Bảo đảm an ninh nguồn nước

Bài cuối: Nhiệm vụ tổng hợp và lâu dài

- Thứ Hai, 24/08/2020, 08:59 - Chia sẻ
Không chỉ những thách thức lớn nổi lên thời gian gần đây buộc Việt Nam phải chú ý đến bảo đảm an ninh nguồn nước, mà nhiều quốc gia luôn coi trọng nhiệm vụ này. Bảo đảm nguồn nước mặt, nước ngầm được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không kém an ninh quốc gia. Tất nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nâng cao nhận thức, ban hành văn bản là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần xác định đúng những đòi hỏi của bảo đảm an ninh nguồn nước.

Thách thức phức tạp, khó lường

"Cần thực hiện kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, thủy lợi, cung cấp nước sạch. Đồng thời, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và Nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước. Khuyến khích hạch toán kinh tế, sử dụng nước có hiệu quả.

Vấn đề sử dụng nước hiệu quả phải đặt ra một cách quyết liệt. Cần nhớ rằng, hiệu quả sử dụng nước của chúng ta hiện chỉ bằng 1/10 so với thế giới. Trước tình hình hiện nay, sử dụng nước hiệu quả sẽ giảm áp lực thiếu nước. Giải pháp sử dụng hiệu quả cần được tổ chức một cách tổng hợp bằng các biện pháp quản lý, kinh tế, kỹ thuật, khoa học - công nghệ và tổ chức lại sản xuất".

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Nước là sự sống, là tài nguyên đặc biệt, có vai trò không thể thiếu đối với đời sống con người, thừa và thiếu nước đều là thảm họa, ảnh hưởng đến sự sinh tồn, phát triển bình thường hàng ngày cũng như bền vững của xã hội. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Do vậy, các quốc gia trên thế giới luôn coi trọng việc bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không kém an ninh quốc gia và đều có phương án ứng phó khẩn cấp khi nguồn nước gặp sự cố. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và toàn cầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường.

Đối với nước ta, những thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước ngày càng hiển hiện và nghiêm trọng hơn. Những thách thức này không dừng ở việc mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra thường xuyên theo không gian, thời gian, gây ra tình trạng có những vùng vừa chịu lũ lụt vào mùa mưa, vừa hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ vào mùa khô. Hay như thách thức từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác quá mức ở thượng nguồn làm ảnh hưởng tới lượng và chất của lượng nước chảy vào nước ta... Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lưu ý đến thách thức từ quản trị nước còn một số hạn chế, khi việc điều hòa, điều tiết nước, tích trữ nước vào mùa mưa để phòng hạn hán vẫn là một vấn đề lớn cần giải quyết. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt do áp lực phát triển kinh tế không chỉ làm tăng nhu cầu sử dụng nước mà làm tăng lượng xả thải vào sông, suối, gây ô nhiễm môi trường, khó quay vòng nước để sử dụng lại, thậm chí có nơi có nước không sử dụng được hoặc phải mất chi phí cao để xử lý.

Trước những thách thức với an ninh nguồn nước, cũng như vai trò quan trọng của nguồn tài nguyên này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị, cần đưa bảo đảm an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa trong nhiệm kỳ mới cũng như trong văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề xuất, Quốc hội cần xem xét ban hành nghị quyết riêng về bảo đảm an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

Tài nguyên có giá trị và trữ lượng hạn chế

Việc đưa vấn đề an ninh nguồn nước vào các văn kiện Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới có thể là bước đi chiến lược và lâu dài, giúp nâng cao ý thức cho các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trước khi đưa vào các văn kiện quan trọng, theo nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội, tài nguyên nước cần được quản lý theo tư duy mới. Theo đó, đây không phải tài nguyên "vô tận" như cách nghĩ, cách làm lâu nay, mà cần được tiếp cận như một loại tài nguyên có giá trị và trữ lượng hạn chế. Từ cách nhìn phù hợp như vậy sẽ giúp công tác quản lý ngày càng chặt chẽ hơn, điều chỉnh hoạt động khai thác, bảo vệ, cũng như xác định giải pháp đúng để sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên nước.

An ninh nguồn nước quan trọng như an ninh quốc gia - Nguồn: ITN

Trong Phiên giải trình về nội dung này, đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu cũng là một trong những yêu cầu được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần coi bảo đảm an ninh nguồn nước là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Tại sao nói an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là nhiệm vụ tổng hợp, vì nó phải kết hợp nhiều nhiệm vụ từ bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giao thông, thủy lợi, thủy điện, kinh tế, tài chính. An ninh nguồn nước là nhiệm vụ lâu dài vì không thể có nguồn lực để làm ngay mà phải phân kỳ đầu tư. Quan điểm, nhận thức này cần được thể hiện trong nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp để tạo điểm tựa về chính trị, đồng thời phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cho vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quá trình khảo sát thực tế tại các tỉnh, thành phố vừa qua cũng cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động để bảo đảm an ninh nguồn nước. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định các nhóm giải pháp mềm (phi công trình) và nhóm giải pháp kỹ thuật (công trình). Tuy nhiên, những nhiệm vụ này đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Và mong muốn là, Chính phủ sớm xây dựng Đề án phát triển và bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 trình Quốc hội xem xét. Đồng thời, cần tính toán bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 để bước đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn.

Trước tình hình thực tế và vai trò quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước với sự phát triển bền vững đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức giám sát về nội dung này. Qua làm việc với các bộ, ngành liên quan, khảo sát ở nhiều tỉnh, thành phố, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đưa ra đánh giá về tình hình an ninh nguồn nước, qua đó đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Mong rằng, sau đợt giám sát này, các cơ quan chức năng sẽ sớm có những hành động thiết thực để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, phúc đáp ý kiến của cử tri, có biện pháp căn cơ, lâu dài giải quyết các vấn đề đang đặt ra với vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước.

Thanh Hải