Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết số 20-NQ/TW: Thực tiễn và hành động

Bài cuối: Để y tế cơ sở thực sự là “pháo đài”

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 04:51 - Chia sẻ
Trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt trong gần 2 năm qua là sự bùng phát của dịch Covid-19, trong khi y tế cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do vậy, để y tế cơ sở phát huy hiệu quả, thực sự là “pháo đài” bảo vệ sức khỏe nhân dân, việc tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe

Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở với tổng nguồn vốn hơn 126 triệu USD được triển khai trong 5 năm tại 13 tỉnh gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Ninh Thuận. Dự án sẽ xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế khác, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện của 13 tỉnh. (Nguồn Bộ Y tế)

Với quan điểm chỉ đạo “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt”, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới khẳng định: Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nghị quyết nêu rõ, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho ngành y tế, thúc đẩy y tế cơ sở nhanh chóng đổi mới để làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, theo hướng được tư vấn, theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời và điều trị khi cần thiết. 

Theo đó, thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trong những năm qua, nhiều mục tiêu cụ thể của Đề án đã được cải thiện rõ rệt: Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90,0% năm 2016 lên 92,8% năm 2020; Tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã tăng từ 30,0% năm 2016 lên 48,8% năm 2020. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe từ 0,2% năm 2016 lên 45,6% năm 2020... Đặc biệt, y tế cơ sở cũng đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid -19 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch...  

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Y tế, số lượng và chất lượng dịch vụ tại trạm y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã, đặc biệt y tế cơ sở vẫn chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh nhất là các bệnh mạn tính. 

 

Trạm y tế xã cần được đầu tư nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới

Củng cố hệ thống y tế cơ sở

Để thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới theo sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các chuyên gia y tế cho rằng, y tế cơ sở cần được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Bởi trong đại dịch Covid-19, những bất cập liên quan đến số lượng, cơ cấu nhân lực của ngành y tế, chính sách đối với nhân viên y tế đã bộc lộ rõ nét. Dù các nhà quản lý các cấp và ngành y tế đã có thêm một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp, nhưng đó chưa phải là giải pháp mang tính ổn định và bền vững.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho rằng: Trong điều kiện tình hình mới, vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực hệ thống y tế để có thể thích ứng được với điều kiện, hoàn cảnh. Muốn làm vậy, chúng ta cần điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm phát triển mạng lưới y tế bám sát cơ sở, phủ đều rộng khắp.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Để y tế cơ sở thực sự trở thành trụ cột, xương sống của ngành y tế, việc phân bổ ngân sách hợp lý cho y tế cơ sở cần phải được triển khai hợp lý. Chúng ta phải phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải là chỉ trên vấn đề phân chia về địa lý.

Từ thực tiễn hoạt động, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hạ Mỗ Nguyễn Thị Vượng cho biết, với tình hình dịch chồng dịch như hiện nay thì số lượng 7 cán bộ không thể làm xuể bởi công việc quá nhiều. Nhiều khi các chị em phải làm đến tối muộn, không có ngày nghỉ. Trong khi đó, chính sách đãi ngộ dành cho y tế cơ sở hiện nay quá thấp (17.000 đồng/ngày/người). Do đó, trong tình hình hiện nay, để y tế xã, phường phát huy hiệu quả cần có đầu tư thỏa đáng, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở, cần tăng cường nhân lực cho trạm y tế cơ sở, nhất là bác sĩ. 

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng, để trạm y tế xã thực sự là nguồn lực quan trọng, là cơ sở vững chắc để xây dựng xã trở thành “pháo đài” thực hiện ngay “4 tại chỗ” khi có dịch bệnh xảy ra, Chính phủ cần quan tâm, củng cố ngay hệ thống y tế cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đồng thời, Chính phủ quan tâm thực hiện điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế các trạm y tế tuyến xã, phường, nhất là với y tế thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn cho phù hợp.

Bảo Hân