Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021)

Bài cuối: Quốc hội xây dựng, thông qua bản Hiến pháp đầu tiên

- Thứ Tư, 30/12/2020, 07:20 - Chia sẻ
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2.9.1945), Chính phủ đã họp và quyết định tổ chức Tổng tuyển cử. Song song với Tổng tuyển cử là phải soạn thảo ngay một bản Hiến pháp để khi thành lập Quốc hội là có thể thảo luận, thông qua.

Vì vậy, ngày 20.9.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 34-SL, “Lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp để trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Điều thứ nhất của Sắc lệnh). Ủy ban gồm các ông: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách thi hành Sắc lệnh này (Điều thứ hai của Sắc lệnh).

Thông qua bản Hiến pháp đầu tiên

Chỉ trong thời gian 2 tháng, bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên đã hoàn thành và được công bố để lấy ý kiến Nhân dân từ tháng 11.1945.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I đã thành lập Tiểu ban Hiến pháp, gồm 11 thành viên, để tiếp tục nghiên cứu bản dự thảo đã được công bố lấy ý kiến Nhân dân. Căn cứ vào bản dự thảo của Chính phủ, tập hợp những ý kiến phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm của các nước Âu - Á, Tiểu ban Hiến pháp đã biên soạn một dự thảo mới trình Quốc hội để xem xét.

Tại Kỳ họp thứ Hai, trong phiên họp ngày 29.10.1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 thành viên, gồm đại biểu của các nhóm trung lập, đại biểu Nam Bộ, đại biểu là người dân tộc thiểu số để tham gia tu bổ bản dự thảo mới.

Sau khi dự thảo được tu bổ, từ ngày 2.11.1946, Quốc hội bắt đầu thảo luận. Đại biểu Đỗ Đức Dục, thành viên Ban soạn thảo được phân công thuyết trình trước Quốc hội bản dự thảo Hiến pháp đã được Tiểu ban mở rộng tu chỉnh. Báo cáo thuyết trình đã nêu bật những nhận xét về bước tiến trên con đường dân chủ mới của Hiến pháp Việt Nam so với Hiến pháp của một số nước dân chủ khác. Đồng thời, dự thảo Hiến pháp Việt Nam cũng đã phản ảnh được thực tiễn của đất nước, quyền và nghĩa vụ của người dân trong chế độ mới.

Đại diện các đảng phái trong Quốc hội gồm: Hồ Đức Thành, đại diện của Việt Cách; Trần Huy Liệu, đại diện nhóm Mác-xít; Hoàng Văn Đức, đại diện nhóm Dân chủ; Lê Thị Xuyến, đại diện nhóm xã hội; Nguyễn Đình Thi, đại diện nhóm Việt Minh; Trần Trung Dung, đại diện nhóm Việt Quốc... tất cả lần lượt phát biểu ý kiến của mình. Các ý kiến đều đã nêu lên những ưu điểm, tính chất tiến bộ của dự thảo Hiến pháp, đồng thời góp thêm những khía cạnh cụ thể và cuối cùng đều tán thành biểu quyết để thông qua dự thảo.

Riêng đại biểu Trần Trung Dung tuy tán thành nhưng lại không đồng ý với chế độ một viện, ông cho rằng, dân chúng Việt Nam chưa được huấn luyện nhiều về chính trị nên sợ rằng chế độ một viện không thích hợp với Việt Nam.

Các đại biểu Hồ Đức Thành, Đỗ Đức Dục, Đinh Gia Trinh, Đào Trọng Kim, Nguyễn Sơn Hà và nhiều đại biểu khác đều tán thành chế độ một viện. Đại biểu Đào Trọng Kim nhấn mạnh: Hiến pháp đã phản ánh được nguyện vọng của dân chúng. Chế độ tập quyền và có sự phân công là rất thích hợp để có thể ứng phó mau lẹ với thời cuộc luôn luôn biến chuyển.

Qua nhiều phiên thảo luận, tranh luận sôi nổi, sửa đổi, bổ sung từng điều, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp. Toàn thể Quốc hội đều công nhận cờ đỏ sao vàng là lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, không thể bàn cãi và tất cả đã đứng lên nghiêm trang chào lá Quốc kỳ và đồng thanh hát bài Tiến quân ca. Ngày 9.11.1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 240 đại biểu tán thành trên 242 đại biểu có mặt.

Vẹn nguyên giá trị lịch sử

Bản Hiến pháp gồm Lời nói đầu, 7 chương, 70 điều. Lời nói đầu đã ghi rõ thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ của cả dân tộc trong giai đoạn mới và những nguyên tắc xây dựng Hiến pháp. Đó là:

Cuộc Cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho Nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa.

Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.

Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.

Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính sách mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân.

Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẳn có của toàn dân dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”(1).

Hiến pháp, đạo luật cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định: Chính thể (Chương I), Nghĩa vụ và quyền lợi công dân (Chương II), Nghị viện Nhân dân (Chương III), Chính phủ (Chương IV), Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân (ChươngV), Cơ quan tư pháp (Chương VI) và Sửa đổi Hiến pháp (ChươngVII).

Về ý nghĩa lớn lao của Hiến pháp, trong “Lời Quốc hội Việt Nam tại Kỳ họp thứ Hai ngày 9.11.1946 gửi đồng bào toàn quốc”, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Trưởng đoàn Tôn Đức Thắng một lần nữa đã nhấn mạnh, “Quốc hội đã làm xong cái nhiệm vụ nặng nề nhất mà quốc dân giao phó cho là thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiến pháp đó đã ghi những thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng tháng Tám. Bản Hiến pháp đó đã nêu cao tinh thần đoàn kết toàn dân và ấn định một chính thể dân chủ rộng rãi. Quốc kỳ, cờ đỏ sao vàng, và quốc ca, Tiến quân ca đã được chính thức thừa nhận”(2).

Nghiên cứu nội dung Hiến pháp năm 1946, trong đó có ghi nhận nhiệm vụ của toàn dân tộc và 3 nguyên tắc xây dựng Hiến pháp, có lẽ tất cả chúng ta đều nghiệm thấy, những quy định ấy đã trải qua 75 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và những giá trị đó sẽ trường tồn vĩnh cửu.

-----

(1) Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I, Nxb CTQG, HN. 2006, trang 103-104.

(2) Như (1), trang 100.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội