Chọn nhân sự - Lựa nhân tài: Kiến tạo Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia

Bài cuối: Đổi mới cơ chế tuyển chọn, đối đãi với nhân tài

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 06:20 - Chia sẻ
​​​​​​​Và một nội dung lớn nữa, đó là suy cho cùng thì cần đổi mới cơ chế tuyển chọn nhân tài và đào tạo, đối đãi với nhân tài.

Hơn lúc nào hết, cần xác lập cơ chế tuyển dụng nhân tài một cách thống nhất và phù hợp, với những“con đường” (các phương thức: Thi tuyển, tranh tuyển, tiến tuyển, bảo tuyển, bổ tuyển, cử tuyển….), theo phương châm thật sự dân chủ và công khai (bình đẳng hóa, cấp độ hóa, trách nhiệm hóa, kiểm nghiệm hóa…) thật sự công bằng để thu hút và tuyển chọn trúng và đúng nhân tài. Đồng thời, có phương lược sử dụng, kiểm tra họ thật đúng đắn trên chính trường, trong công việc chặt chẽ theo 6 loại vấn đề: 1- định hướng, 2- định tính, 3- định lượng, 4- định danh, 5- định sự và 6- định kiểm, với phương châm thật sự cầu thị và phù hợp. Nói cách khác, cơ chế này phải bao hàm và vận hành mọi con đường để thu hút nguồn nhân lực tinh hoa một cách dân chủ, minh bạch; đồng thời, kiên quyết thanh lọc đội ngũ một cách thường xuyên, theo phương châm định kỳ khảo hạch và bãi miễn, huyền chức khi không đạt yêu cầu cần thiết...

Cơ chế bảo đảm mối quan hệ giữa chính trị và khoa học phải được đặt ra và giải quyết một cách ngang tầm phát triển đất nước và tương dung với thời đại. Đổi mới cơ chế vận hành thể chế theo hướng: đề cao quyền hạn cá nhân, bảo vệ trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền hạn chính trị gắn với trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức cá nhân; mở rộng tranh tuyển một cách dân chủ và bình đẳng gắn chặt với trách nhiệm giải trình minh bạch và kịp thời về quyền hạn gắn với trách nhiệm. Xây dựng và thực thi văn hóa trong chính trị một cách chuẩn mực của một đảng cầm quyền, nhất là giữ nghiêm đức hạnh, liêm sỉ, liêm chính... phải có một cách xứng đáng của cán bộ, đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý và quản trị quốc gia của một đảng cầm quyền để thực hành và phát triển một nền chính trị quốc gia thấm đẫm văn hóa. Coi nhẹ vấn đề này nhất định cầm chắc sự thất bại được báo trước.

 Về đối đãi với nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Sao cho đối đãi với mọi người. Ở đây, trước hết là những người làm chính trị, những nhà khoa học, nhất là những chính trị gia, những khoa học gia trên những lĩnh vực khoa học công nghệ, cần thiết được đối đãi chuyên biệt, thật ngang tầm và xứng đáng”. Chẳng hạn, về phát triển kinh tế, là nước đi sau, chúng ta dứt khoát phải chọn cho mình một lối riêng, với phương lược phát triển chiến lược phù hợp với trào lưu chung, không bắt chước càng không rập khuôn, với những xung lực và hệ đòn bẩy kinh tế tương thích. Nhìn dưới góc độ văn hóa, đó chính là sự khác biệt, là biểu hiện của sự phát triển đa dạng trong thống nhất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế rất quan trọng, nhưng đẳng cấp của nền kinh tế mới là cái cần phải hướng tới xây dựng, mà tiêu chí hàng đầu là chất lượng và giá trị của sự phát triển. Đó là cái gốc của đẳng cấp nền kinh tế mà người quyết định chính là các doanh nhân. Cuộc cạnh tranh hoặc thắng hoặc thua trên thế giới trong tương lai, sự thành hay bại của chúng ta ở chính chỗ này. Nói gọn lại, đó chính là đẳng cấp, là thương hiệu kinh tế Việt, mà đội ngũ tiên phong, chính là các doanh nghiệp - rường cột là đội ngũ doanh nhân nước nhà trên tất cả các khu vực kinh tế và các thành phần kinh tế (dù cách gọi này chỉ là tương đối) giữ vai trò quyết định. Tôi nhấn mạnh lần nữa rằng, vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân tiên phong có ý nghĩa quyết định thành công hội nhập quốc tế, trước hết trên lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ. Mấu chốt ở đây là, chuyển mạnh từ tư duy về xây dựng nền kinh tế tồn tại sang nền kinh tế cơ cấu song hành với kinh tế động lực, chuyển mạnh từ lợi thế cạnh tranh tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh động lực, qua đó định vị thương hiệu quốc gia về kinh tế trên thế giới, mà đội ngũ nhân tài quản trị doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong và quyết định. 

Nhưng, phải làm gì và làm thế nào trên phương diện cải cách cơ chế vận hành và thể chế pháp lý trong việc đối đãi với nhân tài? 

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia nghiên cứu, đề xuất tổng chương trình tuyển chọn, đào tạo các chức danh một cách tương dung với thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; giao Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan về lao động, về tài chính, về xã hội… chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho công việc hệ trọng này.

Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, cùng với việc tôn vinh, tôn dụng, phải xử lý thật nghiêm minh dù bất kỳ ai làm tổn hại danh dự, uy tín nhân tài và sức mạnh nền chính trị đất nước; bảo vệ những chính trị gia, kỹ trị gia, quản trị gia, khoa học gia… một cách chủ động và chặt chẽ. 

Đây là những loại công việc then chốt, có ý nghĩa thành bại của việc kiến lập và thực thi Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia trong những thập kỷ tới phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì sự thịnh vượng, uy tín và danh dự của đất nước, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và cơn lốc của cuộc Cách mạng 4.0 hay dù 5.0 và cho dù thế nào chăng nữa.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản