Ổn định dân sinh, bảo tồn di sản

Bài cuối: Khôi phục và phát huy giá trị di sản

- Thứ Ba, 17/08/2021, 05:58 - Chia sẻ
Chưa khi nào việc giải tỏa, di dời cư dân trên Thượng thành về nơi định cư mới, trả lại đất cho Kinh thành Huế được tiến hành cẩn trọng và nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp như thế. Mong ước rồi đây những khu đất được người dân trả lại sau bao nhiêu năm bị lấn chiếm sẽ trở về đúng vai trò giá trị di sản. Thực hiện được điều này sẽ tạo sự hoàn chỉnh cả về kiến trúc truyền thống và cả đô thị văn minh cũng như phát triển kinh tế, du lịch.
Sau hàng chục năm, trải qua nhiều thế hệ sống nhờ đất di sản, hàng nghìn hộ dân đã an cư ở nơi mới, trả lại đất để bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Ảnh: Minh An

Xây dựng không gian đặc hữu Huế

Câu hỏi đặt ra vào thời điểm này là, công tác trùng tu, tôn tạo các công trình nằm trên Thượng thành cũng như trong khu vực I Kinh thành Huế sẽ được triển khai ra sao và kế hoạch khai thác di sản này như thế nào?

Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trải qua 143 năm (1802 - 1945) dưới triều đại nhà Nguyễn, ngày nay Kinh thành Huế là một trong những di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Kinh thành Huế được quy hoạch ở bờ Bắc sông Hương, quay về hướng Nam với diện tích mặt bằng 520ha, khởi công xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long và hoàn thành năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành Huế có 3 vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành.

Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, Kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, cho rằng việc di dân ra khỏi Thượng thành - Eo Bầu và các khu vực lấn chiếm di tích bên trong Thành nội là việc làm cấp bách. Nó không chỉ giúp người dân đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn, mà xa hơn là câu chuyện khôi phục giá trị di tích của Kinh thành Huế cũng như chỉnh trang bộ mặt đô thị, dân cư nội thành Huế. Vì thế, chính quyền và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phải thật sự xem đây là đợt chỉnh trang, trùng tu lớn.

Do vậy, cần có kế hoạch điều tra thực trạng một số khu vực khi người dân giao lại đất di sản, chỉnh trang, không để tình trạng hoang hóa, nhếch nhác. Về lâu dài, việc tu bổ này không quá khó, bởi theo ông Nguyễn Xuân Hoa, di sản này chưa bị hư hỏng nhiều. Đặc biệt, tổng thể Kinh thành Huế không bị phá vỡ, từng chi tiết trên kinh thành gần như nguyên vẹn.

Nếu đề án này được triển khai đúng lộ trình, bài bản, khi hoàn thành sẽ tạo ra sự hoàn chỉnh cả về kiến trúc truyền thống và đô thị thông minh. Điều đó còn ý nghĩa hơn khi cho thấy tấm lòng của thế hệ hiện tại với những bậc tiền nhân, biết gìn giữ, phát huy giá trị di sản, lịch sử cũng như tô điểm hài hòa với đời sống đương đại.

TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, cần trùng tu thí điểm những công trình quan trọng gắn liền với không gian cụ thể để rút kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng mô hình và phương thức tiến hành để trùng tu, tôn tạo các công trình ở khu Thượng thành, Eo Bầu. Chưa hết, theo ông Hằng, đã đến lúc phải thực hiện chủ trương xã hội hóa trong nghiên cứu, trùng tu và phát huy giá trị di tích gắn liền với du lịch để xây dựng nên những không gian, điểm đến đặc hữu Huế.

Cuối năm 2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Điều đó cho thấy vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thực hiện di dời các hộ dân sống ở Khu vực I Kinh thành Huế là một hợp phần hết sức quan trọng của bảo tồn di sản Cố đô Huế.

Tạo thêm sản phẩm du lịch

Trao đổi với chúng tôi khi đề án mới bắt đầu, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định sẽ có phương án quản lý, bảo vệ, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm các khu đất di sản mà người dân trả lại. Trong tương lai, nghiên cứu, lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ di tích Kinh thành Huế. Thế nhưng, theo vị này, do mặt bằng tiếp nhận lớn, quy mô công trình trải dài chừng 12km nên có nhiều vấn đề liên quan. Ngoài ra, hồ sơ dữ liệu nghiên cứu các công trình cũng không còn đầy đủ. Vì thế, quá trình phục hồi, trùng tu vẫn cần ưu tiên các hạng mục hư hỏng nặng, chỉnh trang cảnh quan đô thị. Trong tương lai, tính đến các phương án khai thác, tạo ra sản phẩm để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Việc này nên tham khảo ý kiến cộng đồng, kêu gọi sự hợp tác đầu tư để cùng nhau bảo vệ giá trị di sản bền lâu.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa gợi ý, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thượng thành - Eo Bầu, cần tận dụng tối đa các khoảng đất trống để kết hợp với chương trình “Huế - Thành phố bốn mùa hoa”. Cụ thể, quy hoạch những tuyến đường đi bộ trên đó để trồng các loại hoa, tạo nên không gian mới lạ, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng… Làm được điều đó, Huế sẽ có thêm một không gian thiên nhiên thú vị, mở ra tour du lịch vòng quanh Kinh thành Huế vô cùng hấp dẫn.

Cũng ở Thượng thành - Eo Bầu, quá trình chỉnh trang, tu bổ cần tính toán mở ra những không gian kết hợp với phát triển du lịch, tạo thành chuỗi liên kết và tạo ra sức hấp dẫn như không gian bán hàng lưu niệm, khu vực ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, bãi giữ xe, khu vui chơi công cộng…

“Người ta đến với Huế, đi trên Thượng thành không chỉ nhìn ngắm, tìm hiểu thành tựu kiến trúc bề thế, uy nghi của kinh thành xưa mà còn muốn nhìn thấy một Huế mới lạ, song song với bảo tồn là phát triển theo cách riêng biệt, không thể nhầm lẫn” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

MINH AN