Đấu tranh phòng, chống tham nhũng - quyết tâm và hành động

Bài 3: Lựa chọn khâu yếu, việc khó, tập trung chỉ đạo khắc phục

- Thứ Tư, 23/12/2020, 06:27 - Chia sẻ
Đạt được những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua là sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Với nội dung và phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, khoa học, bài bản, chặt chẽ, Ban Chỉ đạo thực sự chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng yên tâm thực thi nhiệm vụ được giao.

Không chỉ đạo tội danh, hình phạt cụ thể

Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII của Đảng (năm 1994) đến nay đã và vẫn xác định tham nhũng, lãng phí là một trong 4 nguy cơ, thách thức đối với sự nghiệp đổi mới, cản trở sự phát triển đất nước, nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được thì có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Như khẳng định của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự kế thừa, tiếp nối quá trình đấu tranh kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta.

Thực tế, Đảng ta luôn coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa to lớn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Từ nhiều năm nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhưng kết quả chưa như mục tiêu và mong muốn. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với mong muốn và quyết tâm tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI (tháng 5.2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 1.2.2013, Bộ Chính trị Khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở này, chức năng, nhiệm vụ, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo được xây dựng, sửa đổi, bổ sung với nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Thực tiễn cho thấy, kể từ khi thành lập, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chỉ đạo đã lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả công việc ngày càng cao. Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy được tái lập đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nâng cao hiệu quả tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, đã chủ động, sâu sát, kiên quyết, kiên trì, có bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, một trong những điểm mới lần này, đó là Ban Chỉ đạo đã đề ra “cơ chế phối hợp 5 cấp độ để bảo đảm tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng”. Theo đó, vụ án, vụ việc nào có khó khăn, vướng mắc, thì thủ trưởng ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan liên quan tham dự để trao đổi, tháo gỡ. Nếu các cơ quan vẫn chưa thống nhất, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành để giải quyết và đây là cấp độ 1. Nếu vẫn chưa thống nhất được sẽ chuyển lên cấp độ 2 là Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp liên ngành. Trường hợp cấp độ 2 chưa giải quyết xong, thì chuyển sang cấp độ 3 là tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo họp để giải quyết. Nếu vẫn chưa thống nhất được, toàn thể Ban Chỉ đạo sẽ họp, đây là cấp độ 4. Và ở cấp này nếu vẫn chưa giải quyết được, thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của vụ án. Cùng với cơ chế “5 cấp độ” này còn có cơ chế phối hợp giữa các bộ, cục, vụ của cơ quan liên ngành. Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Trưởng ban Nội chính Trung ương (3 Phó Trưởng ban Chỉ đạo) thường xuyên hội ý để giải quyết các vụ việc. Ban Chỉ đạo riêng về các vụ án, vụ việc cụ thể, phức tạp cũng được thành lập.

Đặc biệt, theo ông Võ Văn Dũng, Ban Chỉ đạo “không chỉ đạo về tội danh, hình phạt cụ thể mà đặt ra yêu cầu làm thế nào bảo đảm tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không được oan sai, không được nhẹ tay mà phải nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe”.

Thực sự là chỗ dựa vững chắc

Quan điểm nhất quán nêu trên được Bộ Công an rút ra thành bài học kinh nghiệm qua kết quả điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan của Đảng trong việc xử lý kỷ luật của Đảng mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, phải tranh thủ được sự đồng lòng của các cấp, các ngành, phát huy được sức mạnh của Nhân dân, tạo được sự đồng thuận và quan tâm ủng hộ của toàn xã hội.

Quan điểm "biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế", "nói đi đôi với làm" của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Trưởng Ban chỉ đạo, cùng phương châm nhất quán không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan chức năng, trong đó có các cơ quan tư pháp trong phát hiện, điều tra, xử lý án tham nhũng và thực thi nhiệm vụ được giao. Thực tế, việc xác định rõ cơ chế xử lý những khó khăn, vướng mắc theo từng cấp độ của Ban chỉ đạo đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Như “tổng kết” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, thì Ban Chỉ đạo thực sự là "tổng chỉ huy", là "nhạc trưởng" của công tác phòng, chống tham nhũng.

Từ những kết quả và kinh nghiệm rút ra qua thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một trong những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh trong thời gian tới, đó là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. “Tôi đã nhiều lần nói: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực!”, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đặc biệt lưu ý.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phải thực sự là "trung tâm chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng thực thi nhiệm vụ được giao".

Lam Giang