Lá phiếu của niềm tin và trách nhiệm

Bài cuối: Ngày hội lớn của dân tộc

- Thứ Bảy, 24/04/2021, 05:24 - Chia sẻ
Khi cử tri thực sự xem lá phiếu cầm trên tay là chứng nhận của sự tự do, là quyền làm chủ của mình, quyết định tương lai chính trị của đất nước cũng là quyết định cuộc sống no ấm của cử tri và Nhân dân; đồng thời, được tạo thuận lợi tìm hiểu thông tin, nhất là về các ứng cử viên để có cơ sở lựa chọn, ngày bầu cử mới trọn vẹn là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam.
Kiểm tra thông tin trong danh sách cử tri niêm yết tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Ảnh: Bình Nguyên

Thực sự thấm vào các tầng lớp Nhân dân

Để ngày bầu cử sắp tới thực sự là ngày hội dân chủ của toàn dân, lựa chọn được những đại biểu thực sự xứng đáng, một vấn đề đặt ra hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng địa bàn và đặc điểm nhóm cử tri để thực sự thấm vào các tầng lớp Nhân dân. Phải làm sao để đông đảo cử tri, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trước hết phải thực sự hiểu về vai trò, trách nhiệm, về tầm quan trọng của lá phiếu tín nhiệm của mình trong việc lựa chọn ra những đại biểu thực sự xứng đáng. Khi và chỉ khi một bộ phận cử tri không còn nhận thức lệch lạc theo kiểu: “Bầu ai cũng giống ai”, hay “Đã có sự sắp xếp trước hết rồi”… mới khắc phục được tình trạng xuê xoa, bầu… cho xong.

Trên thực tế, hình thức tuyên truyền về cuộc bầu cử hiện nay đã phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Ngoài qua sinh hoạt Đảng, đoàn thể, hội, qua hệ thống thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động và trực quan, một hình thức tuyên truyền khá hiệu quả nhiều địa phương hiện đang áp dụng đó là qua hệ thống mạng xã hội, phổ biến nhất là qua Facebook và Zalo. Theo đó, các tổ chức (Tiểu ban tuyên truyền của Ủy ban Bầu cử, cơ quan MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, trang mạng xã hội riêng chuyên tích hợp các tin, bài của các cổng, trang thông tin điện tử địa phương, ngành và một số cá nhân có tầm ảnh hưởng hoặc là thành viên của các tổ chức trên) thành lập các nhóm, các chuyên trang về bầu cử. Nội dung trên các trang, nhóm này khá phong phú, ngoài đăng tải các văn bản liên quan đến cuộc bầu cử đã cập nhật thường xuyên các hoạt động chuẩn bị bầu cử của địa phương, ngành…

Tuy nhiên, vì môi trường mạng xã hội khá phức tạp, một số thông tin thiếu chuẩn xác, thậm chí lẫn một số thông tin “độc”, “xấu”, việc kiểm soát của cơ quan chức năng cũng không thể kịp thời và không kham hết được. Thêm vào đó, có cả những cá nhân, tổ chức có tư tưởng chống phá lợi dụng, thậm chí xen vào để xuyên tạc, trong khi đội ngũ cộng tác viên xã hội của các ban chỉ đạo ở các địa phương về chống các loại tin này còn khá mỏng.

Để phát huy hình thức tuyên truyền này, một số địa phương đã có cách làm khá hay. Như tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, bên cạnh thành lập các Tiểu ban, các Tổ theo quy định giúp việc cho Ủy ban Bầu cử và Ban chỉ đạo Bầu cử, Ủy ban Bầu cử thị xã đã lựa chọn một Tổ tư vấn chuyên môn sâu về bầu cử quy tụ tất cả những chuyên gia đầu ngành về luật, về tổ chức nhà nước và những người có kinh nghiệm về nghiệp vụ tham mưu, giúp việc bầu cử qua các nhiệm kỳ trước để chuyên tham mưu cho Ủy ban Bầu cử về các văn bản, quy định, soát xét các văn bản trước khi ban hành, thẩm định nội dung tuyên truyền trước khi lãnh đạo duyệt đăng tải. Bao gồm cả kiểm soát thông tin trên các nhóm, trang mạng xã hội chính thống của các cơ quan, ban, ngành phụ trách bầu cử. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử thị xã Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Tổ hoạt động rất tích cực, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho từng Ủy ban Bầu cử của phường, xã cũng như của thị xã”.

Nhiều địa phương cũng đã có cách làm hay tuyên truyền thông tin bầu cử. Theo đó, phân loại cử tri để áp dụng phương pháp tuyên truyền phù hợp là cách làm hay tại một số địa phương của tỉnh Nghệ An. Với các tỉnh Tây Nguyên, do đặc thù một bộ phận người dân chủ yếu là đồng bào Gia Rai, Ê Đê chưa hiểu rõ tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền có những nét khác biệt. Bên cạnh bản tin tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, bản tin bằng tiếng Ê Đê, Gia Rai cũng được phát song song. Ngoài ra, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản (thôn, buôn) đi từng ngõ, gõ từng nhà và tuyên truyền, vận động.

Minh bạch, cụ thể hơn về ứng cử viên

Để ngày bầu cử trọn vẹn là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, bên cạnh nhận thức được tầm quan trọng của lá phiếu, cử tri cũng rất cần được tạo thuận lợi để tìm hiểu thông tin, nhất là về các ứng cử viên để có cơ sở lựa chọn.

Bà Nguyễn Thị Lục - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cho biết: Khi danh sách chính thức những người ứng cử được công bố, chúng tôi sẽ khởi động ngay việc tuyên truyền cung cấp thông tin về ứng viên cho toàn thể Nhân dân tìm hiểu trước khi tổ chức TXCT để ứng viên vận động bầu cử. Ngoài niêm yết công khai danh sách, tiểu sử ở các khu vực bỏ phiếu, qua hệ thống loa của các thôn, qua mạng xã hội, chúng tôi sẽ chỉ đạo lồng ghép qua sinh hoạt Đảng, đoàn thể, hội nhóm ở các khu dân cử. Quyết tâm trên 60% cử tri nắm đầy đủ thông tin cơ bản về ứng viên. Đối với những cử tri bận bịu, chúng tôi thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, tuyên truyền đến hội viên, đảng viên; đồng thời, nhờ chính những đảng viên, hội viên trở thành “cánh tay nối dài” về tuyên truyền cho cử tri trong gia đình để nắm rõ về ngày bầu cử, soát xét thông tin trong danh sách cử tri, sắp xếp thời gian nghiên cứu về ứng viên và để đi bầu cử.

Để cử tri vùng miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nắm thông tin về ngày, giờ và cách thức bầu cử đã khó, việc tiếp cận thông tin về ứng viên lại càng khó hơn nên theo Trưởng thôn Nay A Lâm (thôn Tong Will, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), đối với những ứng viên là người đồng bào cử tri thường dễ tiếp cận và nắm rõ nhưng đối với những ứng viên người Kinh, nhất là ứng viên cấp trên thì chúng tôi đề nghị cần tăng thời lượng và số điểm để những ứng viên này về tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; thời gian nên tổ chức vào buổi tối, lồng ghép các sự kiện của thôn, bản thì sẽ thuận lợi cho đồng bào hơn. Ngoài ra, tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên cũng nên được dịch ra tiếng dân tộc ở nơi có đông đồng bào sinh sống để dễ tiếp cận.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, để cử tri nắm rõ lý lịch của ứng viên thì hình thức niêm yết công khai cũng là vấn đề tưởng như đơn giản lại không hề giản đơn chút nào. Theo đó, bên cạnh danh sách cử tri được niêm yết tại khu vực bỏ phiếu, danh sách ứng viên chính thức và tiểu sử tóm tắt của ứng viên cũng cần được niêm yết đầy đủ. Về thể thức, cách thức niêm yết đã có quy định cụ thể nhưng trong thực tế đã có những chuyện dở khóc, dở cười đối với Tổ bầu cử khi bỗng dưng gặp phải những sự cố hy hữu như: Bảng niêm yết bị gió cuốn bay, ướt nhẹp và không có bảng dự phòng; hay như ảnh ứng viên bị trẻ con nghịch ngợm vẽ râu, thậm chí xé toạc, bôi bẩn... Do đó, việc niêm yết công khai phải đúng thời điểm quy định, đúng thể thức, trang trọng, có dự phòng hỏng hóc, trang trí phải bắt mắt, dễ nhìn. Thành viên Tổ bầu cử cũng cần phân công bảo quản và tạo điều kiện cho cử tri nghiên cứu về tiểu sử ứng viên, nhất là vào buổi tổi bởi nhiều cử tri ban ngày bận công việc.

Tiếp đó, tại hội nghị TXCT giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp với cử tri, người điều hành cần làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là thông tin về ứng viên. Cần nói rõ cho cử tri biết tại sao lại chọn những người đó, minh bạch kết quả các bước giới thiệu, hiệp thương như thế nào. Đồng thời, đề nghị cử tri tiếp tục tuyên truyền cho người thân, gia đình, hàng xóm về thông tin ứng viên qua hội nghị đã được quán triệt để toàn dân nắm rõ, sẵn sàng phương án lựa chọn được người xứng đáng.

Các cấp cũng cần quán triệt nghiêm các thành viên Tổ bầu cử bám sát quy định của Luật về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chuẩn bị sẵn sàng văn phòng phẩm, thùng phiếu phụ, hướng dẫn cử tri nghiên cứu nội quy khu vực bỏ phiếu, nghiên cứu kỹ về ứng viên để lựa chọn, không để xảy ra tình huống bật đèn xanh, định hướng về “bầu ai”, “chọn ai” tại khu vực bỏ phiếu; bố trí người giám sát chặt khu vực bỏ phiếu. Làm chặt chẽ, dân chủ các bước theo luật định, minh bạch và cụ thể hơn về ứng cử viên thì không có một diễn đàn, cá nhân nào có thể xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử. Và chắc chắn cũng không ai có thể lôi kéo, lay động gây ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân khi cử tri cầm lá phiếu lựa chọn người đại diện xứng đáng.

Bầu ai, lựa chọn ai là quyền thiêng liêng của cử tri, không ai có thể làm thay. Là một người Việt Nam yêu nước, chúng ta hãy thực hiện quyền tự chủ của mình vào ngày hội lớn của dân tộc 23.5 sắp tới.

LÊ LAM - THÁI HÒA