Hoàn thiện pháp luật để xây dựng công nghiệp điện ảnh

Bài cuối: Nhà nước giữ vai trò điều tiết

- Thứ Năm, 11/03/2021, 04:54 - Chia sẻ
Trước sự vận động của đời sống xã hội trong điều kiện đất nước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi sớm được sửa đổi, bổ sung, hướng đến xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh có tính đặc thù nên cần chính sách đặc thù, trong đó nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước vẫn phải giữ vai trò điều tiết một số khâu của hoạt động điện ảnh.

“Phát triển điện ảnh Việt Nam bằng nội lực”

Điện ảnh là loại hình nghệ thuật có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng con người, xem một bộ phim hay có thể nhớ đến hàng chục năm. Hơn thế, với lợi thế khán giả đông, đây là lĩnh vực đứng đầu trong phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa, điện ảnh nằm trong tổng quan hoạt động văn hóa. Nếu văn hóa không được quan tâm đầu tư thì điện ảnh cũng bị tác động. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng. Đầu tư cho điện ảnh không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho ngân sách nhà nước mà cả lợi ích văn hóa cho toàn dân.

Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải thì cho rằng, đã đến lúc nhìn lại, cơ cấu lại nền điện ảnh Việt Nam, tìm kiếm mô hình phù hợp. Nền điện ảnh Việt Nam phải có tác phẩm tiêu biểu mang đặc trưng của Việt Nam chứ không mở cửa ồ ạt để nhập khẩu phim, trong khi mỗi năm chỉ sản xuất được 3 - 4 phim. “Tất cả hướng đi, sửa đổi trong Luật Điện ảnh lần này đều phải nhằm phục vụ phát triển điện ảnh Việt Nam bằng nội lực”.

Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hà Nội, NSƯT Thanh Loan có chung ý kiến: Việc sửa đổi Luật Điện ảnh cần theo hướng: Một mặt, thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0; mặt khác, bảo đảm sự phát triển theo đúng định hướng của Đảng về đường lối phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong tình hình mới. Đặc biệt Luật Điện ảnh quy định được các chính sách để bảo vệ điện ảnh dân tộc.

Với một ngành gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của khoa học - công nghệ, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh Dương Cẩm Thúy mong muốn, Luật Điện ảnh phải có tầm nhìn xa và tính dự báo. “Thế giới có thể phát minh ra một nguyên liệu khác, một thiết bị khác để làm phim, như thời kỳ băng Umatic, betacam thay cho phim 35 ly, rồi kỹ thuật số thay thế băng betacam. Bây giờ người ta có thể quay và dựng phim bằng điện thoại di động… Vì thế, các quy định trong Luật Điện ảnh sắp tới phải lường trước những điều này để khi ban hành không bị lạc hậu”.

Không có chính sách ưu đãi của Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài

Không có chính sách ưu đãi, doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh

Gắn bó gần như cả cuộc đời với điện ảnh, trong đó có 10 năm làm quản lý Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương kiến nghị, trong quy định chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, cần bổ sung nội dung: Nhà nước giữ vai trò điều tiết và giám sát việc đầu tư từ các đơn vị tư nhân hoặc tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài bảo đảm tỷ lệ không vượt quá 51% trong các lĩnh vực hợp tác sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất rạp…

Ông Dương phân tích: Hiện nay 3 công ty lớn là CJ, Lotte, Platinum xây dựng cơ sở phổ biến phim chiếm tỷ lệ 59% trên tổng số rạp trên cả nước, con số này đang tiếp tục tăng nhanh. Đây là vấn đề lớn, quan trọng với sự phát triển của điện ảnh và văn hóa Việt Nam. “Khi đất nước còn khó khăn, nước ta chưa có điều kiện đầu tư. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hợp lý để vừa thu hút được đầu tư của nước ngoài, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào điện ảnh thì mới có cơ hội phát triển”, ông Dương nói.

Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng, Nhà nước cũng cần khôi phục vai trò điều tiết trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phim. Theo Luật Điện ảnh hiện hành, đơn vị sự nghiệp chỉ được nhập khẩu phim, lưu hành nội bộ để phục vụ yêu cầu công tác của mình; doanh nghiệp phát hành phim phải có rạp mới được nhập khẩu phát hành phim (Khoản 2). Ông Dương đề nghị sửa: Đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim (dù có rạp hay không có rạp) được nhập khẩu, xuất khẩu phim và thực hiện quản lý, sử dụng phim nhập khẩu theo quy định pháp luật.

Tham gia vào tất cả các khâu của ngành công nghiệp điện ảnh, từ sản xuất, phát hành phim và xây dựng các cụm rạp trên khắp Việt Nam, mỗi năm sản xuất, đầu tư và phát hành 3 - 10 phim, đại diện Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) cho rằng, cần có các chính sách điều tiết của Nhà nước cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam non trẻ và hỗ trợ bảo vệ, phát triển điện ảnh Việt bằng các rào cản thương mại và chính sách hỗ trợ đúng. 

Chẳng hạn, theo quy luật thị trường, phim Hollywood đầu tư nhiều tiền hơn vì họ đầu tư không chỉ cho Mỹ mà cho toàn cầu nên tiếng nói mạnh hơn, nên hiện tại tỷ lệ chia sẻ cho chủ phim Hollywood là 50 - 60%/doanh thu so với phim Việt Nam là 40 - 50% tuần đầu và giảm dần các tuần sau. Như vậy, phim Mỹ doanh thu chủ phim Hollywood vận hành theo quy luật thị trường mở ở công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang có lợi thế hơn về doanh thu hơn các nhà sản xuất phim Việt là từ 20 - 40% doanh thu. Vì thế, cần sửa đổi tỷ lệ chia sẻ doanh thu cho chủ phim Việt Nam và phim Mỹ bằng nhau, không để phim Việt chịu thiệt trên sân nhà.

Phim là tài sản vô hình có giá trị, nên cho phép ngân hàng chấp nhận thẩm định/thế chấp bản quyền phim cho vay. Hiện tại các hãng phim không thể đi vay tiền ngân hàng làm phim… Để tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư phim, nên bổ sung các ưu đãi thuế (giảm % thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế trên cổ tức được chia, miễn thuế trên phần lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư…).

“Nếu không có chính sách ưu đãi của Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam còn lâu mới cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, bởi họ có tiềm lực mạnh hơn mình rất nhiều” - Phó Tổng giám đốc Công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh khẳng định.

Nguyên Anh