Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND cấp huyện ở tỉnh Lai Châu

Bài 5: Hoàn thiện các quy định còn vướng mắc

- Thứ Sáu, 04/12/2020, 06:57 - Chia sẻ
Để hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND mang lại hiệu quả thiết thực, theo Thường trực, các Ban HĐND thành phố Lai Châu, một yêu cầu đặt ra là cần sớm ban hành các hướng dẫn cần thiết để thi hành hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cùng với đó, cần sớm chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát còn có những vướng mắc trong thực hiện.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực, các Ban HĐND thành phố Lai Châu đã tổ chức giám sát chuyên đề được 22 cuộc, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như quản lý xây dựng đô thị; kết quả trồng rừng, trồng chè, công tác vệ sinh môi trường đô thị; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Sau giám sát, nhiều tồn tại đã được khắc phục; tiến độ, chất lượng thực hiện các công trình trọng điểm được quan tâm làm tốt hơn; những vấn đề tồn tại kéo dài được giải quyết dứt điểm; công tác quản lý nhà nước liên quan được tăng cường.

Xác định đúng chuyên đề, đối tượng giám sát

Quá trình tổ chức giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND thành phố Lai Châu nhận thấy, việc xác định đúng chuyên đề cần giám sát có ý nghĩa quan trọng. Số lượng đối tượng giám sát không cần nhiều mà cần giám sát đúng đối tượng, có tính đặc trưng, đại diện cao, phù hợp với chuyên đề giám sát. Trước khi giám sát, cần có quá trình thu thập hồ sơ, chứng cứ, nghiên cứu tài liệu liên quan đến nội dung giám sát. Xây dựng đề cương giám sát là khâu quan trọng nhất trong quá trình giám sát nhằm giúp cho thành viên đoàn giám sát xác định rõ mục tiêu, phạm vi cần tập trung giám sát; định hướng được cho đối tượng giám sát báo cáo phục vụ giám sát đúng nội dung trọng tâm, tránh lan man. Coi trọng việc lựa chọn thành viên giam gia đoàn giám sát, trong đó lưu ý mời chuyên gia tư vấn về vấn đề đoàn giám sát xét thấy cần thiết.

Cử tri thành phố Lai Châu phát biểu ý kiến, kiến nghị với đại biểu dân cử - ảnh Bình Minh
Cử tri thành phố Lai Châu phát biểu ý kiến, kiến nghị với đại biểu dân cử
Ảnh: Bình Minh

Những nội dung trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cần được cân nhắc kỹ, bảo đảm sát hợp, chỉ rõ được những hạn chế, thiếu sót, những bất cập và nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình tổ chức triển khai các nghị quyết, chính sách, pháp luật; đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị rõ, đúng cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, khắc phục và thời gian gửi báo cáo kết quả khắc phục. Cần thường xuyên đôn đốc UBND chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp thu giải quyết những kiến nghị qua giám sát đã nêu trong nghị quyết, kết luận giám sát.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là tiếp tục nâng cao vai trò của đại biểu HĐND chuyên trách và nhiệm vụ của Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện trong tham mưu, phục vụ, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND. Văn phòng cần làm tốt việc phối hợp tiếp nhận, tổng hợp thông tin từ cử tri, đại biểu HĐND, từ các cơ quan báo chí, truyền thông; kịp thời đề xuất chuyên đề giám sát; tổ chức tốt việc thu thập tài liệu, quy định pháp luật, nghị quyết HĐND liên quan, cần thiết cho thực hiện giám sát chuyên đề...

Hoàn thiện các quy định pháp luật về giám sát

Để hoạt động giám sát chuyên đề bảo đảm hiệu quả thiết thực, cùng với nỗ lực của các chủ thể giám sát, yêu cầu đặt ra là cần sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn cần thiết để thi hành hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cụ thể, hướng dẫn thêm về thực hiện Khoản 5, Điều 60 quy định: "HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn". Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn cụ thể về: Trong trường hợp nào thì HĐND ra nghị quyết về chất vấn? Trình tự thẩm quyền thông qua Nghị quyết về chất vấn? Trong đó, cũng cần quy định rõ chế tài xử lý các đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận giám sát của HĐND, Thường trực HĐND. Hướng dẫn thêm về thực hiện Khoản 4, Điều 66 quy định: "Tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp thường trực HĐND". Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn cụ thể về: Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thì Thường trực HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát còn có những vướng mắc trong thực hiện. Đơn cử như: Tại điểm b, Khoản 2, Điều 62 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có quy định: "Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND phải thông báo nội dung, kế hoạch, đề cương báo cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày HĐND ra nghị quyết thành lập đoàn giám sát; Thông báo chương trình và thành phần đoàn giám sát chậm nhất là 10 ngày trước ngày đoàn tiến hành làm việc với cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát". Quy định như vậy là thiếu khả thi. Việc quyết định lập đoàn giám sát của HĐND và kế hoạch giám sát của đoàn nên giao cho Chủ tịch HĐND xem xét, quyết định giữa các kỳ họp.

Hay tại Khoản 2, Điều 77 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có quy định “Chương trình giám sát hằng năm của Ban HĐND được Ban HĐND xem xét, quyết định vào cuối năm trước”. Quy định như vậy là thiếu khả thi, vì trên thực tế chậm nhất 15 ngày kể từ ngày bế mạc kỳ họp HĐND cuối năm, Thường trực HĐND xem xét, quyết định chương trình giám sát hàng năm mà kỳ họp cuối năm của HĐND cấp huyện (thường là từ ngày 15 - 20.12), cấp xã (cuối tháng 12), mà Chương trình giám sát của Ban HĐND phải căn cứ vào chương trình giám sát của Thường trực HĐND. Như vậy, việc Ban HĐND xem xét, quyết định chương trình giám sát vào cuối năm là rất vô lý.

NGUYỄN HOÀNG