Nghệ thuật sơn mài Việt - truyền thống và sáng tạo

Bài 3: Chưa quan tâm đầu tư, nghiên cứu

- Thứ Tư, 17/03/2021, 07:12 - Chia sẻ
Sự độc đáo của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ đã làm rạng danh cho mỹ thuật Việt Nam. Nhưng trên thực tế, cho đến nay chúng ta dường như vẫn thiếu sự quan tâm đúng mức để nghiên cứu phát huy loại hình nghệ thuật này một cách khoa học, bền vững.

Chưa nghiên cứu chuyên sâu

Theo họa sĩ Uyên Huy, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, để phát triển sơn mài, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Cho tới nay, chưa ai, chưa nơi nào chính thức công bố rằng đã nghiên cứu để trích ly, loại bỏ được độc tố từ trong chất mủ cây sơn để giúp cho những ai tiếp cận, sử dụng chất liệu sơn mài an toàn, không bị dị ứng. Đặc biệt, chưa chế tạo được màu đóng tupe với các phụ gia giúp cho độ bền, độ trong, độ mau khô an toàn khi sử dụng chất liệu sơn ta. Việc nghiên cứu sơn mài, đánh giá, động viên nghệ sĩ và có cách đầu tư đúng mức để giữ gìn, phát huy nghệ thuật sơn mài cũng chưa được quan tâm.

	Cần có nghiên cứu chuyên sâu làm nền tảng phát triển nghệ thuật sơn mài Việt Nam Nguồn: ITN
Cần có nghiên cứu chuyên sâu làm nền tảng phát triển nghệ thuật sơn mài Việt Nam
Nguồn: ITN

Hiện nay, các nhà nghiên cứu về sơn ta, sơn mài của Việt Nam chưa nhiều và chưa sâu. Lĩnh vực nghiên cứu hiện nay chủ yếu ở mức độ liệt kê, chưa hệ thống, chưa có số liệu đầy đủ, cả về chiều sâu lẫn chiều rộng và nhìn chung còn kém chuyên nghiệp. Đến nay, dường như chưa có một tác phẩm nào nghiên cứu sâu về sơn ta của tác giả trong nước. Khái niệm sơn ta và sơn mài vẫn được dùng thiếu quy chuẩn, kể cả trong văn bản khoa học. Việc bảo tồn và phục chế sơn ta có nhiều thuận lợi, nhưng do điều kiện bảo quản, ý thức con người, nhiều đồ sơn bị hư hỏng nặng, khó tu sửa, phục chế, người có trình độ chuyên môn ít khiến cho công việc này trở nên khó khăn, di sản sơn mài ngày càng xuống cấp.

Về sáng tác, những người trong nghề cho biết, lực lượng họa sĩ sơn mài ở Việt Nam hiện nay khá đông, nhưng thiếu những tác giả có nền tảng căn bản. Số lượng họa sĩ lên tới vài trăm người trên cả nước, nhưng số người chuyên nghiệp, coi sơn ta là chất liệu chính và sử dụng hoàn toàn nhựa sơn ta trong sáng tác thì chỉ khoảng 20 - 30 người. Điều này về góc độ vĩ mô, nền nghệ thuật không lưu tâm đến cội nguồn căn bản sẽ mất phương hướng và dễ đánh mất mình.

Chúng ta cũng chưa thật sự quan tâm đầu tư cho loại hình nghệ thuật truyền thống này từ việc trồng, nuôi dưỡng, khai thác lấy mủ, lọc luyện, xuất khẩu mủ cây sơn ngay từ các làng nghề; chưa quan tâm, gắn với thực tế hoạt động của các làng nghề, giúp nghệ nhân hiểu rõ, tự hào về chất liệu tổng hợp truyền thống độc đáo của Việt Nam, qua đó mạnh dạn duy trì việc ứng dụng chất liệu sơn ta và quy trình kỹ thuật sơn ta trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Nhà nghiên cứu Phạm Trung nhận định, sơn ta với những đặc tính khắt khe về chế tác, cách thể hiện, vùng nguyên liệu hạn hẹp là những trở ngại cho việc phát triển có tính rộng lớn, khuếch trương hội họa sơn mài, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, đã đến lúc cần báo động về khả năng mất dần công nghệ, kỹ thuật đặc biệt truyền thống của các nghệ nhân, nguyên liệu bị pha tạp, sử dụng nhiều hóa chất tổng hợp “nhanh và rẻ” trong sáng tác.

Khó nhận biết sơn mài truyền thống

Theo họa sĩ Phạm Chính Trung, chất liệu sơn mài có nhiều điểm hấp dẫn và tạo nên sự thích thú, hứng khởi trong quá trình sáng tác, nhưng nó không dễ sử dụng. Vật tư dùng cho chất liệu này có giá thành cao, nguồn sơn Phú Thọ ngày càng khan hiếm, nguồn son cũng khó khăn vì những người biết chế tác son không còn nhiều và khi vẽ xong một lớp lại phải ủ ẩm để sơn khô, nên gần đây nhiều họa sĩ đã sử dụng các chất liệu mới như sơn của Nhật Bản, sơn công nghiệp và các vật liệu khác để vẽ tranh và đều gọi tranh đó là tranh sơn mài. Họ cũng vẽ nhiều lớp và mài nhưng ở những bức tranh này không nhìn thấy độ trong - sâu - sự ẩn hiện của nhiều lớp vẽ. Điều này đã làm cho người yêu nghệ thuật sơn mài trong nước và nước ngoài khó nhận biết thế nào là sơn mài truyền thống và không truyền thống.

Bên cạnh đó, sự thay đổi về quan niệm và hình thức nghệ thuật đã dẫn đến việc tìm kiếm cách xử lý kỹ thuật và chất liệu mới ứng dụng trong sơn mài. Nhưng quá trình mày mò pha trộn màu, phụ gia, chất liệu một cách tùy tiện, chủ quan, thiếu tổng kết hệ thống, nên sau mấy chục năm phát triển, hội họa sơn mài hiện đại cũng bộc lộ sự không bền vững, xuất hiện tình trạng tác phẩm xỉn màu, rạn nứt, bong tróc và hư hỏng cốt vóc...

Để nghệ thuật sơn mài không bị “biến tấu”, giúp người yêu thích tranh Việt Nam và quốc tế dễ dàng phân biệt được giá trị của những bức tranh sơn mài vẽ theo lối truyền thống, đã đến lúc cần xây dựng những tiêu chuẩn cụ thể cho từng công đoạn và đăng ký thương hiệu cho sơn mài truyền thống Việt Nam và giữ cho chất liệu này là riêng có của hội họa Việt Nam. 

Hiện nay, người vẽ theo lối sơn mài truyền thống còn rất ít; các trường có ngành đào tạo này cũng không nhiều sinh viên đăng ký học do học ra không xin được việc làm, vật tư đắt đỏ... Do vậy, một việc không kém quan trọng là đầu tư đào tạo thế hệ tương lai, những người có kỹ thuật làm vóc giỏi, thế hệ họa sĩ sơn mài truyền thống có năng lực hội họa, đam mê, am hiểu sơn ta và giỏi kỹ thuật thể hiện.

Ngọc Phương