Nghệ thuật hát xẩm - sáng tạo và thích ứng

Bài cuối: Nối dài đời sống hát xẩm

- Thứ Sáu, 16/07/2021, 06:25 - Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều người trẻ đã tiếp nhận, kế thừa, phát huy giá trị và quảng bá nghệ thuật hát xẩm. Nhiều tác phẩm sáng tạo, lấy cảm hứng từ hát xẩm đã ra đời, thu hút sự chú ý của khán giả đương đại.

Xẩm với khán giả hiện đại

“Hơn 10 năm qua, nhiều người đã tham gia khôi phục, gìn giữ, quảng bá xẩm, công chúng cũng biết đến nghệ thuật này nhiều hơn” - nhà sưu tầm tư liệu nghệ thuật dân gian Mai Đức Thiện nhận định. Sau nhiều năm sưu tầm dữ liệu nghệ thuật truyền thống, Mai Đức Thiện lập kênh YouTube chia sẻ tư liệu, video âm thanh các loại hình như xẩm, chèo, trống quân... tới nay thu hút hơn 1 triệu lượt người theo dõi, quan tâm. Trước kia, mọi người khó tìm thấy xẩm trên Google, YouTube, thì hiện nay, với kho tàng tư liệu, âm thanh, hình ảnh đa dạng về xẩm, công chúng có thể tìm nghe xẩm mọi lúc, mọi nơi.

Không chỉ được nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn, những năm gần đây, nghệ thuật hát xẩm còn được làm mới, đưa vào đời sống đương đại theo nhiều cách khác nhau, trong đó có các album, MV của nhóm Xẩm Hà Thành. Các tác phẩm này có phần lời ca dựa vào và phát triển từ thơ ca dân gian, giai điệu truyền thống được biến thành những bài hát đầy tính thời sự, thậm chí lãng mạn hoặc tươi vui, qua cách thể hiện khác biệt, như “Tiễu trừ cướp biển”, "Tiễu trừ Corona"...

Nhiều cuộc biểu diễn, trò chuyện, truyền dạy, trưng bày về hát xẩm được tổ chức. Ngay những tháng đầu năm 2021 có các chương trình trình diễn, trò chuyện trực tuyến như: “Mắt xẩm”, “Chiếu xẩm xưa và nay”... thu hút công chúng tham gia. Qua đó, xẩm được duy trì, gìn giữ, quảng bá và giới thiệu đến công chúng nhiều hơn.

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, văn hóa phải có tiếp nối, nếu chỉ bảo tồn là tự ngắt mạch sống của nó. Nghệ thuật nào thì cũng không thể sống được nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu mang tính thời đại. "Muốn nối dài sự sống cho âm nhạc truyền thống nói chung, xẩm nói riêng, càng cần tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, hài hòa giữa nghe và xem để thu hút khán giả. Tuy nhiên, vẫn bảo đảm gieo cây gì phải mọc lên cây đó chứ không thể là cây khác”.

Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm “Vãng Cổ Du Ca”

Sáng tạo nhưng vẫn giữ đặc trưng

Thời gian vừa qua, các nghệ sĩ trẻ cũng đã nghiên cứu và đưa xẩm vào các sản phẩm âm nhạc mới, từ đó giúp nghệ thuật này có giá trị lan tỏa ngày một sâu, rộng hơn. Chẳng hạn, xẩm được kết hợp với jazz, hiphop, EDM... tạo nên sự ngẫu hứng mới lạ và đến gần hơn với khán giả trẻ.

Ca sĩ Hà Myo là tác giả của hai sản phẩm âm nhạc “Xẩm Hà Nội” và “Xẩm Xuân xanh”. Chính sự mộc mạc, bình dị của xẩm đã cuốn hút cô. “Tôi có ý tưởng làm MV xẩm Hà Nội để hướng tới khán giả trẻ, làm mới xẩm Hà Nội. Khi làm MV, tôi tìm tới các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ để học cách hát, nghe nhiều bài hát để giữ được đặc trưng của xẩm là sự dí dỏm, chất đời. Tôi cũng tìm tới nhà sản xuất âm nhạc, rapper, để xem các bạn trẻ thích nghe gì, từ đó kết hợp để mang xẩm tới khán giả trẻ một cách nhanh nhất, phù hợp nhất. Qua sự kết hợp này, tôi cũng thấy rằng, âm nhạc đương đại đang được những người lớn tuổi biết đến và yêu mến”.

Trong khi đó, nhạc sĩ Tú Nguyễn lại có tác phẩm “Vãng cổ du ca” - khúc ngẫu hứng dựa trên làn điệu xẩm Thập Ân, kết hợp nhạc cụ phương Tây (violin, piano, cello) và bộ gõ trong xẩm, tạo nên những giai điệu vừa quen, vừa lạ, vừa phảng phất xẩm, vừa có nét mới, thu hút người nghe. “Tôi mong muốn giữ lại tinh thần, chất liệu đặc trưng của xẩm, trải nghiệm sáng tạo chất liệu này trên nhạc cụ phương Tây. Đây là cách tôi thể hiện tình yêu với âm nhạc truyền thống, và mang nghệ thuật ấy tới khán giả trẻ”, Tú Nguyễn cho biết.

Cho rằng phần nguyên gốc cần được lưu giữ, nhưng PGS.TS. Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng cho rằng, dựa trên cái đã có, phải sáng tạo và nâng tầm. Ông ủng hộ những người tham gia đưa hát xẩm trở thành nghệ thuật có thể gắn với âm nhạc hiện đại, thậm chí gần với rap, rock, bởi không thể bắt khán giả hiện nay nghe như xưa. Đó cũng là phần thể nghiệm thú vị, tiếp cận xẩm dưới góc nhìn của con người mới.

“Ở giai đoạn nào cũng thế, nghệ thuật phải thể hiện được tâm hồn của người đương thời” - nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nêu quan điểm. Trong giai đoạn mới, nghệ thuật xẩm cũng cần có nhiều hơn các bài mang tính thời sự, có tiết tấu. Bên cạnh đó, khuyến khích các bạn trẻ quan tâm hơn đến nghệ thuật truyền thống. Thêm một người biết đến hát xẩm đã tốt. Bởi xẩm rất cần cộng đồng người thưởng thức đông đảo như quan họ, đờn ca tài tử, từ đó có đất phát triển. Trong khi đó, hát xẩm đang có đầy đủ yếu tố để có sự đón nhận của công chúng hiện tại và tương lai.

Đồng tình với ý kiến trên, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa mong muốn nhiều bạn trẻ đến với nghệ thuật hát xẩm, tuy nhiên, cần nắm được nền tảng của âm nhạc truyền thống. Phải giữ được hồn cốt xẩm, trên nền tảng vững chắc đó có thể sáng tạo, thể hiện tài năng của mình. 

Ngọc Phương