Văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam 2045

Bài cuối: Phát triển toàn diện con người với rường cột thực thi chiến lược nhân tài

- Thứ Hai, 02/11/2020, 07:10 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Vấn đề quan trọng thứ ba cần nắm lấy và giữ vững, đó là nhân lên sức mạnh vị thế, uy tín quốc gia hội nhập quốc tế, phát triển và nâng niu tình hòa hiếu lân bang, lấy hòa mục năm châu bốn bể làm phương lược hành xử, vì nền hòa bình thế giới.

Bản lĩnh, khí phách của văn hóa Việt Nam

Trong lịch sử mấy nghìn năm, dân tộc ta đã đối mặt và chiến thắng trong hàng trăm cuộc chiến tranh vệ quốc. Có lẽ hiếm có quốc gia, dân tộc nào trên hoàn cầu thương đau chất chồng và nặng nề như thế! Vì thế, suốt lịch sử của mình, toàn thể dân tộc chúng ta nâng niu vô điều kiện giá trị của hòa bình, của độc lập tự do, và nối đời xây đắp mối hữu nghị lân bang và bảo vệ bằng mọi giá tình hòa hiếu với các dân tộc khắp bốn bể năm châu. Nhưng chúng ta quyết không mơ hồ hay càng không ảo tưởng mà lơi lỏng quyền bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng, càng không run sợ trước bất cứ sức ép hay sự đe dọa nào của bất cứ ai, khi dù chỉ nửa tấc đất ông cha truyền lại bị xâm phạm!

Dân tộc ta vốn yêu chuộng hòa bình, chỉ muốn “tắt muôn đời chiến tranh”. Mà nếu buộc phải chiến tranh chống xâm lăng và khi kết thúc, thì không gì cao quý hơn hơn đại sự “bách niên thụ nhân” (trăm năm trồng người), bởi “Ta lấy toàn quân là hơn để Nhân dân nghỉ sức”, như Nguyễn Trãi từng nghĩ; vì, “Còn non, còn nước, còn người…”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò. Tất cả các bậc tiên hiền, suốt mấy nghìn năm cho tới hôm nay, đều lấy hòa hiếu lân bang, bốn bể làm trọng, đều vì nền độc tự do của đất nước làm lý tưởng, lấy “Non sông ngàn thuở vững âu vàng” làm trọng sự, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì nền hòa bình khu vực và trên toàn thế giới làm mục tiêu hành động không thay đổi! Chúng ta sẵn sàng làm bạn với các nước, nhất là hợp tác chặt chẽ song phương, đa phương với các đối tác chiến lược… cũng vì lẽ đó. Chúng ta cũng chủ động cùng với các quốc gia dân tộc yêu chuộng hòa bình tháo gỡ những mối bất hòa, tranh chấp quốc tế, ngăn chặn những ai gây hấn đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng vũ lực chi phối các nước khác, thông qua ngoại giao trên nền tảng thông lệ và pháp lý quốc tế… cũng vì lẽ tự nhiên đó. Tất cả góp phần xây dựng và phát triển đời sống chính trị quốc tế thật sự nồng ấm và tin cậy lẫn nhau. Đó là niềm tin chính trị chiến lược với bè bạn quốc tế và các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới.

Chúng ta yêu hòa bình và vì thế, dân tộc Việt Nam không ngần ngại buộc phải tự vệ bằng tất cả những gì có thể làm, quyết bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, nền hòa bình, sự thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, vì sự trường tồn của dân tộc, góp phần bảo vệ nền hòa bình của thế giới. Vì đó là quyền tự vệ chính đáng Việt Nam, suy rộng ra là quyền của bất cứ quốc gia, dân tộc nào khát khao độc lập tự do và yêu mến hòa bình! Vì dân tộc chúng ta, một phần hữu cơ của nhân loại tiến bộ! Vì, “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, vì sự tôn vinh và bảo vệ những quyền cơ bản thiêng liêng của đất nước, của con người, mà các quốc gia, dân tộc dù ở châu lục nào trên địa cầu cũng vươn tới: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Đó là khát vọng, là lẽ sống của hơn 96 triệu đồng bào nước Việt, cũng là khát vọng của nhân loại về một thế giới hòa bình, thống nhất, văn minh và tiến bộ! 

Đó chính là động lực quan trọng. Đó là bản lĩnh, khí phách của văn hóa Việt Nam!

Quyết liệt kiến tạo, thực thi chiến lược phát triển nhân tài quốc gia

Và, cuối cùng, đó là phát triển toàn diện con người, rường cột thực thi chiến lược nhân tài để nắm lấy và dẫn dắt xung lực phát triển đất nước từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự bùng nổ của cách mạng thông tin - truyền thông và cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang thay đổi diện mạo cũng như tốc độ phát triển toàn cầu. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam. Có thể nói, cơ hội này hoặc là hôm nay hoặc là không biết khi nào, đối với chúng ta. Nếu xem thời cơ là lực lượng thì với cuộc cách mạng công nghiệp mới này, với những đột phá về công nghệ, chúng ta phải chủ động nắm lấy và tận dụng nó.

Với sự nỗ lực phi thường, những nền tảng ban đầu rất quan trọng được kiến tạo, để chúng ta chủ động nắm lấy nó. Chỉ tính riêng internet, hiện nay, nước ta có đến trên 64 triệu người truy cập và sử dụng, và con số này vẫn đang tăng lên hết sức nhanh chóng từng ngày. Điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là tuyệt đại đa số những người sử dụng internet đều thuộc về thế hệ trẻ - thế hệ đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước trong tương lai. Điều rõ ràng là, cơ hội trăm năm của hàng chục triệu người dân Việt Nam kết nối với toàn cầu và với nhau chia sẻ, mở rộng tầm nhìn, khám phá kiến thức… đang thật sự là động lực đột phá to lớn để phát triển. Cố nhiên, cũng là thách thức không kém phần to lớn, nếu chúng ta không tiên lượng và có được những cải cách tương ứng và kịp thời. 

Nhưng dù thế nào, chúng ta phải chủ động nắm lấy và thực thi một cách quyết liệt, với những đột phá, tạo những “cú nhảy” bứt phá trên con đường phát triển, nếu không muốn đứng ngoài thế giới hoặc tụt hậu vô phương cứu vãn. Hơn hết bao giờ, cần có khát vọng, niềm tin, lựa chọn ưu tiên và quyết liệt kiến tạo và thực thi chiến lược phát triển nhân tài quốc gia.

Lịch sử đã chứng minh rằng, không một quốc gia nào có thể làm nên kỳ tích phát triển nếu không có bộ máy công quyền ưu tú; và, bộ máy công quyền ấy sẽ không chỉ là nơi tụ hội nhân tài mà còn là môi trường để họ làm việc, thể hiện tư cách và tài năng một cách tin tưởng. Chỉ có một đội ngũ tinh hoa xứng tầm mới có thể dẫn dắt dân tộc ngẩng đầu, phát triển và sánh bước đi cùng nhân loại. Đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, trước mắt thanh lọc bộ máy công quyền sao cho tinh hoa, tinh thông và liêm chính bảo đảm tương dung với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, hơn lúc nào hết, phải là việc cấp bách, thậm chí nóng bỏng hiện nay. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ rõ rằng, nếu toàn xã hội và đến lượt mỗi người không đồng tâm vun đắp xây dựng một nền văn hóa cao cả về tầm nhìn, cao quý về nhân văn, uyên bác về trí tuệ, cao thượng về nhân cách, và luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào và trách nhiệm với Tổ quốc, thì không hy vọng có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao như kỳ vọng.

Do vậy, phải đổi mới tầm nhìn mang tầm dài hạn nhằm kiến tạo cho kỳ được nền móng bảo đảm cho sự phát triển mới: huy động nguồn nhân lực và đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước mà Việt Nam phải là nơi hội tụ được tài năng và nguồn nhân lực từ bên ngoài và thế giới; chung tay cùng nhân loại bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái.

Chúng ta cần một môi trường xã hội tương xứng do con người, cho con người, vì con người, và trên hết thảy Dân là gốc nước, mà rường cột là nỗ lực phát triển nhân tài một cách xứng đáng mang tầm chiến lược. Do đó, cần tìm kiếm tài năng từ mọi ngõ ngách; trân trọng sử dụng tinh hoa và kinh nghiệm quốc tế. Và, điều cần khắc sâu là, cả xã hội dành cho những người gánh vác sứ mệnh dẫn dắt dân tộc ngẩng đầu sự trân trọng thành tâm, sự ủng hộ nhiệt thành và tình yêu thương vô hạn. Và, đồng thời, mặt khác, nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường sinh thái tự nhiên hài hòa, ứng phó với mọi sự biến đổi bất thường, đầy rủi ro và ẩn tàng vô vàn thảm họa của tự nhiên, bảo đảm là cái “nôi sống” nuôi dưỡng môi trường xã hội. Đó là hai mặt tất yếu của sự phát triển mạnh mẽ, cân bằng và bền vững. 

Đó chính là động lực mang tầm đột phá chiến lược.

Đó chính là chiều sâu sức mạnh vô địch và tiềm ẩn của văn hóa Việt Nam! 

Đó chính là Quốc sỉ, Quốc thể Việt Nam trong tầm nhìn năm 2045!  

Có thể nói một cách đại lược, đó chính là triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững mang tầm chiến lược Việt Nam trong tầm nhìn tương lai.