Về việc cho ý kiến đối với hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm

Bài cuối: Trình Hội đồng nhân dân xem xét, cho ý kiến

- Thứ Năm, 07/10/2021, 05:39 - Chia sẻ
Kể từ ngày 1.7.2020, việc cho ý kiến hệ số điều chỉnh giá đất không còn thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, lại không có văn bản nào xác định rõ việc cho ý kiến đó thuộc thẩm quyền của HĐND. UBND một số địa phương đã lựa chọn cách thức hài hòa các quy định của pháp luật thông qua việc trình HĐND xem xét, cho ý kiến làm cơ sở cho UBND cấp tỉnh ban hành.
Kỳ họp cuối năm 2020, HĐND tỉnh Đồng Nai đã xem xét, ban hành Nghị quyết về hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2021
Ảnh: Công Nghĩa

Không còn thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND cấp tỉnh

Hiện nay, các địa phương đang tiến hành xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng cho năm 2022. Thực tế những năm qua, việc cho ý kiến trước khi UBND cấp tỉnh quyết định, có một số địa phương trình ra HĐND để HĐND cho ý kiến, còn hầu hết do Thường trực HĐND cho ý kiến. Vậy, thẩm quyền này thuộc cơ quan nào?

Như đã phân tích ở bài thứ nhất, trong hệ thống văn bản pháp luật về đất đai, đến thông tư mới quy định việc UBND xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Trong ngày 16.6.2014, hai Thông tư được ban hành, số 76/2014/TT-BTC và số 77/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định: “UBND cấp tỉnh ban hành hàng năm sau khi xin ý kiến của Thường trực HĐND cùng cấp”.

Căn cứ quy định tại hai thông tư nêu trên, vào dịp cuối năm, hầu hết Thường trực HĐND các tỉnh, thành cho ý kiến đối với hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh trình. Sau khi Thường trực HĐND cho ý kiến, UBND cấp tỉnh ký quyết định ban hành. Việc thực hiện thẩm quyền như vậy tưởng chừng như đã rõ bởi lẽ đã được thông tư quy định, mà thông tư là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý để làm căn cứ. Tuy nhiên, kể từ ngày 1.7.2020, ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (Luật sửa đổi năm 2019), cách hiểu như trên không còn phù hợp nữa.

Theo đó, tại Khoản 3 Điều 6, Luật sửa đổi năm 2019 quy định như sau: “3. Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”.

Xem lại Khoản 3, Điều 6 của Luật năm 2015 quy định: “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định, khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”, có thể thấy nội dung sửa đổi chính nằm ở việc thay thế pháp luật bằng Luật. Có nghĩa là, chỉ khi nào Luật quy định giao thẩm quyền thì Thường trực HĐND mới thực hiện nhiệm vụ. Điều đó đồng nghĩa sẽ hạn chế việc trao quyền cho Thường trực HĐND ở các văn bản dưới luật. Mặc dù hai thông tư nêu trên vẫn còn hiệu lực nhưng theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, Thường trực HĐND cấp tỉnh phải tuân thủ thẩm quyền quy định tại văn bản pháp luật cao hơn, đó là Luật.

Từ phân tích như trên và chiếu theo quy định của Luật sửa đổi năm 2019 thì kể từ ngày 1.7.2020, việc cho ý kiến hệ số điều chỉnh giá đất không còn thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND cấp tỉnh.

Hài hòa các quy định của pháp luật

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là Luật quy định không thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND nhưng lại không có văn bản nào xác định rõ việc cho ý kiến đó thuộc thẩm quyền của HĐND. Như vậy, cơ quan nào có thẩm quyền cho ý kiến hay UBND cấp tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Pháp luật đã quy định rõ, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về việc thất thu ngân sách do chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (nếu có), do đó công tác chuẩn bị ban hành hệ số điều chỉnh giá đất luôn được các địa phương quan tâm, triển khai sớm và chặt chẽ. Trách nhiệm lớn như vậy nên UBND cấp tỉnh cũng không thể tự mình ban hành mà cần có thêm kênh giám sát của HĐND đối với chính quyền địa phương. Vì vậy, UBND một số địa phương đã lựa chọn một cách thức hài hòa các quy định của pháp luật thông qua việc trình HĐND xem xét, cho ý kiến để làm cơ sở cho UBND cấp tỉnh ban hành.

Đối với HĐND tỉnh Đồng Nai, vào kỳ họp cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã xem xét, ban hành Nghị quyết về hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2021 và hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng, trình HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến cho năm 2022.

Thiết nghĩ, vấn đề trên liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND các địa phương; đặc biệt vấn đề đó lại thuộc lĩnh vực đất đai, một lĩnh vực vốn phức tạp và nhạy cảm, do đó rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi của các đồng nghiệp.

Nguyễn Thị Oanh - Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai