Để trở thành người đại biểu của Nhân dân

Bài 3: Vận dụng sáng tạo để có chương trình hành động ấn tượng

- Thứ Hai, 26/04/2021, 07:38 - Chia sẻ
Chương trình hành động có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình vận động bầu cử và cũng là định hướng hoạt động trong suốt thời gian làm đại biểu sau này - đó là một cam kết chính trị. Ứng cử viên có thể vận dụng sáng tạo để có một bản chương trình hành động độc đáo, đáng nhớ, mạnh mẽ, ấn tượng. Bên cạnh nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thông tin, cần chú ý lựa chọn vấn đề đưa vào chương trình hành động cho phù hợp.

Không chỉ là lời hứa danh dự

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, mỗi ứng cử viên ĐBQH hay ứng cử viên HĐND các cấp đều phải xây dựng cho mình một chương trình hành động để báo cáo trước cử tri và lưu trong hồ sơ ứng cử. Đó là dự định những hoạt động, công việc, những vấn đề quan tâm ứng cử viên sẽ thực hiện nếu trúng cử. Chương trình hành động có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình vận động bầu cử và cũng là định hướng hoạt động trong suốt thời gian làm đại biểu sau này - đó là một cam kết chính trị.

Ứng cử viên cần chú ý lựa chọn vấn đề đưa vào chương trình hành động cho phù hợp - ảnh XUÂN THAO
Ứng cử viên cần chú ý lựa chọn vấn đề đưa vào chương trình hành động cho phù hợp
Ảnh: Xuân Thao

Thứ nhất, đó là “lời hứa danh dự” của ứng cử viên với cử tri. Các “lời hứa” không phải để "lấy lòng" cử tri, mà nó sẽ phải được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao sau khi ứng cử viên trúng cử. Do đó, từng vấn đề được nêu trong chương trình hành động phải được ứng cử viên nghiên cứu kỹ, cân nhắc cẩn thận, trong khả năng và phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình, có tính khả thi, không hứa hẹn điều gì mà ứng cử viên không thể giữ lời, không đủ điều kiện thực hiện.

Thứ hai, đó là “thước đo” để cử tri nhận biết, hiểu rõ động cơ, bản lĩnh, lòng tự trọng, năng lực, trách nhiệm của ứng cử viên để gửi gắm lòng tin. Nhưng không vì thế mà "bắt chước" một ai đó để viết cho thật hay, thật kêu vượt quá khả năng, trình độ thực tế của mình. Tùy từng vị trí công tác, lĩnh vực hoạt động, trình độ của mình để đưa ra những cam kết phù hợp.

Chất lượng chương trình hành động quan hệ hữu cơ với chất lượng trình bày chương trình hành động của ứng cử viên. Xây dựng chương trình hành động tốt giúp ứng cử viên tự tin trước đông đảo cử tri; là một yếu tố quyết định cho sự thành công khi trình bày chương trình hành động. Ngược lại, kỹ năng trình bày tốt sẽ “lột tả” được tinh thần chương trình hành động, thu hút sự quan tâm và tạo được niềm tin của cử tri đối với ứng cử viên.

Vận dụng sáng tạo để có chương trình hành động độc đáo

Ứng cử viên có thể vận dụng sáng tạo để có một bản chương trình hành động độc đáo, đáng nhớ, mạnh mẽ, ấn tượng. Chương trình hành động cần tránh các yếu tố “sách vở”, giáo điều, sáo rỗng, dài dòng, thiếu màu sắc địa phương, cam kết, đề cập quá nhiều vấn đề mà sức ứng cử viên có hạn. Bố cục thông thường gồm 3 phần:

Phần mở đầu: Giới thiệu ngắn gọn, súc tích về bản thân và gia đình; thể hiện sự hiểu biết về trách nhiệm của một đại biểu dân cử và mong muốn trở thành đại biểu dân cử.

Phần nội dung: Dựa vào thông tin có được qua nghiên cứu tìm hiểu, có thể chọn lọc các vấn đề quan trọng để trình bày một số nội dung sau đây: Làm gì để thực thi trách nhiệm người đại biểu dân cử. Trình bày ngắn gọn những hiểu biết của mình về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội để giúp cho đời sống của cử tri địa phương tốt lên và có khó khăn gì? Trình bày hiểu biết của mình về những vấn đề cử tri quan tâm, mong muốn được giải quyết tốt hơn, phương án giải quyết (nếu có thể); những vấn đề ưu tiên cử tri địa phương quan tâm cũng như những vấn đề sẽ xảy ra và sẽ có ảnh hưởng đến địa phương. Phần này cần thể hiện được mặt mạnh của ứng cử viên, nên tập trung vài lĩnh vực, vấn đề có thể thực hiện được. Trình bày vấn đề có thể làm, có thể giải đáp thắc mắc của cử tri; làm cách nào để tham gia giải quyết vấn đề. Có thể gom một số vấn đề vào một “chủ đề” cần nhấn mạnh.

Phần kết luận: Khái quát lại những ý quan trọng; nêu tình cảm và trách nhiệm của ứng cử viên đối với cử tri; bày tỏ mong muốn được cử tri ủng hộ; cảm ơn cử tri đã lắng nghe; cảm ơn các cơ quan, MTTQ đã tổ chức cuộc gặp gỡ tiếp xúc này và không quên lời chào, lời chúc.

Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ

Để xây dựng chương trình hành động, trước hết, cần nghiên cứu, tìm hiểu: Tìm hiểu những nội dung cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi mình ứng cử để chọn lựa vấn đề đưa vào chương trình hành động sát với tình hình thực tế, khả thi, phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử. Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đại biểu dân cử để chọn cách khẳng định với cử tri về hoạt động của mình nếu trúng cử. Tìm hiểu đối tượng cử tri nơi ứng cử: Trình độ, nhận thức, văn hóa, tôn giáo; nhóm cử tri có khả năng ủng hộ mạnh, ủng hộ yếu, phản đối mạnh, phản đối yếu, chưa quyết định đối với ứng cử viên; đối tượng cử tri có khả năng tham dự hội nghị TXCT (vai trò, vị thế ở địa phương; mong đợi ứng cử viên điều gì…). Việc tìm hiểu này giúp ứng cử viên điều chỉnh bài viết và trình bày cho phù hợp người nghe, nói trúng nguyện vọng cử tri.

Tiếp đó, cần chọn vấn đề để đưa vào chương trình hành động: Độ dài của chương trình hành động khoảng 3 - 4 trang là phù hợp, ứng cử viên cần chọn lọc kỹ số lượng vấn đề đưa vào chương trình hành động, không nên tham nhiều vấn đề. Các căn cứ để chọn vấn đề: Nhu cầu, mong muốn của cử tri đối với ứng cử viên có thể đề xuất giải pháp và giải quyết khi trúng cử; vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan dân cử mà mình ứng cử; vấn đề ứng cử viên nắm vững, hiểu rõ nhất, thuộc lĩnh vực chuyên môn mình, có đủ khả năng tham gia đề xuất ý kiến, tác động làm cho vấn đề đó được thực hiện.

Lưu ý sắp xếp các nội dung logic, kết cấu chặt chẽ. Chọn từ ngữ, cách diễn đạt phù hợp đặc điểm cử tri sao cho các ý tưởng, thông tin tạo ra những thông điệp ngắn gọn, thể hiện trọng tâm, đi vào lòng người, để lại ấn tượng tin cậy, không sao chép, sáo rỗng, giáo điều.      

 

 

Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương