Hỗ trợ doanh nghiệp sau làn sóng Covid-19 thứ 4

Bài cuối: Đánh giá tác động để thiết kế gói hỗ trợ phù hợp

- Thứ Năm, 17/06/2021, 07:47 - Chia sẻ
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần đánh giá tác động của dịch bệnh đối với từng lĩnh vực để thiết kế gói hỗ trợ phù hợp, dễ tiếp cận.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang NGUYỄN HỮU THẬP:
Hỗ trợ doanh nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, ngưng trệ; người lao động phải nghỉ việc.

Năm ngoái, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ song số doanh nghiệp được hưởng chưa nhiều do điều kiện, thủ tục phức tạp, không sát thực tế. Do vậy, chúng tôi rất mong Thủ tướng chỉ đạo rà soát các chính sách trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh, giảm tải những quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh; xác định doanh nghiệp đang vướng gì để kịp thời tháo gỡ. Muốn vậy cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế châu Á Thái Bình Dương (APT Travel) NGUYỄN HỒNG ĐÀI:
Doanh nghiệp cần nhất hỗ trợ về vốn

Doanh nghiệp cần nhất lúc này là hỗ trợ về vốn, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch bởi đa số có quy mô nhỏ và vừa, hầu hết đang “ngủ đông”, chỉ một số ít hoạt động song không đủ tiềm lực tài chính để duy trì lâu. Chính phủ cần thiết kế gói hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp với các sản phẩm, điều kiện cụ thể. Có thể căn cứ vào vốn điều lệ hoặc đóng góp ngân sách để cho vay tương ứng. Đồng thời, phải chỉ đạo rõ ngân hàng nào cho vay thay vì quy định chung chung gây khó khăn trong triển khai.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần duy trì chính sách hỗ trợ người lao động, bao gồm cả đào tạo nghề. Khi doanh nghiệp ngừng hoạt động vì dịch bệnh, người lao động phải nghỉ việc và có thể họ phải tìm việc khác. Khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó tìm được lao động, quá trình phục hồi vì thế sẽ lâu hơn, đặc biệt trong ngành du lịch.

Năm ngoái, chính sách hỗ trợ nhiều nhưng thống kê có tới 80% doanh nghiệp không được hưởng. Ngay chúng tôi cũng chưa nhận được hỗ trợ nào. Trong khi đó đối tác, khách hàng, người lao động luôn đặt vấn đề: tại sao chúng tôi không thực hiện các nghĩa vụ, cam kết khi chính sách hỗ trợ đã có? Nếu tới đây, thiết kế chính sách mà không đánh giá tác động của dịch tới từng lĩnh vực để có mức hỗ trợ phù hợp, dễ tiếp cận.

Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) PHẠM THỊ NGỌC THỦY:
Thêm chi phí là đi ngược chủ trương của Chính phủ

Hiện nay, nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp là Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động để họ tập trung phục hồi kinh tế. Cùng với đó là cắt giảm chi phí, không làm phát sinh mới cho doanh nghiệp bởi chi phí của họ đang "đội lên" rất nhiều do phải bảo đảm phòng chống dịch.

Phí cơ sở hạ tầng cảng biển là vấn đề Ban IV tiếp nhận rất nhiều phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Mới đây Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Hải Phòng xem xét, xử lý kiến nghị về thu phí hạ tầng cảng biển theo thẩm quyền, phù hợp với quy định hiện hành và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng yêu cầu TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng rà soát việc thu phí này. Đến nay Hải Phòng đã có văn bản trả lời, tuy nhiên vẫn theo hướng giải thích sự hợp lý của mức phí đang thu. Riêng TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có phản hồi.

Trong bối cảnh doanh nghiệp chồng chất khó khăn, việc thu phí này dù diễn giải ra sao cũng đi ngược với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang rất nỗ lực; đồng thời, tạo ra bất bình đẳng khi doanh nghiệp mở tờ khai hải quan ngoài TP. Hồ Chí Minh phải đóng phí gấp đôi.

TS. CẤN VĂN LỰC, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV:
Xem xét miễn phí công đoàn trong năm nay

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp càng khó khăn hơn, đặc biệt trong ngành vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống, hàng không… Do vậy, trước hết, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, đánh giá các gói hỗ trợ cũ, trên cơ sở đó làm tiền đề cho việc thiết kế các gói hỗ trợ tiếp theo.

Cụ thể, Chính phủ cần sớm xem xét ban hành các gói hỗ trợ bổ sung quy mô khoảng 93.000 tỷ đồng. Trong đó, gói tài khóa khoảng 45.000 tỷ đồng gồm miễn phí công đoàn năm 2021; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15 - 17% với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm nay; tăng cho vay qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi động hoạt động thực chất của các Quỹ Bảo lãnh vay vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Đối với gói tiền tệ - tín dụng trị giá khoảng 8.000 tỷ đồng, tiếp tục cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, có lộ trình kết thúc với tiêu chí và điều kiện cụ thể; khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, hạ tầng viễn thông, xử lý rác thải và các lĩnh vực ưu tiên khác.

Đối với gói an sinh xã hội nên cho phép gia hạn thực hiện các gói hỗ trợ năm 2020 đến hết tháng 6.2021 với giá trị còn lại là 36.900 tỷ đồng. Việc chuyển tiền cần thực hiện qua ngân hàng thương mại và/hoặc dịch vụ Mobile money nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Mặt khác, cần xây dựng kế hoạch, phương án thoái lui các biện pháp hỗ trợ khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng vững chắc nhằm hạn chế các rủi ro lạm phát tăng lên, thị trường tài sản (chứng khoán, bất động sản…) tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh ghi