Thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên

Bài 4: Để cơ hội không bị bỏ phí

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:02 - Chia sẻ
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một trong những cách tốt nhất để mở rộng thị trường nước ngoài cho xuất khẩu. FTA chỉ thực sự đem lại lợi ích nếu doanh nghiệp vận dụng được các ưu đãi cam kết trong hiệp định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp của ta chưa thực sự tận dụng tốt các cơ hội này để xuất khẩu.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn thấp 

Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2019 đạt 47,55 tỷ USD, chiếm 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Về tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi (chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho phép sản phẩm được cắt giảm hoặc miễn thuế sang các thị trường mở rộng đặc quyền này), ngoài hai thị trường Chile và Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi ở mức độ tốt (lần lượt đạt 67,74% và khoảng 65,05% năm 2019) thì các thị trường còn lại như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ vận dụng C/O ưu đãi ở mức độ khá và trung bình (khoảng 30%). Nhìn từ góc độ xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan trong các FTA. Tuy nhiên, lợi ích được hưởng còn hạn chế đáng kể so với tiềm năng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh).
Ảnh: T. Chi

Báo cáo "Việt Nam: Tăng cường Hội nhập quốc tế và EVFTA" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 5.2020 khuyến nghị, các cơ quan, ban, ngành cần tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức để doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ hậu quả nghiêm trọng của việc vi phạm quy tắc xuất xứ. Những hành vi vi phạm quy tắc xuất xứ, một khi được phát hiện, sẽ không chỉ dẫn đến việc loại bỏ ưu đãi thuế quan theo EVFTA, mà còn bị xử phạt nặng, đặc biệt nếu bị coi là hành vi gian lận thương mại có thể bị điều tra để các đối tác thương mại trong hoặc ngoài khối CPTPP và EVFTA áp dụng các biện pháp trả đũa.

Minh họa thêm cho bức tranh về tận dụng ưu đãi từ các FTA, Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đối với các FTA truyền thống, mặc dù tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được cải thiện dần qua các năm nhưng tổng tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan xuất khẩu vẫn còn tương đối thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 40%. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tới hơn 70% con số này, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ hơn của lợi ích tổng. Đối với CPTPP, do hiệp định mới có hiệu lực thực thi được một năm nên tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan năm 2019 chỉ đạt dưới 2%.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, đến nay, mặc dù các đối tác FTA đã thực hiện cam kết cắt giảm thuế tương đối lớn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các cơ hội này để xuất khẩu. Trong số những nguyên nhân được Bộ Công thương nêu ra có các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản, thủy sản… là rào cản khiến doanh nghiệp Việt Nam khó tận dụng cơ hội thị trường. Tại thị trường các nước ASEAN, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước ASEAN khá tương đồng, do vậy hàng hóa của ta gặp phải cạnh tranh cao ở thị trường các nước ASEAN. 

Bên cạnh đó, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hiểu rõ cách áp dụng ưu đãi thuế quan của các FTA, trong đó có các quy định về xuất xứ.

Cần có đầu mối thông tin hướng dẫn doanh nghiệp

Để trả lời cho câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ các FTA, một số chuyên gia cho rằng, mấu chốt là vì doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ dựa trên tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Song, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI Nguyễn Thị Thu Trang nêu thực tế, các cam kết trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA có phạm vi rộng và rất phức tạp. Nhiều nội dung khó hiểu mà "phải những người đi đàm phán mới hiểu được". Thậm chí, có những cam kết có nhiều cách hiểu khác nhau và giữa chính những người đi đàm phán cũng có cách hiểu không thống nhất. Vì vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn trong áp dụng ưu đãi thuế quan của các FTA. 

Đơn cử, trong thực thi CPTPP, Công ty cổ phần Dệt May đầu tư thương mại Thành Công gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của hiệp định này. Cụ thể, doanh nghiệp đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” và đang xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada, nhưng vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan. Được biết, trong quá trình phổ biến thông tin về CPTPP, các cơ quan quản lý luôn nói ngành dệt may phải chấp nhận quy tắc xuất xứ cao là “từ sợi trở đi” mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đến Cục Xuất nhập khẩu để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ thì được trả lời là chỉ cấp chứng nhận xuất xứ... "từ bông" chứ không thể "từ sợi" (?). Sự khác nhau trong cách hiểu, cách giải thích quy tắc này đã cản trở doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang thị trường CPTPP.

C/O là chứng từ quan trọng trong xuất nhập khẩu, cho biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được sản xuất tại vùng lãnh thổ, hay quốc gia nào. Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu của ta cần xin được C/O để hưởng ưu đãi thuế quan từ các đối tác đã ký FTA, nhưng để xin được C/O thì không dễ. Chỉ ra thực tế này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, đây là vướng mắc lớn trong thực hiện các FTA. Đại biểu cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, tức là trao quyền cho doanh nghiệp được tự chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của mình để được hưởng ưu đãi. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để chuyển từ Nhà nước cấp C/O sang cho doanh nghiệp tự làm? Đặt vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không phải Nhà nước chỉ làm quyết định chuyển việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang doanh nghiệp là xong mà doanh nghiệp phải tự khẳng định được khả năng chứng nhận xuất xứ hàng hóa của mình. 

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, vấn đề nằm ở việc phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ FTA. Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khóa tập huấn nhằm hướng dẫn doanh nghiệp cách kê khai C/O để hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu. Khóa tập huấn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã cử người đi học rất đông bởi trước đây người ta sợ hoặc không biết khai như thế nào. Đưa ra ví dụ này, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, nên nhân rộng mô hình tập huấn này ở các địa phương.

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI cũng kiến nghị, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những đơn vị phụ trách đàm phán cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cho doanh nghiệp. Nội dung hướng dẫn này cần dễ hiểu và được công khai để doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng. Bên cạnh đó, cần thiết lập đầu mối thông tin, tư vấn, xử lý các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương trong quá trình thực hiện các FTA. “Đầu mối này trực tiếp xử lý các vấn đề đơn giản. Trường hợp phức tạp, đầu mối này đóng vai trò kết nối, liên hệ với các bộ, ngành liên quan để giải thích, giải quyết cho doanh nghiệp”, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI đề xuất.

Nhật An