Xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Bài 3: Những mô hình đầu tiên

- Thứ Năm, 12/11/2020, 09:50 - Chia sẻ
Sự phát triển của các đô thị thông minh tạo ra sự thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa mới. Trong đó, thông qua áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại, tri thức để thay đổi cách thức quản lý đô thị, đem đến hiệu quả và môi trường sống ổn định, lành mạnh hơn cho người dân. Với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Thủ đô Hà Nội

Là Thủ đô của đất nước, Hà Nội vẫn luôn đặc biệt chú trọng chủ trương xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM). Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh "Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020" và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Trong giai đoạn này, Hà Nội tập trung hình thành cơ bản nền tảng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, bảo đảm an ninh trật tự… hoàn thành cơ bản việc xây dựng chính quyền điện tử.

Năm 2017, thành phố đã triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tạo bước chuyển căn bản. Thành phố đã thay thế 170 chương trình phần mềm và server riêng lẻ để kết nối mạng diện rộng từ thành phố xuống tới các Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Hà Nội vẫn luôn đặc biệt chú trọng chủ trương xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: ITN

Theo Sở Thông tin và truyền thông, tính đến cuối tháng 6.2020, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 1.501 thủ tục hành chính, đạt 91%. Hà Nội đã hoàn thành tích hợp 88 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đến hết năm 2020 sẽ tích hợp 173 dịch vụ còn lại. 

TP Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô-tô qua điện thoại di động (iParking) trên hai tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm gồm 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe với giao diện thân thiện và tích hợp nhiều tính năng tiện ích. Thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại 161 điểm trông giữ và 9 tuyến phố thuộc bốn quận: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng.

Thành phố Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đi đầu trong việc phát triển ĐTTM với Quyết định thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM”. Ngày 23.11.2017, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, thành phố sẽ phát triển tập trung vào 4 trụ cột chủ yếu: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm an toàn thông tin thành phố.

TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đi đầu trong việc phát triển ĐTTM với Quyết định thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM”. Ảnh: ITN

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố đã thành lập quy chế khai thác kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu mẫu được đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung. Kho dữ liệu dùng chung của TP đã đi vào hoạt động trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Kho dữ liệu đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục… TP cũng đã triển khai thử nghiệm cổng dữ liệu tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn - là nơi khai thác tập trung Kho dữ liệu dùng chung, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước thành phố.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh được đặt tại trụ sở UBND thành phố, chính thức vận hành từ ngày 15.4.2019. Đến nay đã kết nối, tích hợp dữ liệu hơn 1.500 camera từ hệ thống Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Công an thành phố, hệ thống camera một số quận về trung tâm điều hành. Trong đó đã phân tích, khai thác dữ liệu cùng lúc 50 camera với các tính năng như nhận diện khuôn mặt, phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về an ninh, trật tự… Trung tâm điều hành đô thị thông minh chính là nơi tiếp nhận các vấn đề phát sinh từ mọi mặt của xã hội để tổng hợp và hỗ trợ lãnh đạo thành phố đưa ra quyết sách.

Thành phố Đà Nẵng

Ngày 25.3.2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định1797/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án xây dựng Thành phố thông minh hơn” giai đoạn 2014 – 2020, tập trung vào 5 lĩnh vực: Giao thông thông minh, Cấp nước thông minh; Thoát nước thông minh; Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và Xây dựng thành phố kết nối. Đà Nẵng chọn cách tiếp cận Nền tảng là Chính quyền điện tử với Khung kiến trúc thành phố thông minh.

Quy hoạch Đà Nẵng thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững. Ảnh: ITN

Tháng 7.2014, thành phố Đà Nẵng đã chính thức khai trương và đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử giúp các cơ quan nhà nước thành phố ứng dụng Công nghệ thông tin để hoạt động hiệu quả hơn, đẩy mạnh cải cách hành chính; giúp tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công và tiếp cận thông tin của Chính quyền thuận lợi hơn.

Đà Nẵng đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình. Người dân có thể tra cứu hành trình xe buýt trên website, qua tin nhắn SMS, qua mạng xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tự nghiên cứu camera giao thông thông minh (sử dụng giải pháp Internet vạn vật) bằng nguồn lực tại địa phương, thí điểm tại nút giao thông Trưng Nữ Vương – Núi Thành để làm chủ công nghệ, phù hợp với điều kiện tại Đà Nẵng, và tạo cơ sở để Thành phố so sánh, chủ động trong lựa chọn sử dụng thiết bị, giải pháp, công nghệ của đa đối tác. Từ cuối năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã triển khai hệ thống tiếp nhận, quản lý kết quả quan trắc tự động liên tục các trạm xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sở Công thương đang triển khai Đề án tra cứu, truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua tem QR Code dự kiến triển khai giai đoạn 1 năm 2018 cho thực phẩm tại chợ Hà.

Năm 2018, Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN đã được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore, xác định các mục tiêu, bao gồm: một là nền kinh tế cạnh tranh; hai là môi trường bền vững; ba là chất lượng cuộc sống cao hơn. Đã có 26 thành phố tham gia vào Mạng lưới thành phố thông minh của ASEAN, trong đó, Việt Nam có 3 thành phố tham gia Mạng lưới là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, các thành phố sẽ xây dựng cho mình một tầm nhìn trung hạn và triển khai kế hoạch hành động của mỗi năm phù hợp với điều kiện địa phương, đảm bảo phát huy được bản sắc riêng của từng đô thị, từng quốc gia và đóng góp cho bản sắc chung của Mạng lưới ASEAN.

 

Xuân Tùng