Sau ánh đèn sân khấu

Bài cuối: Kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:22 - Chia sẻ
Để đời sống nghệ thuật nước nhà phát triển lành mạnh, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, hình thành những con người Việt Nam mới, ngoài ý thức, sự nỗ lực, cống hiến của nghệ sĩ, thì cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy chức trách của mình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện lệch chuẩn, hành vi phản cảm, lành mạnh hóa môi trường, không gian nghệ thuật.

Những vụ việc lùm xùm liên quan đến một số nghệ sĩ thời gian qua dưới tác động của truyền thông, mạng xã hội đã đẩy câu chuyện, sự việc đi quá xa, trong một thời gian dài, thu hút sự quan tâm, theo dõi đông đảo của các tầng lớp xã hội, nhất là giới trẻ. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã vào cuộc, tuy nhiên, việc ban hành một số văn bản pháp quy còn chậm; việc định hướng thông tin dư luận có lúc chưa kịp thời; biện pháp xử lý hành vi vi phạm chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe; việc phân định trách nhiệm cũng như phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa thực sự nhịp nhàng nên hiệu quả giải quyết sự việc chưa như mong muốn.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong đời sống nghệ thuật cũng như kịp thời chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn của một số nghệ sĩ, tạo dựng môi trường nghệ thuật lành mạnh, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa, nghệ thuật. Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nghệ thuật ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, nhưng một số quy định còn bộc lộ bất cập, chưa theo kịp sự phát triển. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi hoặc ban hành luật mới, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời, có cơ chế đặc thù trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ xứng đáng để nghệ sĩ yên tâm công tác, cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà.

Việc xây dựng hệ thống chính sách về văn hóa, nghệ thuật đầy đủ, đồng bộ sẽ tạo hàng lang pháp lý để nghệ sĩ ý thức rõ hơn về quyền, trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội; bảo đảm quyền tự do sáng tạo; tạo không gian, môi trường lành mạnh để công chúng được tiếp cận những sản phẩm nghệ thuật đích thực, giàu giá trị nhân văn, nhân bản.

Cần sớm ban hành Quy tắc ứng xử của người làm nghệ thuật

Nguồn: tuyengiao.vn 

Thứ hai, xây dựng và thực thi tốt quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các nghệ sĩ. Dự thảo Quy tắc nhấn mạnh: Với đồng nghiệp, nghệ sĩ không công kích, bài xích mà nên cạnh tranh lành mạnh. Với công chúng, nghệ sĩ cần tận tâm cống hiến, lắng nghe góp ý của khán giả, không lợi dụng danh tiếng để trục lợi. Trong các hoạt động xã hội, nghệ sĩ phải có trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng, đồng thời minh bạch hoạt động xã hội, từ thiện. Nghệ sĩ không tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không có hành vi mê tín dị đoan. Trên mạng xã hội, nghệ sĩ phát ngôn trung thực, không dùng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, không đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác… 

Hy vọng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ sớm được hoàn thiện, ban hành và đi vào cuộc sống, góp phần tích cực tạo phong cách ứng xử chuẩn mực, văn hóa của nghệ sĩ, từ đó lan tỏa, truyền đi những thông điệp tích cực.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý văn hóa nghệ thuật của các cơ quan chức năng. Trong điều kiện internet, mạng xã hội phát triển với những diễn biến phức tạp khó lường, các cơ quan chức năng phải không ngừng đổi mới tư duy, phương thức quản lý, am hiểu lĩnh vực văn hóa văn nghệ, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, tư tưởng của nghệ sĩ để động viên cũng như kịp thời phát hiện, điều chỉnh, uốn nắn những nhận thức sai lầm, phiến diện.

Xử lý nghiêm sai phạm, nhất là những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ; lợi dụng tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; núp bóng nghệ thuật và danh xưng nghệ sĩ để trục lợi, lừa dối công chúng; đưa thông tin, hình ảnh sai lệch, thiếu kiểm chứng… Việc phát hiện, xử lý sai phạm trong lĩnh vực nghệ thuật phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, công khai, kịp thời, mang tính răn đe, cảnh tỉnh, hướng đến xây dựng đời sống nghệ thuật lành mạnh, tiến bộ và nhân văn.

Có thể nói, tài năng nghệ thuật là vốn quý của nền văn hóa dân tộc. Tìm kiếm, phát hiện tài năng đã khó, việc gìn giữ, kiến tạo môi trường lành mạnh để tài năng mãi ta sáng, có nhiều đóng góp cho xã hội lại càng khó hơn. Hơn ai hết, mỗi tài năng nghệ thuật cần không ngừng học tập, trau dồi nghề nghiệp, vốn sống, kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng và phong cách ứng xử chuẩn mực, tạo dựng cho mình con đường đi đúng đắn, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng và tình yêu của người hâm mộ. Cùng với đó, sự quan tâm của các cơ quan chức năng sẽ làm cho bức tranh đời sống nghệ thuật nước nhà ngày càng khởi sắc, mang đến những món ăn tinh thần bổ ích, định hướng con người vươn tới những giá trị tốt đẹp.

TS. Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh