Ngăn chặn khai thác cát trái phép, cách nào?

Bài cuối: Tăng phối hợp, phân rõ trách nhiệm

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 12:36 - Chia sẻ
Lực lượng giám sát mỏng, cơ chế chồng chéo, thiếu sự phối hợp và có tới hàng ngàn km đường sông có thể khai thác đang “ngoài vòng” quản lý được nhận định là những điểm tắc trong quản lý khai thác tài nguyên. Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn nạn "cát tặc", bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát bằng camera, khuyến khích người dân trở thành " tai mắt", cần thực hiện việc quy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm.

Hệ lụy khó lường

Từ lâu, khai thác cát, sỏi trái phép vẫn là nỗi nhức nhối không chỉ của người dân mà cả các cấp chính quyền. Thật xót xa khi những bờ xôi ruộng mật, những gian nhà mới xây dựng theo vòi “bạch tuộc” trôi bể, trôi sông. Chia sẻ với phóng viên về việc hàng chục mẫu ruộng tại cánh đồng Chum bị cuốn phăng bởi nạn "cát tặc", bà Nguyễn Thị Th, xóm Mọn, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: Cánh đồng bãi Chum nằm trên dòng sông Cà Lồ, trước đây rộng lớn, màu mỡ lắm, người dân xóm bãi tăng gia sản xuất không lo thiếu lương thực thực phẩm, nhưng từ khi xuất hiện nạn hút cát trộm trên sông, mấy chục mẫu ruộng cũng đã theo đó bị cuốn trôi chỉ trong mấy năm. Giờ đây, dân xóm Mọn chúng tôi gần như không có đất để canh tác, tăng gia sản xuất khiến đời sống người dân thêm phần khó khăn"

Sự việc sạt lở làm mất đất, mất ruộng của người dân không chỉ xảy ra ở con sông Cà Lồ, mà tình trạng tương tự cũng xảy ra khá phổ biến tại nhiều nơi thuộc các con sông đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long khiến hàng trăm km chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở. Nguyên nhân là do tổng lượng phù sa sông Mê Kông giảm một nửa và hoạt động khai thác cát diễn ra tràn lan trên các dòng sông.

Khai thác cát trái phép tại địa bàn xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn dẫn đến sạt lở, địa phương phải làm kè để chống sạt lở
Xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn phải làm kè để chống sạt lở do khai thác cát trái phép

Hệ lụy nặng nề như bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cảnh quan môi trường bị tàn phá, tài nguyên bị thất thoát quá nhiều, đời sống mưu sinh của người dân ven sông bị đe dọa như nêu trên không chỉ diễn ra ở Xóm Mọn, mà có thể thấy ở bất kỳ nơi đâu có tình trạng hút cát trái phép, trái quy hoạch. Vụ việc nạo vét, nắn dòng suối Đắk Rí, huyện Krông Nô (Đắk Nông) để khai thác cát trái phép hồi đầu năm 2021 vừa qua gây sạt lở đất nông nghiệp của người dân là một ví dụ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân xung quanh vấn đề này, GS. Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Không chỉ vậy, việc hút cát quá mức đã khiến một vài nơi trên sông Hồng và các sông dọc từ Bắc vào Nam bị hạ thấp và giảm mực nước. Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm. Độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn. Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán; một số cây trồng ở hai bên có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái... 

Đồng bộ các giải pháp

Có thể thấy do lợi nhuận khổng lồ đã khiến không ít cá nhân, tổ chức núp dưới danh nghĩa dự án được cấp phép để khai thác vượt phạm vi cho phép; bất chấp pháp luật và sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân, “cát tặc” vẫn lộng hành. Thậm chí, đối tượng vi phạm còn đe dọa những người dân tố cáo nạn "cát tặc" với cơ quan chức năng.

Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng nêu muôn vàn khó khăn trong xử lý vi phạm khai thác khoáng sản. Có những khó khăn có cơ sở, khi nhiều văn bản pháp luật chưa đầy đủ, còn tạo kẽ hở để lọt tội phạm... Song, cũng có lý do cũ, luôn được nhiều cấp chính quyền viện dẫn như “lực lượng mỏng”, “vi phạm ở vùng giáp ranh”, “công chức làm ngày, cát tặc làm đêm”... Điều này dẫn đến, vi phạm nhiều nhưng không xử lý được bao nhiêu. Liên quan đến vấn đề này, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29.9.2020, trong đó nêu rõ: Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn... Và, mới đây Bộ công an cũng đề xuất dùng camera để quản lý, giám sát công được thuận lợi, kịp thời, hiệu quả... 

cần tăng cường các giải pháp, giám sát khai thác cát tại các lòng sông
Cần tăng cường các giải pháp, giám sát khai thác cát tại các lòng sông

Các biện pháp kiểm tra, giám sát bằng camera, truy cứu trách nhiệm người đứng đầu là cần thiết, song thiết nghĩ để đấu tranh hiệu quả với với nạn "cát tặc", cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, như phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm giữa lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Để thêm niềm tin trong nhân dân, mọi vụ khai thác cát trái phép đều phải truy được nguyên nhân, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm. Bởi chỉ khi việc phối hợp được chặt chẽ, toàn diện, trách nhiệm rõ ở từng khâu... thì hoạt động khai thác khoáng sản mới đi vào trật tự.

Sau khi kết thúc giãn cách, nhu cầu các loại khoáng sản (cát, đá, sỏi) phục vụ các công trình xây dựng tại các địa phương mạnh. Dự báo, hoạt động của các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian tới diễn biến phức tạp. Do đó, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng công an giao thông thủy nội địa là chưa đủ, mà đòi hỏi cần sự chung tay của người dân, chính quyền các địa phương. 

(Đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hà Nội)

Hải Thanh