Nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm giám sát chuyên đề

Bài cuối: Làm sâu sắc, sinh động thêm kết quả giám sát

- Thứ Ba, 05/10/2021, 05:30 - Chia sẻ
Bên cạnh thường xuyên chú trọng các hoạt động hậu giám sát, tái giám sát bằng nhiều cách thức linh hoạt để tiếp tục đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát cho đến khi có kết quả, việc chọn kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp để tiếp tục chất vấn tại kỳ họp cũng là một giải pháp hay làm sâu sắc và sinh động thêm kết quả giám sát. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát chuyên đề.
Việc chọn kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp để tiếp tục chất vấn tại kỳ họp là một giải pháp hay
Ảnh: Ngọc Hải

Ban hành nghị quyết xử lý kết quả giám sát

Cùng với nhìn nhận đúng thực tế và đề ra được những kiến nghị thiết thực, khả thi, việc theo đến cùng thực hiện các kiến nghị sau giám sát có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm quyền uy của HĐND và hiệu quả cuộc giám sát chuyên đề.

Theo đó, trên cơ sở nghị quyết về vấn đề được giám sát (đối với giám sát chuyên đề của HĐND) hoặc báo cáo kết quả giám sát (đối với giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND), Thường trực, các ban, đại biểu và các cơ quan, chuyên viên giúp việc HĐND phải thường xuyên chú trọng các hoạt động hậu giám sát, tái giám sát thông qua việc tổng hợp, cập nhật và theo dõi, đôn đốc thường xuyên; yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát báo cáo tiến độ, kết quả triển khai; tăng cường kiểm tra thực tế, nắm thông tin; đề nghị báo cáo, giải trình thông qua các cuộc họp giao ban thường kỳ, phiên họp giải trình của Thường trực HĐND, Chương trình HĐND với cử tri hoặc chất vấn tại kỳ họp HĐND… để tiếp tục đôn đốc việc thực hiện cho đến khi có kết quả.

Cùng với đó, cần công khai, minh bạch các kết quả giám sát để tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam, đại biểu HĐND các cấp, cơ quan ngôn luận và cử tri cùng tham gia giám sát những vấn đề liên quan đến nội dung được nêu tại nghị quyết, báo cáo giám sát chuyên đề.

Điển hình, nhiệm kỳ 2016 - 2021, sau khi có nghị quyết, báo cáo giám sát chuyên đề, Thường trực, các Ban của HĐND thành phố Đà Nẵng xây dựng kế hoạch cụ thể giám sát việc triển khai thực hiện, tăng cường kiểm tra thực tế. Định kỳ hàng tháng, UBND thành phố, sở, ngành báo cáo tiến độ thực hiện cụ thể với Thường trực HĐND thành phố. Đối với các nội dung chưa được quan tâm xử lý, chậm triển khai hoặc triển khai thực hiện còn chưa đầy đủ, bất cập, Thường trực, các Ban HĐND đôn đốc yêu cầu UBND, thủ trưởng các ngành liên quan báo cáo, giải trình thông qua các cuộc họp giao ban thường kỳ; phiên họp giải trình của Thường trực HĐND; chương trình HĐND với cử tri hoặc chuyển tải thành nội dung chất vấn tại kỳ họp gần nhất của HĐND, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp khắc phục.

HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng luôn chú trọng khâu xử lý kết quả giám sát. Theo đó, ngoài báo cáo kết quả giám sát trình kỳ họp, những nội dung do HĐND, Thường trực HĐND tỉnh giám sát đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết xử lý kết quả giám sát để giao trách nhiệm cụ thể cho UBND tỉnh, các ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan. Nội dung kiến nghị qua giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh cũng được lồng ghép, chuyển tải vào các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở theo dõi việc tiếp thu, thực hiện của đối tượng chịu sự giám sát.

Chọn kết quả giám sát chuyên đề để tiếp tục chất vấn

Trên thực tế, việc chọn kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp để tiếp tục chất vấn tại kỳ họp không chỉ hóa giải các câu hỏi: Chất vấn ai, chất vấn vấn đề gì và ai chất vấn; làm cho việc tổ chức phiên chất vấn chủ động hơn, nhóm vấn đề, chủ thể chất vấn, những ai cần chất vấn đều đã được xác định trước… còn giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát chuyên đề đó.

Theo đó, một báo cáo giám sát chuyên đề luôn cố gắng chuyển tải đầy đủ nhất những vấn đề nổi lên qua giám sát, nhất là những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục. Nhưng việc làm rõ trách nhiệm đến cùng của các chủ thể liên quan thì hình thức chất vấn trực tiếp vẫn có ưu thế hơn. Bên cạnh các nội dung đã được báo cáo giám sát đề cập, các đại biểu có thể chất vấn thêm những vấn đề liên quan mà báo cáo chưa đề cập hết hoặc đại biểu muốn “truy” trách nhiệm đến cùng trong việc giải quyết các vấn đề tại nghị trường kỳ họp.

Nếu như báo cáo kết quả giám sát chỉ được trình bày trước kỳ họp, sau đó đại biểu có dành thời gian nghiên cứu đánh giá hay không là điều khó đoán định. Thái độ của mỗi đại biểu HĐND và của cơ quan chịu sự giám sát phản ứng như thế nào trước kết quả giám sát cũng là điều chưa thể xác định được. Trong khi đó, điều mà cử tri cũng như chủ thể giám sát cần nhất là tinh thần cầu thị, tiếp thu, trách nhiệm giải trình và tổ chức thực hiện kiến nghị giám sát của chính người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giám sát thể hiện như thế nào.

Như vậy, việc chất vấn này sẽ làm sâu sắc và sinh động thêm kết quả giám sát chuyên đề. Theo quy định, đoàn giám sát báo cáo HĐND kết quả giám sát; đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo giải trình; HĐND thảo luận và xem xét ra nghị quyết về vấn đề được giám sát. Tuy nhiên trong thực tế, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề sau khi được trình bày xong thường dễ bị “vùi” trong “núi” nội dung trình kỳ họp giữa lúc thời gian tổ chức kỳ họp không nhiều, đại biểu khó mà lưu tâm bàn bạc, thảo luận thêm. Do đó, việc tổ chức chất vấn đối với chính nội dung giám sát chuyên đề trình kỳ họp sẽ khắc phục được hạn chế trên.

PHƯƠNG NGUYÊN