Thách thức của định hướng phát triển

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 07:06 - Chia sẻ

Bất chấp những lợi ích không thể phủ nhận mà ngân hàng rác thải mang lại, mô hình này vẫn gặp phải những thách thức trong tổ chức, triển khai và nhân rộng. Báo cáo tháng 6.2020 về Chiến lược hành động giảm rác thải nhựa quốc gia của Indonesia đã dựa trên các cuộc khảo sát và đánh giá được thực hiện thông qua một số tổ chức phi chính phủ cũng như của chính Bộ Môi trường Indonesia, để chỉ ra một số thách thức đối với mô hình ngân hàng rác thải như sau:

	Ngân hàng chất thải Satu Hati. Ảnh greeners.co
Ngân hàng chất thải Satu Hati.
Ảnh greeners.co

Thứ nhất, thách thức về định giá rác thải. Trên thực tế, các ngân hàng rác thải không bán trực tiếp đồ tái chế của họ cho ngành công nghiệp tái chế, mà thông qua lapak hoặc bandar (khu vực không chính thức, người trung gian) trước. Điều này khiến giá bán của rác không cao như hy vọng. Bên cạnh đó, do không có đầu mối thống nhất, đôi khi giá bán không thống nhất giữa các bên trung gian.

Thứ hai, thách thức trong việc lưu kho rác. Nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong trữ rác do rác nhanh chóng chất thành núi. Nguyên nhân chính là do nhiều ngân hàng không có các đối tác thu gom rác cố định. Về điều này, các chuyên gia khuyến cáo, ngành công nghiệp tái chế và ngân hàng rác thải nên xây dựng quan hệ đối tác bền vững, thông qua việc ký kết các văn bản chính thức để từ đó có thể đưa ra mô hình hợp tác hiệu quả.

Thứ ba, với thành công của nhiều mô hình ngân hàng rác thải ở nhiều địa phương, mô hình này đã được nhân rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, số lượng các ngân hàng có xu hướng gia tăng, một số ngân hàng đã được thành lập mà chưa có sự chuẩn bị tốt về hệ thống hoạt động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả hoặc phải đóng cửa. Do vậy kiểm soát chất lượng, kiểm soát hoạt động đăng ký thành lập ngân hàng cũng là một yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý.

Thách thức thứ tư là các ngân hàng rác thải thường chỉ thành công trong các cộng đồng những người nghèo, có thu nhập thấp bởi mô hình này mang lại lợi nhuận giúp họ cải thiện thu nhập và kinh tế. Trong khi đó, những tầng lớp cao hơn trong xã hội hầu như không quan tâm đến mô hình này vì họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho việc thu gom và phân loại rác. Đó là lý do mô hình này chưa khuyến khích hay cải thiện được ý thức phân loại rác từ nguồn một cách đồng đều trong cộng đồng.

Thứ năm, thách thức trong thể chế hóa mô hình này. Quá trình hoạt động đặt ra nhiều vấn đề mới cần Chính phủ đưa ra những quy định mới để bảo vệ các nhà quản lý và khách hàng của ngân hàng. Chẳng hạn như việc ban hành Quy chế hoạt động tiêu chuẩn, một hệ thống các quy định trở thành nguyên tắc hợp tác giữa các ngân hàng chất thải, các tổ chức đối tác hoặc các ngân hàng thông thường. Điều này có thể giúp tối ưu hóa trong quản lý lợi nhuận cho cả quản lý và khách hàng của ngân hàng. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên phát triển song song cả các mô hình ngân hàng nhà nước và ngân hàng của người dân địa phương, để từ đó, việc quản trị môi trường dựa vào cộng đồng có thể được phát triển một cách đúng đắn trong tương lai.

Vũ Quỳnh