HĐND tỉnh Bình Thuận giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính

Bài cuối: Quyết liệt khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn

- Thứ Tư, 19/08/2020, 08:59 - Chia sẻ
Qua giám sát, HĐND tỉnh Bình Thuận đã chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo quyết liệt khắc phục hiệu quả tình trạng hồ sơ trễ hẹn, nhất là ở lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, lao động - xã hội cấp huyện, xã; đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện và sử dụng hiệu quả Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa điện tử các cấp theo quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Tập trung vào những vấn đề còn chưa rõ

Sau khi Tổ công tác hoàn thành việc khảo sát, HĐND tỉnh Bình Thuận tiến hành giám sát trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trên cơ sở kết quả khảo sát của Tổ công tác và nghiên cứu trước các báo cáo, kể cả báo cáo bổ sung, Đoàn giám sát chỉ tập trung vào những vấn đề chưa rõ, những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân, giải pháp khắc phục và kiến nghị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, Trưởng đoàn giám sát có kết luận cụ thể tại cuộc họp và thông báo kết quả giám sát đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc thông báo kết quả giám sát phục vụ cho công tác tổng hợp báo cáo chung, đồng thời là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua giám sát. Điển hình, sau khi Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bình Thuận làm việc trực tiếp và có thông báo kết quả giám sát, UBND thành phố Phan Thiết đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường khẩn trương chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; yêu cầu Chủ tịch UBND một phường phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng hồ sơ đất đai tồn đọng trễ hẹn chiếm tỷ lệ cao. Một số sở, ngành cũng đã có văn bản chỉ đạo triển khai chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của cơ quan, ngành mình.

Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát qua báo cáo, Đoàn cũng yêu cầu nội dung báo cáo phải bám sát theo đề cương, bảo đảm tính chính chính xác, khách quan. Qua đó, các thành viên Đoàn giám sát và Tổ công tác nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng các báo cáo để phân tích, đánh giá tình hình, so sánh với các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát trực tiếp và tổng hợp vào báo cáo kết quả giám sát chung.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh BÌnh Thuận

Ảnh: Đình Châu 

Chỉ rõ hạn chế, kiến nghị giải pháp khắc phục

Báo cáo kết quả giám sát là sản phẩm cuối cùng, phản ánh chất lượng, hiệu quả của toàn bộ quá trình giám sát. Dự thảo báo cáo kết quả giám sát được xây dựng dựa trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản của HĐND, UBND tỉnh về công tác cải cách TTHC. Báo cáo của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã là đối tượng được giám sát. Biên bản khảo sát của Tổ công tác, Thông báo kết quả giám sát của Đoàn giám sát tại các cơ quan, đơn vị được giám sát trực tiếp. Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017, 2018 của Bộ Nội vụ. Các báo cáo, tài liệu khác liên quan trong 2 năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Dự thảo báo cáo kết quả giám sát được lấy ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, một số cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trước khi Đoàn giám sát họp thông qua và trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến.

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bình Thuận về công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng tình rất cao của các đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương; đặc biệt là đối với nhận định, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những kiến nghị của Đoàn giám sát. Nổi bật là qua giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ đúng thực trạng những hạn chế và nguyên nhân trong công tác cải cách TTHC của UBND cấp huyện, xã trong thời gian trước đây; đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chấm dứt thực hiện chức năng tạm dừng xử lý hồ sơ trên phần mềm tại Trung tâm Hành chính công tỉnh (việc tạm dừng xử lý hồ sơ trên phần mềm tại Trung tâm Hành chính công tỉnh chưa bảo đảm về cơ sở pháp lý, các hồ sơ này thực chất là hồ sơ đã trễ hạn của các sở, ngành nhưng không được thống kê vào số liệu hồ sơ trễ hạn); có giải pháp chỉ đạo quyết liệt để khắc phục hiệu quả tình trạng hồ sơ trễ hẹn, nhất là ở các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, lao động - xã hội cấp huyện, xã; đánh giá mức độ hài lòng của người dân và tổ chức về giải quyết hồ sơ TTHC phải bảo đảm đúng thực chất; đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện và sử dụng có hiệu quả Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa điện tử các cấp theo quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Tại Kỳ họp cuối năm 2019, HĐND tỉnh Bình Thuận đã xem xét báo cáo kết quả giám sát và đã thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề nói trên, làm cơ sở pháp lý để UBND tỉnh tổ chức thực hiện, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác cải cách TTHC ở địa phương. Kết quả thực hiện được UBND tỉnh báo cáo tại Kỳ họp giữa năm 2020 để HĐND tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát.

KHÁNH NGỌC