Đưa nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: "Đột phá của đột phá" và tầm nhìn, khí phách Việt Nam

Bài cuối: Đức trị gắn liền với pháp trị

- Chủ Nhật, 21/03/2021, 06:07 - Chia sẻ

Công cuộc đổi mới, dù được hoạch định và tổ chức thực thi hoàn bị bao nhiêu, các khâu đột phá dù quan trọng tới nhường nào và mang tính pháp lý đúng đắn bao nhiêu, nếu thiếu nền tảng văn hóa, rộng hơn là nếu thiếu đạo lý phát triển thì rất khó thành công. Từng bước kiến tạo môi trường từ đức trị gắn liền với pháp trị, đạo lý dứt khoát phải song hành với pháp lý, tiến tới pháp quyền gắn liền với tự do tất yếu. Đó là sự lựa chọn tất yếu và phù hợp hiện nay trên con đường phát triển công cuộc đổi mới của chúng ta!

Bản sắc văn hóa phải trở thành tấm “căn cước dân tộc”

Không một cuộc vận động chính trị nào có thể thành công, nếu không xây dựng thành công cơ sở môi trường kinh tế, xã hội, chính trị tương dung và lôi cuốn toàn xã hội tham gia. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trực tiếp là lựa chọn và thực thi những khâu đột phá chiến lược của chúng ta càng đòi hỏi như vậy.

Trong thế giới toàn cầu hóa, cùng với việc đột phá và kiến tạo môi trường vật chất thì gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam phải trở thành tấm "căn cước dân tộc" trong cuộc chủ động hội nhập toàn cầu. Không có tấm “căn cước dân tộc” ấy thì rất dễ bị hòa tan, thậm chí vô hình biến thành “sân sau”, trở thành nô lệ cho người khác, dù ngoài ý muốn. Để trở thành một cường quốc kinh tế, người ta chỉ cần từ 30 đến 50 năm, nhưng để có một nền văn hóa phải cần tới cả nghìn năm. Văn hóa dân tộc chính là nền tảng tinh thần xã hội của chúng ta trong thế giới toàn cầu hóa khả biến hiện nay.     

Lịch sử thế giới đã cho thấy, không ít trường hợp, văn hóa của dân tộc bị chinh phục đã đồng hóa cả những dân tộc đi chinh phục. Sự kỳ diệu của văn hóa, sức mạnh trầm tích của văn hóa không chỉ không có giới hạn, mà còn hàm chứa khả năng chinh phục cả sức mạnh vật chất dù cho to lớn, hùng mạnh bao nhiêu. Lịch sử đất nước bốn nghìn năm của ta cũng gần 20 lần chứng minh điều đó: Bằng giá trị văn hóa, dân tộc Việt Nam đã giành lại, gìn giữ nền độc lập của mình và lớn lên sau cả nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm nô lệ thực dân, đánh bại 14 cuộc chiến tranh xâm lược tới từ phía Bắc, phía Tây Nam, 3 cuộc chiến tranh tới từ các phương Đông, phương Tây... Dân tộc không thể bị đồng hóa bởi văn hóa Việt Nam làm nền móng cho sự tồn tại tinh thần độc lập, ý chí dân tộc. Không một ai không thấy điều đó. Đột phá xây dựng thể chế hay nguồn nhân lực thành bại cũng chính là bắt đầu ở đây.

Vì vậy, có 3 phương diện nổi bật cần nhận diện và tập trung giải quyết: 

Một là, vị thế địa - chính trị chiến lược của đất nước đã ban tạo cho dân tộc ta cơ hội và thực lực kiến tạo và phát triển một nền văn hóa bản sắc và hiện đại Việt Nam, thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho mình, nhưng xử lý ra sao trước vấn đề giao thoa văn hóa, an ninh văn hóa và tiếp biến, hấp thụ tinh hoa văn hóa thế giới nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc và hiện đại - nền tảng tinh thần xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong một “thế giới phẳng” và không phẳng. Văn hóa là nền tảng, văn hóa là sự khác biệt, sức mạnh văn hóa Việt Nam nằm ở chính chỗ này, chứ không phải là sự rập khuôn, lai căng, nguy cơ mất gốc. Điều này không hề đối lập với tinh thần tiếp biến, giao lưu văn hóa quốc tế, để làm phong phú và khẳng định chỗ đứng của văn hóa trong kiến tạo thể chế hay xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu. Trái thế, nhất định rơi vào vũng bùn của sự thất bại ngay từ căn cơ.

Hai là, ở vị thế địa - kinh tế - văn hóa, địa - quốc phòng, chúng ta chống xâm lăng kinh tế, xâm lăng văn hóa nhưng đồng thời văn hóa hóa kinh tế, văn hóa hóa văn hóa xâm lăng một cách chủ động, nhằm nâng cao sự tự đề kháng và an ninh của văn hóa Việt Nam trong cuộc toàn cầu hóa trước mọi thứ văn hóa xâm lăng, nô dịch tới từ bất cứ phía nào. Một nền văn hóa Việt Nam bản sắc, khác với tất cả các nền văn hóa khác, thích ứng với mọi thay đổi - đó là nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập cần hướng tới và kiên quyết xây dựng. Ổn định và phát triển. Chỉ có như thế, dân tộc mới đứng vững, cho dù sóng gió của cuộc hội nhập thế giới có thách thức “mất, còn” đối với dân tộc thế nào, cho dù những đợt sóng của cuộc “động đất lịch sử” khi các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, những cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu những năm 1998, 2008 có dập vùi đe dọa “sinh, tử” đất nước tới đâu. Ba thập kỷ qua, đất nước đứng vững và phát triển cũng một phần vì đó và nhờ đó. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay, phải và chỉ trở thành một quốc gia hùng cường trong tầm nhìn năm 2045, đất nước mới thực sự “hùng cứ một phương” bền vững. Con người Việt Nam mang khí phách độc lập tự do và quyền tự quyết dân tộc bất khả xâm phạm càng chủ động nâng cao khả năng hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào, ở bất cứ nơi đâu trên mặt địa cầu và ở bất cứ lúc nào, xứng đáng mang tầm vóc nhân văn Việt Nam.

Không có văn hóa Việt Nam dân tộc và hiện đại chúng ta sẽ không có gì cả, càng không thể nói tới công việc đổi mới thể chế chính trị, kinh tế, con người hay bất cứ phương diện nào khác, như mong muốn!

Ba là, trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa đạo đức Việt Nam đã và đang trở nên nóng bỏng. Thiếu nó sẽ không còn bản sắc và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam nữa và lập tức sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh tế vị kinh tế, tiền vì tiền. Khi đó sẽ không còn công việc kiến tạo thể chế hay phát triển con người một cách chân chính và khoa học, vì quốc gia dân tộc nữa. Chính trị lúc này là kinh tế nhưng chính trị lúc này, hơn bao giờ hết, cũng chính là đạo đức.

Đạo đức hành động và hành động một cách đạo đức, vì danh dự và liêm sỉ của người Việt Nam, vì sức mạnh và uy tín của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đang cần thứ đạo đức này, dù trong phát triển kinh tế hay chính trị, xã hội hay ngoại giao, với khát vọng nhân văn và hùng cường.

Xây dựng nền văn hóa cao cả, uyên bác và nhân văn

Khi một môi trường phát triển phi đạo đức thì chính đó là môi trường phi chính trị, phi kinh tế, phi văn hóa và rốt cuộc chúng ta phải đối mặt với sự băng hoại ngay từ nền móng tinh thần xã hội đã đành mà bạn bè quốc tế cũng xa lánh, ngoảnh mặt. Kinh nghiệm cho thấy, càng phát triển kinh tế thị trường, càng hội nhập quốc tế, trực tiếp là hội nhập kinh tế, chúng ta càng cần một hệ giá trị đạo đức Việt Nam - gồm đạo đức chính trị, đạo đức kinh tế… - những nhân tố làm nên hệ văn hóa Việt Nam -  văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế… thấm đẫm pháp quyền nhân văn - những “quyền lực mềm” của chính kinh tế, của chính chính trị, bảo đảm phát triển kinh tế, chính trị vững bền; và đến lượt chúng, sẽ trở thành lực lượng kinh tế hùng mạnh, lực lượng chính trị to lớn trên con đường phát triển phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Nếu không vun đắp, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam cao cả về tầm nhìn, uyên bác về trí tuệ, cao quý về nhân văn, một nền đạo đức Việt Nam mà mỗi người, trước hết những người giữ trọng trách quốc gia, cao thượng về nhân cách, bảo trọng về liêm sỉ, Quốc sỉ, luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào, có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân loại thì khó có thể nói tới một Việt Nam phát triển phồn vinh, pháp quyền và nhân văn cao cả một cách bền vững.

Việc giáo dục đạo đức thực hành và tổ chức thực hành đạo đức trong Đảng phải trở thành khâu then chốt thúc đẩy văn hóa đạo đức trong toàn bộ hệ thống chính trị và lan tỏa, cổ vũ toàn xã hội sống và hành động một cách văn hóa; ngăn chặn tình trạng đạo đức xuống cấp, kiên quyết xử lý sự suy đồi đạo đức, tẩy trừ những suy nghĩ và hành động phi đạo đức, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam sâu sắc, phong phú, sinh động, văn minh và tiến bộ.

Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy, đạo đức ở tất cả mọi quốc gia là sản phẩm của pháp luật và chính quyền. Nhưng, đối với chúng ta: Nó là sản phẩm của Nhân dân. Không có đạo đức không thể thành người. Đó chính là nguồn cội của đạo lý Việt Nam. Vì thế, Nhân dân, trực tiếp là công luận, tạo nên dư luận xã hội sâu rộng giám sát đạo đức đảng viên, cán bộ, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bồi đắp và phát triển đạo đức xã hội - cơ sở vững chắc phát triển và góp phần làm phong phú hơn, sinh động hơn đạo đức của Đảng và trong Đảng - rường cột của môi trường chính trị - đạo đức - xã hội hiện nay và tương lai. Vì đạo đức, trước hết của những người được giao trọng trách hoạch định kế sách, đổi mới thể chế… cũng chính là quyền uy trí tuệ, là uy vũ chính trị. Hơn lúc nào hết, cơ chế bảo đảm mối quan hệ giữa chính trị và khoa học, giữa chính trị và nhân văn, giữa chính trị, kinh tế và văn hóa, xét dưới mọi góc nhìn, phải được tiếp tục xem trọng một cách tinh tế, nghiêm nhặt, ngang tầm và xứng đáng.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản