Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - thách thức từ cuộc đấu tranh, phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay:

Bài 5: Tầm nhìn chính trị chiến lược và khát vọng phát triển

- Thứ Ba, 15/12/2020, 09:14 - Chia sẻ

Với cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, trong rất nhiều trọng sự, cần tiếp tục giải quyết đồng bộ và thống nhất 6 loại công việc nổi bật và cấp bách.

Bảo vệ và vun đắp lòng tin của Nhân dân 

Trước hết là về khoa học chính trị và niềm tin chính trị. Chủ nghĩa xã hội sở dĩ trở thành khoa học bởi nó đứng vững và phát triển ngay trên mảnh đất hiện thực của chính nó. Khi sự phát triển của chủ nghĩa xã hội chính là sự phát triển thống nhất trong đa dạng một cách độc lập, khoa học và sáng tạo thì việc tìm tòi và lựa chọn con đường, phương thức kiến tạo riêng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam đối với công tác tư tưởng, lý luận càng trở nên cấp bách, nếu không nói là có ý nghĩa thành bại. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ năm 1953: Tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Và, nhìn rộng ra, chủ nghĩa tư bản phát triển không phải như một cuộc duyệt binh: Hoa Kỳ, Pháp khác Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản lại rất khác Italy, Bồ Đào Nha…; chủ nghĩa tư bản ở châu Âu cũng không giống chủ nghĩa tư bản ở châu Á, tất nhiên rất khác với chủ nghĩa tư bản ở các châu lục còn lại của thế giới. Nhưng, tất cả vẫn nguyên vẹn là chủ nghĩa tư bản. Đó là một nguồn tham chiếu tư tưởng, lý luận của chúng ta. 

Vì vậy, mối liên hệ giữa khoa học và cách mạng - bản chất của cuộc cách mạng XHCN mà các nước xây dựng chủ nghĩa xử lý không giống nhau - công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục phải nắm lấy và góp phần giải quyết về mặt chính trị trong việc xây dựng đường lối và các quyết sách chính trị. Niềm tin chính trị chính là xuất phát từ đây. Niềm tin chính trị phải đặt trên cơ sở khoa học chính trị, và ngược lại. Nếu không cả hai cùng thất bại, mà trước hết và trực tiếp là bảo vệ và phát triển niềm tin chính trị của Nhân dân. Khi mất niềm tin là mất hết. Bài học từ thực tế, lúc này hơn hết bao giờ, ngày càng nghiêm khắc cảnh cáo: "Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ "nếu" này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ...". 

Thứ hai, về tầm nhìn chính trị chiến lược và khát vọng phát triển. Công tác tư tưởng, lý luận phải lĩnh nhiệm trọng trách hoạch định tầm nhìn chiến lược quốc gia. Lịch sử xác tín, con mắt thiển cận thì không thể vạch đường đi xa, không thể hành động ngang tầm thời cuộc mà sẽ chỉ quẩn quanh trước thềm nhà hay thất bại ngay trong ý nghĩ, ngay từ bước khởi đầu! Nhìn xa và nhìn lại chính mình để đi xa, để không rơi vào hoang tưởng và thất vọng! Con đường phát triển Việt Nam trong tầm nhìn chiến lược tới năm 2030 là con đường XHCN hiện thực Việt Nam! Đó là sự lựa chọn tất yếu, là nguyên tắc phát triển phù hợp Việt Nam và thời đại ngày nay!    

Không biết quốc gia đứng ở đâu nhất định sẽ không thể dẫn dắt quốc gia đi tới đâu và đi như thế nào. Việt Nam độc lập, thống nhất, công nghiệp, hiện đại, phồn thịnh, hùng cường và văn hiến, giữ vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Đó là định vị chiến lược phát triển Việt Nam!  

Không một quốc gia phát triển nào, kể suốt xưa nay, để trở nên hùng cường, không tụ hội, giữ lấy và trọng dụng nhân tài. Tôn tài ắt đại thịnh. Tài không đợi tuổi. Tài không kể tuổi. Tài không nệ tuổi! Nguyên khí quốc gia ấy phải được muôn Dân bảo vệ và nuôi dưỡng, bằng bất kể giá nào! Đảng không ngừng tự mình trở thành tinh hoa Dân tộc, nỗ lực phấn đấu, hy sinh sao cho xứng đáng là người dẫn dắt Quốc gia.

Bảo vệ và vun đắp lòng tin của Nhân dân - quốc bảo Việt Nam! Đó chính là cái tôn quý nhất của Đất nước, tài sản vô giá và to lớn nhất của cách mạng Việt Nam! Quốc gia thịnh suy, đất nước còn mất ở khắp mọi thời, và hiện nay do muôn Dân định đoạt. Mất lòng tin của Nhân dân là mất hết!  

Khát vọng và hành động vì khát vọng - ngọn nguồn của mọi thành công

Việt Nam giữ lấy và nhân lên triết lý của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn. Hội nhập thế giới nhưng đất nước quyết không vọng ngoại, mà để thâu thái tinh hoa, hòa mục, để cầu thị và phát triển tự cường, mà không rơi vào cô độc và bị cô lập, với tư cách là một quốc gia độc lập. Chỉ có tự cường mới chủ động hội nhập quốc tế thật sự bình đẳng, ngang tầm và hiệu quả! Chỉ có tự cường mới thật sự Độc lập - Tự do, mới thật sự là chính mình và tự quyết nắm lấy cơ hội vượt lên.

Theo đó, công tác tư tưởng lý luận phát triển và bảo vệ tầm nhìn chính trị chiến lược ấy và thổi bùng lên khát vọng Việt Nam hùng cường. Vì, khát vọng đó luôn là điểm xuất phát cho mọi thành công của tương lai. Khát vọng và hành động vì khát vọng là ngọn nguồn của mọi thành công. Khi quốc gia độc lập - Tổ quốc tự tôn - Mỗi người tự trọng - Dân tộc đoàn kết - Hội nhập bốn bể thì nhất định đất nước Tự cường! Điều đó phải trở thành phương châm hành động trước hết của công tác tư tưởng, lý luận vì tầm nhìn phát triển chiến lược và khát vọng Việt Nam hùng cường.

Về kiến tạo lực lượng và tổ chức bộ máy công tác tư tưởng, lý luận. Hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận trước hết phải bao gồm những người có khả năng, tư chất và hành động thực tiễn về tư tưởng, lý luận, trực tiếp là lý luận chính trị. Tôn tài thì đại thịnh và phải hội tụ, chăm lo và phát triển trước hết đội ngũ này! Nói như cổ nhân: Khi sỹ phu ngoảnh mặt, thì tất đại bại, trước hết trên phương diện xây dựng lực lượng tư tưởng, lý luận. 

Sàng lọc chặt chẽ theo phương châm “tùy việc chọn người” nhằm chấm dứt tình trạng những người có tư tưởng thì đứng ngoài tư tưởng và những người không có lý luận thì tham gia hoạch định quyết sách chính trị, thậm chí quyết định chính trị. Nói một cách hình ảnh, đó là những ông “Đông Quách tiên sinh” dựa dẫm, những kẻ “đạo vị” kém liêm sỉ, những người “danh hão”, “vinh thân phì gia”… làm nát chính sự. Đồng thời, tiếp tục chỉnh đốn nghiêm nhặt, loại bỏ những con “kỳ đà cản mũi” hợm hĩnh, “ruồi trên đầu hổ” vô nhân tâm, nhất là những kẻ hoạt đầu ô trọc, “đục nước béo cò” , “sống chết mặc bay”, những kẻ ba phải, dân túy… Đây chính là mầm họa có nguy cơ làm nảy nòi lợi ích nhóm và những nhóm lợi ích, dung dưỡng chủ nghĩa phường hội, nạn cát cứ “sứ quân”, làm chao đảo, lệch lạc đường lối, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, những loại này “nguy hiểm hơn cả Việt gian, mật thám” ngay từ trong “tướng phủ”, có nguy cơ băm nhỏ, phương hại quyết sách, chà xéo lợi ích quốc gia.  

Muốn làm công tác tư tưởng, tư tưởng mỗi người phải xứng đáng là một nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị, trước hết về nhân cách chính trị, bản lĩnh chính trị và đạo đức chính trị. Vì, đó là hình ảnh mẫu mực của thể chế chính trị biểu hiện trong tầm nhìn, liêm sỉ, dũng khí, cá tính sáng tạo và óc phản biện cầu thị chính trị của người làm lý luận. 

Tiếp tục tổ chức bộ máy làm công tác tư tưởng, lý luận theo hướng: Gọn nhẹ, tinh hoa, chuyên nghiệp, hiện đại và liên thông các binh chủng trên hai phương diện tư tưởng và lý luận làm rường cột trong tổng thể tổ chức cấu tạo từng bộ máy trong bộ máy tổng thể của hệ thống chính trị.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản