Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - thách thức từ cuộc đấu tranh, phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay

Bài 4: Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn sinh động ở Việt Nam

- Thứ Hai, 14/12/2020, 06:40 - Chia sẻ

Hơn bao giờ hết, công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục đứng trên nền tảng học thuyết Marx - Lenin để soi rọi, kiến giải những vấn đề nóng bỏng của thời đại ngày nay, trực tiếp những vấn đề của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, để xem xét, luận chiếu tối thiểu những vấn đề đó một cách chủ động và hiệu quả.

Phương thức phát triển XHCN: trung thành - độc lập - sáng tạo - cụ thể

Gần 35 năm đổi mới, dưới ngọn cờ XHCN, Việt Nam giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, dân tộc ta tiến những bước dài quan trọng; vị thế quốc gia - dân tộc khẳng định vững vàng trên trường quốc tế. Đó chính là hiện thân của quyền dân tộc tự quyết mà Việt Nam lựa chọn và phát triển, con đường của sự phát triển đa dạng trong thống nhất của khu vực và của thế giới chỉnh thể, được các quốc gia, dân tộc tôn trọng và ghi nhận. Đánh giá về công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam, bạn bè quốc tế ghi nhận: “Các đồng chí cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Marx - Lenin và chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đạt được những thành tích to lớn về mọi mặt”, “Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Việt Nam đã khiến quốc gia này thành nước có sức ảnh hưởng lớn nhất tại bán đảo Đông Dương”. Nhớ lại 20 năm trước, dưới nhan đề bài viết:“Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của cả loài người”, dư luận quốc tế xác tín: “Việt Nam đang thực hiện một quá trình đổi mới đầy sáng tạo nhằm đưa chủ nghĩa xã hội thích ứng với hoàn cảnh mới, với điều kiện lịch sử và bối cảnh quốc tế mới. Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới vẫn giữ được những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”. Và, “tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội đang trở nên sinh động ở Việt Nam hôm nay”.

Lúc này, hơn 800 cơ quan báo chí và truyền thông, theo chức năng, nhiệm vụ của mình cùng hệ thống nhà trường, học viện và toàn bộ hệ thống tư tưởng và lý luận của chúng ta từ Trung ương tới các địa phương chủ động phối hợp, đón bắt và tấn công, phản công một cách chủ động phù hợp, từng bước hiệu quả. Đó là trọng trách to lớn và khó khăn nhất. Bảo vệ vô điều kiện chủ nghĩa xã hội và con đường XHCN Việt Nam một cách bình tĩnh, khoa học, cầu thị và thuyết phục chính là bảo vệ tiền đồ của nhân loại tiến bộ và dân tộc chúng ta. Đó chính là trọng trách lịch sử, là con đường trưởng thành và phát triển của công tác tư tưởng, lý luận XHCN hiện nay. 

Vì, đối mặt trong cuộc đấu tranh này, không phải ai khác, chính Tổng thống Mỹ R. M. Nixon từng cảnh báo cho cả nước Mỹ và thế giới tư bản chủ nghĩa trong cuốn sách "1999 - chiến thắng không cần chiến tranh" của ông, rằng: Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu, nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng. Nhớ lại, từ năm 1986 - 1988, với sự tác động của những kẻ cơ hội chính trị như Yakovlev, một loạt cán bộ chủ chốt của các tờ báo ảnh hưởng lớn tại Liên Xô được thay bởi những người ủng hộ chủ trương “cải tổ” của Gorbachev, từ đó các tờ báo này đã “quạt gió châm lửa” khuynh đảo dư luận. Một số tờ báo và tạp chí đặc biệt cấp tiến như Họa báo, Tia lửa và Tin tức Moscow, dần dần đi theo xu hướng bôi nhọ chế độ XHCN. Tư tưởng của Nhân dân bị đảo lộn... Và, năm 1994, nhà văn Boldarev, khi nhìn lại tình cảnh của thời kỳ này, ông nói: Trong 6 năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 1940.

Những thất bại của chủ nghĩa xã hội, thường được người ta ngụy trá trong lý do vô tiền khoáng hậu, thậm chí hài hước chết người rằng, đó là sự nghiệp “xưa nay chưa có tiền lệ”(!). Thế nào là tiền lệ và không có tiền lệ?

Xin thêm một lần nữa, rằng chúng ta không thể sửa những lỗi lầm hôm qua bằng những thứ tâm lý và tư duy đã đẻ ra chúng. Nếu mọi thứ đã có tiền lệ thì có lẽ chúng ta chẳng phải làm gì một cách sáng tạo và phù hợp nữa, chẳng cần nói tới công việc đấu tranh, phát triển và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Nếu như thế, rốt cuộc, sẽ chẳng có gì cả của riêng chúng ta. Chủ nghĩa xã hội và xây dựng xã hội XHCN là sự nghiệp mới mẻ, không có tiền lệ nào trong lịch sử cho tất cả các quốc gia phát triển dưới ngọn cờ của nó. Vả nữa, dù cho một số quốc gia đi trước, nhưng điều đó không thể chuyển dịch cơ học hoặc nhập khẩu kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc đó khác hẳn với sự tham chiếu, tiếp biến những thành công và cả những thất bại, để tìm con đường phát triển cho riêng mình, chứ không phải gì khác, trên đại lộ phát triển của nhân loại. Phương thức phát triển XHCN là trung thành - độc lập - sáng tạo - cụ thể, quyết không phải là ở việc có tiền lệ hay không, càng không thể chờ đợi hay đổ lỗi cho tiền lệ. 

Việt Nam sẽ thành công chặng đường chưa một ai đi qua

Lịch sử hơn 200 năm phát triển của chủ nghĩa xã hội từ khoa học tới hiện thực, đặc biệt 100 năm chủ nghĩa xã hội hiện thực xác tín rằng: Thành công là con đường riêng nhưng thất bại và sụp đổ lại là cách thức và hậu quả chung đối với mọi quốc gia, dân tộc phát triển XHCN. Nói cách khác, thành công thường bắt đầu từ những con đường riêng và hậu quả gánh chịu đều chung một số phận như nhau. Xét rộng ra, đó cũng chính là quy luật phát triển thống nhất trong đa dạng của thế giới nói chung và chủ nghĩa xã hội nói riêng.

Thực tiễn 30 năm trước cho thấy rằng, sự thất bại của Liên Xô và các nước XHCN khác ở Đông Âu là sự đổ vỡ của những mô hình cụ thể được mệnh danh là chủ nghĩa xã hội, chứ tuyệt nhiên không phải là sự biến mất của lý tưởng XHCN. Vì, nói như F.Hegel, tất cả các nguyên lý triết học hiện đại đều là sự kế thừa và phát triển từ tất cả các nguyên lý triết học có từ trước đó. Do đó, không có nguyên lý triết học nào bị lật đổ cả, mà chỉ có sự giả định rằng, nguyên lý đó là định nghĩa cuối cùng bị lật đổ mà thôi. Đó chính là hiện thân của cái chung và cái riêng, cái đặc thù; tính thống nhất và tính đa dạng của chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng tới hiện thực. Đó chính là ngọn nguồn sức sống và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội ở các quốc gia đã và đang phát triển dưới ngọn cờ XHCN, tiếp tục dòng chảy tự nhiên 200 năm của chủ nghĩa xã hội, không ai có thể bác bỏ và không gì có thể đảo ngược. Logic phát triển, sức sống và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội chính là ở chỗ này!     

Tới lượt mình, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã, đang và tiếp tục phải tự vạch ra con đường phát triển riêng cho mình phù hợp với mình và thế giới, không ai có thể thay thế chúng ta, càng không thể nhập khẩu mô hình hoặc kinh nghiệm từ bên ngoài vào. Đó chính là con đường phát triển dân tộc độc lập và hùng cường, Nhân dân tự do và hạnh phúc, quốc gia phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu, dưới ngọn cờ XHCN. Con đường riêng đó đã khẳng định sức sống của nó, không gì có thể phủ nhận. Với nhan đề: “Chào buổi sáng, Việt Nam” (Guten Morgen, Vietnam) của Đài Truyền hình Đức 3 Sat, ngày 18.11.2011, lời bình nhấn mạnh: Với mức tăng trưởng kinh tế từ 5 - 9% trong suốt thập niên qua và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này, Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển kinh tế kỳ diệu ở châu Á; là quốc gia thành công nhất trên thế giới trong cuộc xóa đói, giảm nghèo. Và, ông U-ê-đa Côi-chi-rô (Nhật Bản), ngay từ năm 2006, ghi nhận rằng: Đường lối đổi mới trong đó kết hợp kinh tế thị trường với kế hoạch, tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở công nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế là con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử. Chúng tôi hy vọng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam, đã từng chiến thắng trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ trước đây, sẽ thành công trước thách thức mới trên chặng đường mà chưa một ai đi qua. 

Và, mới đây, ngày 12.6.2020, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione khuyến cáo Việt Nam, về giấc mơ “kỳ tích sông Hồng”, như người Hàn Quốc từng mơ giấc mơ sông Hàn. Ông nói: Tựu trung lại là làm thế nào để giúp Việt Nam tiến lên phía trước, người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi cho rằng lộ trình phát triển của Việt Nam là rất rộng. Dù có đại dịch Covid-19, nhưng chưa bao giờ Việt Nam lại mạnh mẽ, sẵn sàng như vậy để hướng đến con đường phát triển tới đây. Việt Nam thuộc nhóm rất nhỏ các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dương trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm qua đại dịch. Đó là nền tảng rất quan trọng. Đổi mới là một quá trình tuyệt vời giúp Việt Nam thoát nghèo đói, trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Nhưng để tiếp tục vươn lên, chúng ta cần một cuộc Đổi mới phải khác với cuộc Đổi mới trước đây. Để vượt qua được ngưỡng này, đòi hỏi Việt Nam phải có một quá trình Đổi mới tiếp theo tới đây khác với quá trình Đổi mới hơn 30 năm vừa qua. Vận mệnh Việt Nam đang nằm trong tay các bạn. Nếu có bước chuyển đổi chính xác thì Việt Nam trong vòng 5 - 6 năm tới đây sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao. Bước chuyển hướng này rất quan trọng.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục thấu triệt, rằng, nếu lúc nào và ở đâu sự ảo tưởng, thiển cận, thiên kiến, hẹp hòi, cô độc hay sự cơ hội, giáo điều, rập khuôn, dao động, bạc nhược, nhất là sự do dự, thúc thủ và thoái bộ thì khi đó và ở đó nhất định dẫn tới sự hèn nhát, tự đầu hàng, tự thoái bộ, tự tụt hậu và nhất định sẽ tự cáo chung sứ mệnh và vai trò của mình về mặt tư tưởng và lý luận. Nói cách khác, đó cũng chính là thách thức đối với sự phát triển và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội hiện nay, bắt đầu từ công tác tư tưởng, lý luận. 

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản