạt động trong năm trước của cử tri theo quy định; việc tham gia các kỳ họp; thực hiện quyền chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND; việc tham gia các hoạt động giám sát trong năm theo kế hoạch; thực hiện tiếp xúc cử tri; tiếp công dân theo lịch; tham gia họp tổ... Trong mỗi tiêu chí sẽ thể hiện rõ thang điểm để đánh giá mức độ tham gia của đại biểu tích cực hay không tích cực.

Ngoài đánh giá hàng năm, cần có đánh giá đại biểu trong cả nhiệm kỳ. Đối với những đại biểu hoạt động có hiệu quả, cần được biểu dương, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực để họ hăng hái tham gia đóng góp ý kiến, cống hiến vì lợi ích chung. Ngược lại, những đại biểu hoạt động không tích cực thì lấy căn cứ đó (thang đánh giá đại biểu) để nhắc nhở, khiển trách, để đại biểu tự điều chỉnh, hoàn thiện mình. Và để công tác khen thưởng thực sự ý nghĩa, kịp thời động viên, khích lệ những cá nhân và tập thể có thành tích nổi trội, tạo động lực thi đua, phấn đấu, cần quy định tỷ lệ xét khen thưởng để tránh tình trạng khen đại trà và tính hình thức; bảo đảm chỉ khen thưởng đối với đại biểu và các tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động HĐND.

Đề cao giá trị kết quả đánh giá, xếp loại

Từ thực tế triển khai đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND, theo Thường trực HĐND nhiều địa phương, cần đặc biệt quan tâm các giải pháp bảo đảm đánh giá thực chất. Trước hết, cần chỉ đạo làm tốt khâu cung cấp thông tin, phục vụ; tổng hợp đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND. Quá trình thực hiện, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các Tổ đại biểu, các Ban, các đại biểu HĐND. Đặc biệt, cần có giải pháp để việc đánh giá bảo đảm được thực chất, tránh biểu hiện nể nang, e dè, nhất là đánh giá đối với Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, sao cho phát huy đúng Quy định về trách nhiệm nêu gương đó là lãnh đạo càng cao thì càng phải làm tốt vai trò nêu gương.

Trên cơ sở kết quả đánh giá hoạt động, cần tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND cung cấp đầy đủ thông tin đã tổng hợp về kết quả đánh giá của các Tổ, các Ban đến các thành viên Thường trực HĐND, thảo luận, thống nhất những ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai để rút kinh nghiệm trong những lần đánh giá tiếp theo; biểu quyết, quyết định việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đại biểu HĐND.

Đặc biệt, cần đề cao và phát huy giá trị của kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đại biểu HĐND. Phải xác định đây là một cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ tổng hợp vào kết quả chung trong đánh giá cán bộ hàng năm; là cơ sở xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ (gửi kết quả đánh giá, xếp loại các năm cho các đại biểu, Mặt trận Tổ quốc tham khảo trước khi nhận xét, tín nhiệm đại biểu); cơ sở khen thưởng, giới thiệu, bồi dưỡng quy hoạch cán bộ (là đại biểu HĐND tỉnh); cơ sở để kiến nghị việc xem xét miễn nhiệm, bãi miễn đối với đại biểu HĐND không hoàn thành nhiệm vụ...

THÁI AN