Hà Tĩnh hướng đến nền hành chính hiện đại, phục vụ

Bài cuối: Đặt người dân vào vị trí trung tâm

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 09:03 - Chia sẻ
Những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính (CCHC) ở Hà Tĩnh thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ nền tảng này, tỉnh đang hướng đến mục tiêu đứng trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số CCHC giai đoạn 2020 - 2030.

Bước nhảy vọt ấn tượng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định công tác CCHC là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020. Hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã ban hành 4.590 văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và khả thi. Trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về CCHC trên địa bàn.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phan Thị Tố Hoa cho biết: Hà Tĩnh luôn xác định CCHC là nhiệm vụ cốt lõi trong nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Do vậy, tỉnh đã đi sâu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về CCHC như: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Đặc biệt, điểm nhấn trong quá trình CCHC của Hà Tĩnh là việc thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện; kiện toàn, hiện đại bộ phận một cửa cấp xã, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân… Bên cạnh đó, Sở Nội vụ kịp thời ban hành các kế hoạch CCHC bảo đảm các nội dung theo quy định; xây dựng nhiều sáng kiến có tính thực tiễn, được áp dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động tham mưu và phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt các lĩnh vực của CCHC; chủ trì thực hiện tốt các nhiệm vụ của dự án "Tăng cường tác động CCHC tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2016"...

Bằng những giải pháp hiệu quả, chỉ số CCHC của Hà Tĩnh năm 2019 đã tăng 15 bậc so với năm 2012 (đạt 83,25 điểm, đứng vị trí 12/63 tỉnh, thành phố). Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh có 4 năm liên tiếp xếp thứ nhất về CCHC trong khu vực Bắc Trung Bộ... đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.402 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 417.021 tỷ đồng...  

Mục tiêu CCHC của Hà Tĩnh là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Ảnh: Lệ Thanh 

Tập trung khắc phục kịp thời những hạn chế CCHC

Có thể thấy, 2011 - 2020 là giai đoạn khởi sắc cho công tác CCHC của tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh CCHC đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại địa phương; đổi mới cơ bản mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và người dân theo hướng phục vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, công tác CCHC của Hà Tĩnh vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc chỉ đạo tổ chức thực hiện tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCHC; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; vẫn còn không ít cán bộ, công chức trong thực thi công vụ trách nhiệm chưa cao và hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn; việc cập nhật, niêm yết, công khai TTHC ở một số nơi chưa khoa học, đầy đủ và đúng quy định; tiến độ triển khai chính quyền điện tử các cấp còn chậm… Bên cạnh đó, mặc dù các chỉ số đánh giá cấp tỉnh tăng cao so với những năm trước, song trong từng chỉ số, các tiêu chí tăng chưa đồng đều, còn một số tiêu chí điểm không cao....

Khắc phục bất cập trên, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh cho biết: Hà Tĩnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC theo hướng đột xuất. Chỉ đạo xử lý, khắc phục kịp thời những vi phạm, sai sót, xác định rõ địa chỉ của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, thẩm quyền được giao đối với công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, cụ thể hóa Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ để xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh sát với tình hình thực tiễn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu CCHC trong giai đoạn mới… “Tập trung giải quyết tốt nhiệm vụ đặt ra, Hà Tĩnh sẽ không khó để đạt mục tiêu đưa chỉ số CCHC của tỉnh vào Top 10 địa phương đứng đầu cả nước trong giai đoạn 2020 - 2030, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”, Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa tin tưởng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, các đơn vị, địa phương cần tập trung khắc phục kịp thời những hạn chế được chỉ ra tại cuộc đánh giá, xếp loại CCHC năm 2020; sớm xử lý, giải quyết các tồn đọng, vướng mắc ở cơ sở để tạo đồng thuận cho Nhân dân; tăng cường thanh, kiểm tra công tác CCHC trên các lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của tỉnh bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. Định kỳ rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định TTHC theo hướng đơn giản và chuẩn hóa. Đồng thời, cập nhật, công bố, công khai theo quy định, nhất là các TTHC liên quan đến thu hút đầu tư, đời sống dân sinh, đất đai, xây dựng, tài chính, chính sách người có công... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Diệp Anh