PHÁT TRIỂN VIỆT NAM: TẦM NHÌN, ĐỔI MỚI VÀ KHÁT VỌNG NĂM 2030 - 2045

Bài 3: Con đường phát triển tất yếu

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:35 - Chia sẻ
Loại vấn đề rường cột thứ ba, đó là phát triển giá trị quốc gia: Tự do - Dân chủ - Pháp quyền - Đạo đức - Phát triển - hội tụ, kết tinh tầm nhìn chính trị, bản lĩnh, sức mạnh và uy tín quốc gia trong thời đại ngày nay.

Tầm nhìn chính trị - sức mạnh quốc gia, dân tộc

Đề cập một cách hệ thống tới toàn bộ các vấn đề có ý nghĩa riềng mối của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, tất có người hỏi: Vậy thì, gần 35 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam chưa hay không đổi mới như thế? Tôi xin nói, rằng trước 30 năm, kể từ năm 1986, là công cuộc đổi mới toàn diện và sau 30 năm, từ năm 2016, là toàn diện, đồng bộ. Đó là sự lựa chọn thích hợp với thế và lực của đất nước, chứ không phải là sự khiếm khuyết, và càng không phải sự khập khiễng, như một số người công kích.   

Vì sao như vậy? 

Rằng, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta hiểu rằng: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề phải chú ý đến; cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa”. Đặc biệt, gần 35 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ, chúng ta càng hết sức coi trọng việc xử lý công việc đó. Nhớ lại, trước thềm công cuộc đổi mới (năm 1986), đất nước ta lâm vào khủng hoảng, kinh tế đình đốn, lạm phát phi mã tới 3 con số, bị bao vây cấm vận… Khủng hoảng kinh tế đe dọa sự sinh tử thường trực chế độ, thậm chí mong manh dễ vỡ bất cứ lúc nào. Đổi mới kinh tế hay chính trị, xã hội hay văn hóa… trong “sợi dây xích” chỉnh thể đất nước? Sự lựa chọn khởi đầu công cuộc đổi mới không thể không đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng. Trong việc giải quyết tổng thể tình trạng đất nước lúc ấy, không thể không bắt đầu từ giải quyết tình trạng kinh tế khủng hoảng đe dọa số phận đất nước. Và, sự thật, hơn lúc nào hết, lúc ấy, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, phải giải quyết vấn đề chính trị từ nền tảng của nó, chính là kinh tế; và đó chính là xử lý những vấn đề về chính trị một cách chính trị nhất và khôn ngoan nhất. Không thể giữ vững chế độ nếu không bắt đầu từ giải quyết sự khủng hoảng kinh tế. Chúng ta đã nắm lấy và xử lý “mắt xích” cơ bản nhất, quan trọng nhất, để xử lý các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa… trên tầm tổng thể, bằng sự tập trung cao độ nội lực và ngoại lực. Và, chúng ta từng bước thành công! 

Nhìn lại tình hình và công việc như thế, để khắc sâu một vấn đề mang ý nghĩa phương pháp luận cơ bản trong việc tiếp tục đổi mới chính trị hiện nay, rằng không thể nôn nóng, vội vàng, cũng không thể chờ đợi, cầu toàn và càng không thể trông đợi vào sự may mắn dịch chuyển từ một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào. Cả ba thái cực đều đem lại hậu quả tệ hại, thậm chí khôn lường như nhau. Chúng ta phải tự tìm lấy lối đi, với những điều kiện cụ thể, theo lộ trình phù hợp, trong phạm vi cho phép và khả năng hiện hữu, ngõ hầu chúng ta tiếp tục đổi mới thành công. Đó là kinh nghiệm lịch sử quý báu và cũng là yêu cầu thách thức hiện nay.

Nhưng kinh nghiệm sẽ chỉ là kinh nghiệm, nếu thiếu tầm nhìn chiến lược. Nói cách khác, ở góc độ nào đó, có thể nói, nếu kinh nghiệm là lịch sử thì tầm nhìn chính là triết học. Và, lịch sử phát triển của thế giới càng cho thấy, nếu lịch sử thiếu triết học thì chỉ là lịch sử mù quáng, đến lượt nó, triết học thiếu lịch sử thì nguyên vẹn chỉ là thứ triết học trống rỗng. Vì vậy, tầm nhìn chính trị không thể không đặt trên kinh nghiệm lịch sử; và nếu muốn tiếp tục làm nên lịch sử nhịp bước cùng thời đại thì nhất định phải được dẫn dắt bởi tầm nhìn chính trị chiến lược. Nếu lịch sử định vị chúng ta là ai, ở đâu?… thì tầm nhìn chiến lược chính trị cho chúng ta lời đáp: chúng ta đi tới đâu? và đi như thế nào? Tầm nhìn chính trị lúc này là vị thế chính trị, lực lượng chính trị, cũng chính là sức mạnh quốc gia dân tộc Việt Nam, chứ không đơn thuần là kinh nghiệm. 

5 mệnh đề lớn nhất

Hơn 75 năm thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, khởi đầu và đi từ thể chế Dân chủ cộng hòa, nhất là trong gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử của mình và hội nhập quốc tế. Nhưng nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển mới giữa điều kiện toàn cầu hóa, trong rất nhiều vấn đề, nổi bật 5 mệnh đề lớn nhất trong công cuộc đổi mới hiện nay, không thể không tiếp tục trả lời. 

Một là Tự do. Đất nước độc lập, nhưng Nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, thì phát triển tự do luôn đang là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đang đầy khó khăn và cả chông gai, song chúng ta đang quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính!

Hai là Dân chủ. Hơn 75 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng dân chủ từ nghĩa nguyên khai “Demos Kratos” (chính quyền của Nhân dân) tới thực tiễn vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới chế độ chính trị chúng ta. Dân chủ là việc trước hết và là mục tiêu cuối cùng: Dân là gốc của nước!    

Ba là Pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính; và, rốt cuộc cũng không có pháp quyền nào cả, khi thiếu dân chủ và tự do chân chính. Đó là thách thức và chính là cơ hội đối với chúng ta. 

Bốn là Đạo đức. “Quốc pháp vô thân”, “quốc pháp thượng tôn”… Kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức không tương dung. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, dù dưới sự dẫn dắt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, vấn đề đạo đức vẫn đang trở thành vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân, không kém sự khắc nghiệt, thăng trầm của chính sự phát triển kinh tế... cần phải xây dựng và thực thi. Sự băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới băng hoại về chính trị. Quyền lực nhân dân, nếu giao cho những kẻ vô đạo đức, thì nguyên vẹn là sự tàn bạo. Đó là phản văn hóa! Vì, chính trị lúc này, hơn lúc nào hết, là thanh khiết từ to đến nhỏ; chính trị chính là đạo đức.   

Năm là Phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Tăng trưởng kinh tế, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục… là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới và xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới. Vấn đề thành bại nằm ở chỗ, phải tiên lượng, tính toán và hoạch định về chiến lược sao cho tương thích và khả thi.    

Thiếu những vấn đề cốt tử đó, chúng ta khó có thể có xây dựng tầm nhìn chính trị xa rộng và những quyết sách chính trị đúng đắn, hợp thời cuộc.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản