Nghệ thuật sơn mài Việt - Truyền thống và sáng tạo

Bài cuối: Chiến lược và tầm nhìn

- Thứ Năm, 18/03/2021, 08:45 - Chia sẻ
Nhiều vấn đề đang đặt ra, từ nguyên liệu, nhân lực, kỹ thuật, tới quảng bá... để nghệ thuật sơn mài Việt Nam được bảo tồn, phát triển. Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030 được kỳ vọng sẽ giúp cho các sản phẩm, tác phẩm sơn mài được biết đến rộng rãi hơn ở trong nước cũng như nước ngoài.

Xây dựng thương hiệu quốc gia

Hiện nay, nhìn sang một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, nghề sơn chỉ còn thoi thóp; Thái Lan đang nỗ lực duy trì. Hàn Quốc, Nhật Bản thì ổn định hơn, với đồ mỹ nghệ sơn mài rất phát triển theo hướng bảo tồn truyền thống. Trung Quốc là “người khổng lồ” về lĩnh vực này, nhờ chiến lược bảo tồn tốt, có sự giao lưu, học hỏi, nên cả hội họa và mỹ nghệ đều rất phát triển. 

Trong khi đó, lịch sử nghề sơn ở nước ta có từ lâu đời nhưng sơn mài lại khá non trẻ. Dù đã có nhiều thành tựu và khẳng định sự độc đáo, được bạn bè quốc tế công nhận, song chúng ta cũng đang lúng túng tìm đường phát triển. Trước thực trạng đó, họa sĩ Uyên Huy, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho rằng, cần có những nghiên cứu, cải tiến về khoa học đối với chất liệu sơn mài trong các trường mỹ thuật, trung tâm, nghiên cứu đào tạo để qua đó phát huy uy tín, vị thế của nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong phạm vi châu Á và thế giới. Để trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo, sáng tạo nghệ thuật sơn mài lớn của châu Á, cần có sự nỗ lực của nhà nước, giới nghệ sĩ và các trường mỹ thuật, nên có khoa mỹ thuật truyền thống, có viện nghiên cứu ứng dụng sơn mài, có giải thưởng quốc gia cho loại hình này.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa, mới đây, đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030 đã được phê duyệt.

Theo kế hoạch, đề án sẽ tập trung vào những nội dung như tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của cây sơn và các vùng làm nguyên liệu để chế tác sơn mài; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật sơn mài; đẩy mạnh công tác đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ về sáng tác, thể hiện tác phẩm, sản phẩm sơn mài cho các họa sĩ, nghệ nhân; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút và hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; phát triển thị trường thông qua xây dựng thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”, tổ chức các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tác phẩm sơn mài đến công chúng và người tiêu dùng trong và ngoài nước…

Tôn trọng truyền thống và cởi mở để thúc đẩy nghệ thuật sơn mài phát triển    

Ảnh:  Ngọc Phương

Không mắc kẹt trong truyền thống

Để phát triển trong thời kỳ mới, nhiều chuyên gia cho rằng nghệ thuật sơn mài cũng cần có những tìm tòi, cách tân hơn nữa để đáp ứng nhu cầu nội tại của nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung, sơn mài Việt Nam nói riêng. Tôn trọng cái cũ, nhưng không bị mắc kẹt trong truyền thống, cần cởi mở với cái mới để thúc đẩy nghệ thuật sơn mài phát triển. Bên cạnh đó, nghệ nhân và nghệ sĩ phải dựa vào nhau để tồn tại. Ngoài hội họa, mảnh đất giữa nghệ thuật và thủ công - thiết kế sản phẩm đương đại cũng cần được khai thác, để sử dụng sơn mài trong đời sống hàng ngày, như đồ trang sức, nội thất sơn mài, điêu khắc sơn mài và sắp đặt nghệ thuật...

Với những hiện vật, tác phẩm sơn mài chất lượng cao đang được lưu giữ tại bảo tàng, cần có chủ trương và chiến lược thường xuyên quảng bá, triển lãm, bảo tồn phát huy giá trị. Mặt khác, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh có thể có dự án phối hợp cùng các giám tuyển, nghệ sĩ thể nghiệm các hình thức, kỹ thuật mới xung quanh việc khám phá, tương tác cùng chất liệu sơn mài.

Gìn giữ và phát triển nghệ thuật sơn mài không chỉ là công việc của một vài họa sĩ đam mê với hình thức nghệ thuật này. Cùng với sự nghiên cứu, làm nghề chỉn chu, kỹ lưỡng của nghệ sĩ, còn cần có sự vào cuộc của các bên liên quan, đầu tư vào giáo dục và truyền thông để công chúng trong nước hiểu giá trị của sơn mài, trân trọng các tác phẩm, sản phẩm sơn mài. Khuyến khích công việc dịch thuật, nghiên cứu về nghệ thuật sơn ta để thông tin có thể đến được đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá ra thị trường nước ngoài, thu hút sự quan tâm của người phương Tây với các sản phẩm sơn mài Việt Nam thông qua đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm hội họa quốc tế... Tổ chức các triển lãm chuyên đề quy mô toàn quốc để công chúng trong và ngoài nước có dịp được thưởng ngoạn và nghệ sĩ, nghệ nhân có dịp trao đổi học hỏi lẫn nhau; tiến tới mở các triển lãm quốc tế ngày một lớn hơn dành riêng cho sơn mài. Hoàn toàn có thể nghĩ tới việc hình thành các tour du lịch, khuyến khích thành lập trung tâm nghệ thuật liên quan đến nghề sơn...

Trong điều kiện hiện nay, để tạo ra được sức hút mãnh liệt của nghệ thuật sơn mài Việt Nam đối với cộng đồng nghệ thuật thế giới là điều không tưởng, nhưng rõ ràng, nếu chúng ta có hẳn một chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật nhìn xa trông rộng, duy trì phát triển cây sơn, nghề sơn, đội ngũ nghệ sĩ, tổ chức thị trường... thì sơn mài là sự góp mặt đặc sắc vào vườn hoa đa sắc của mỹ thuật thế giới” - nhà nghiên cứu Phạm Trung khẳng định.

Ngọc Phương