Đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống

Bài cuối: Tham mưu chuyên nghiệp, phối hợp đồng bộ

- Thứ Ba, 25/08/2020, 05:50 - Chia sẻ
Qua giám sát cho thấy, những vướng mắc hiện nay trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chủ yếu do khâu thực hiện. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Nội vụ cũng như các địa phương đều cho thấy, đội ngũ làm công tác tôn giáo mỏng, chưa được đào tạo bài bản, ít kinh nghiệm thực tiễn; hệ thống cơ quan làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong công tác phối hợp…

Cán bộ thiếu và yếu

Lý giải nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, báo cáo của Bộ Nội vụ chỉ ra rằng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo bổ sung nhiều từ ngữ mới, nhiều quyền mới cho các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Các quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chưa đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan như đất đai, xây dựng, cư trú, y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, di sản văn hóa… Các địa phương và tổ chức tôn giáo nắm bắt và hiểu chưa hết về một số nội dung mới của Luật, vẫn thực hiện theo thói quen kinh nghiệm…

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình

Thực trạng đó đòi hỏi công chức làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo phải có năng lực, trình độ cao, am hiểu không chỉ về các tổ chức tôn giáo, các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn phải hiểu sâu các quy định pháp luật liên quan. Tuy vậy, đội ngũ làm công tác này còn thiếu so với nhiệm vụ được giao, lại chưa được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, không ổn định, ít kinh nghiệm thực tiễn, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao. Do tính chất đặc thù của công việc, việc tuyển dụng nhân sự mới để bổ sung vào những vị trí còn thiếu tại các phòng chuyên môn cũng chưa bảo đảm chỉ tiêu biên chế được giao (TP Hồ Chí Minh).

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tổng số công chức làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp tỉnh hiện nay có gần 800 người. Số lượng công chức chuyên trách làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp huyện rất ít. Huyện nào quan tâm, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở đó phức tạp, thì có 1 biên chế chuyên trách thuộc Phòng Nội vụ; đa phần các huyện là công chức kiêm nhiệm. Trung bình mỗi ban/phòng tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ cũng chỉ có trên dưới 10 công chức trực tiếp làm công tác này.

Cấp xã thì giao Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách văn xã hoặc Trưởng Công an xã phụ trách, “do đó, công tác nắm tình hình, phát hiện, giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết vụ việc tại cơ sở chưa được kịp thời” - UBND thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng. Hơn thế, Nghị định số 112/2012/NĐ-CP quy định về công chức xã, phường, thị trấn với các chức danh cụ thể, nhưng không có chức danh công chức phụ trách tôn giáo, trong khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định UBND phường, xã có thẩm quyền đối với 8 nội dung công việc, bên cạnh đó, khối lượng công việc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở cũng rất lớn, là cấp hành chính căn bản, trực tiếp cụ thể hóa công tác tôn giáo trên địa bàn.

Phối hợp không ngang cấp

Hệ thống cơ quan làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay cũng được đánh giá chưa đồng bộ. 56/63 tỉnh, thành phố có Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ; 2/63 tỉnh (Hà Giang và Bạc Liêu) sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; 5/63 tỉnh, thành phố có Phòng Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ (Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn). Cấp huyện và xã không có cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập, mà do Phòng Nội vụ và UBND xã đảm trách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam phát triển rất nhanh, và sẽ có nhiều vấn để đặt ra. Mặc dù số người theo các tôn giáo chỉ hơn chục triệu người, nhưng đến hơn 90% người Việt Nam có tín ngưỡng. Trong khi đó, ranh giới giữa niềm tin và mê tín, giữa tâm linh và kinh doanh rất mong manh, chỉ cần lắc nhẹ sẽ bị biến tướng. Vì thế, cần nhìn nhận đúng tầm công tác tín ngưỡng, tôn giáo. “Hệ thống pháp luật ngày càng nhiều, văn bản hướng dẫn luật ngày càng phong phú, nhiều luật điều chỉnh một vấn đề, đòi hỏi quá trình triển khai phải nghiên cứu rất kỹ” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình lưu ý.

Việc Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh, thành phố, dẫn đến công tác phối hợp không ngang cấp. Báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì Ban Tôn giáo thành phố chỉ tương đương với cấp phòng trực thuộc Sở, trong khi tham gia họp liên ngành giải quyết công tác tôn giáo thì thành phần tham dự họp hầu hết là lãnh đạo đại diện các sở, ngành có liên quan. Theo tổ chức bộ máy và cơ chế làm việc hiện nay, đối với những vụ việc tôn giáo lớn, quan trọng, thì Ban Tôn giáo phải báo cáo lãnh đạo ngành nội vụ (chủ yếu ở quận/huyện), sau đó lãnh đạo ngành nội vụ báo cáo lãnh đạo UBND cùng cấp, như vậy chỉ tính riêng thời gian đi theo đường bưu điện của văn bản đã không đáp ứng tính kịp thời để giải quyết công tác tôn giáo. Cũng bởi Ban Tôn giáo thành phố chỉ tương đương phòng thuộc Sở, do vậy không ngang tầm trong công tác chỉ đạo lãnh đạo quận, huyện thực hiện công tác tôn giáo”.

Cũng về công tác phối hợp, do tính chất nhạy cảm của một số vấn đề liên quan đến tôn giáo cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan (như Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và UBND các cấp tại địa phương), nhưng cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp với các cơ quan liên quan.

Lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo vận động, thay đổi không ngừng, có những diễn biến phức tạp, khó lường ở hầu khắp các tổ chức tôn giáo, và mọi lúc, mọi nơi. Luật pháp đã có, vấn đề hiện nay là sớm kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác này để đủ năng lực, trình độ, hiểu biết giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh: “Đúng là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng không phải cái gì trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cũng chỉ dựa vào Luật này để xử lý. Như vụ đền Đá Thiên ở Thái Nguyên cho thấy vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Vì vậy, nhiều vụ việc phải nhìn nhận, soi chiếu theo nhiều quy định pháp luật khác nhau để có cách xử lý phù hợp. Và điều này phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện”.

Nguyên Anh