Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Bài 9: Lựa chọn, giới thiệu các ứng viên tiêu biểu

- Thứ Ba, 13/07/2021, 06:09 - Chia sẻ
Theo Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Nghệ An, việc lựa chọn, giới thiệu được các ứng viên tiêu biểu trên cơ sở bảo đảm  tiêu chuẩn gắn với cơ cấu, thành phần đóng vai trò quyết định đến thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn. Lựa chọn ứng cử viên càng thận trọng, đúng quy trình, có uy tín thì cử tri tham gia bầu cử càng tin tưởng, phấn khởi. Số phiếu bầu cũng tập trung và tỷ lệ đạt cao hơn.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác bầu cử tại điểm cầu UBND tỉnh mới đây

Bảo đảm tiêu chuẩn gắn với cơ cấu, thành phần

Theo UBBC tỉnh Nghệ An, nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc bầu cử, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời triển khai công tác bầu cử theo đúng quy định. Trong ngày 23.5 vừa qua, 98,93% cử tri toàn tỉnh đã tham gia bỏ phiếu. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nhiệm kỳ gần đây (nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 97,67%). Toàn tỉnh đã bầu đúng, bầu đủ 13/13 ĐBQH; 83/83 đại biểu HĐND tỉnh; 736/737 đại biểu HĐND cấp huyện... với tỷ lệ đại biểu trúng cử có trình độ chuyên môn cao hơn các nhiệm kỳ trước.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Bầu cử, Chủ tịch UBBC tỉnh chia sẻ: Việc chuẩn bị cơ sở vật chất đến tập huấn nghiệp vụ, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong, sau ngày bầu cử được triển khai thực hiện tốt. Đặc biệt, công tác tổ chức chu đáo, bài bản. Ban Chỉ đạo Bầu cử, UBBC tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao đã bám sát địa bàn được phân công, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song UBBC tỉnh cũng thẳng thắn đánh giá: Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiểm tra, giám sát chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu lập và niêm yết danh sách cử tri, danh sách và tiểu sử người ứng cử ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, chưa phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, phát sinh từ cơ sở trong quá trình thực hiện bầu cử… Bên cạnh do cấp ủy, chính quyền ở một số đơn vị chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên… còn do công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được chú trọng. 

Cần hoàn thiện một số quy định liên quan 

Từ thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn, UBBC tỉnh Nghệ An đánh giá: Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các ngành, địa phương; tăng cường cán bộ chỉ đạo ở những địa phương, địa bàn đặc thù có vai trò quan trọng. Việc bố trí người có năng lực, trình độ, trách nhiệm tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử và tăng cường tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên cũng đóng góp lớn cho thành công của cuộc bầu cử. Đặc biệt, việc lựa chọn, giới thiệu được các ứng viên tiêu biểu trên cơ sở bảo đảm về tiêu chuẩn gắn với cơ cấu, thành phần đóng vai trò quyết định. "Thực tiễn cho thấy, lựa chọn ứng cử viên càng thận trọng, đúng quy trình, có uy tín thì cử tri tham gia bầu cử càng tin tưởng, phấn khởi. Số phiếu bầu cũng tập trung và tỷ lệ đạt cao hơn", UBBC tỉnh Nghệ An nhận định.

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác bầu cử trên địa bàn, trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả đạt được, các mặt tồn tại hạn chế, một số ý kiến đại biểu dự hội nghị thống nhất kiến nghị: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan quan tâm nghiên cứu một số bất cập khi triển khai Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như một số văn bản có liên quan. Cụ thể: Nghiên cứu quy định trường hợp lấy ý kiến cử tri nơi cư trú lặp lại hai lần đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp do khối, xóm, bản giới thiệu ứng cử; quy định cụ thể về tuổi ứng cử đối với cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định cụ thể công tác thẩm tra tiêu chuẩn chính trị đối với người ứng cử, về thời gian nên quy định thời điểm thẩm tra hoàn thành trước Hội nghị hiệp thương lần thứ 3.

Đồng thời, quy định cụ thể hơn về hồ sơ ứng cử, trong thực tế qua thẩm tra tiêu chuẩn chính trị nhiều trường hợp người ứng cử có người thân vi phạm luật nhưng trong hồ sơ không có mục kê khai nội dung này; bởi vậy, không thể cho rằng người ứng cử chưa trung thực trong kê khai hồ sơ. Mặt khác, nghiên cứu, bổ sung các trường hợp người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 vì lý do bất khả kháng (không thuộc một trong các quy định tại Điều 60 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân) được rút khỏi danh sách chính thức người ứng cử.

Diệp Anh