Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

Bài 3: Bảo đảm công bằng, công minh và khách quan

- Thứ Bảy, 06/02/2021, 08:36 - Chia sẻ

TS Bùi Ngọc Thanh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Cùng với việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xác định cơ cấu, thành phần người ứng cử thì khâu tiếp theo là xây dựng các tổ chức làm công tác bầu cử ở địa phương, phân bổ người ứng cử về các địa phương và phân chia người ứng cử vào các đơn vị bầu cử. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hai khâu này sẽ góp phần quan trọng bảo đảm sự công bằng, công minh, khách quan của cuộc bầu cử.

Về lãnh đạo xây dựng các tổ chức làm công tác bầu cử ở địa phương

Theo Luật Bầu cử thì các tổ chức làm công tác bầu cử ở địa phương gồm:

Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, có từ 21 - 31 thành viên; Ủy ban bầu cử cấp huyện, có từ 11 - 15 thành viên; Ủy ban bầu cử cấp xã, có từ 9 - 11 thành viên (gọi chung là Ủy ban bầu cử).

Ban bầu cử ĐBQH, có từ 9 - 15 thành viên;  Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, có từ 11 - 13 thành viên; Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, có từ 9 - 11 thành viên; Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có từ 7 - 9 thành viên (gọi chung là Ban bầu cử).

Tổ bầu cử: Mỗi khu vực bỏ phiếu có một Tổ bầu cử, có từ 11 - 21 thành viên.

Số lượng các tổ chức bầu cử ở địa phương là rất lớn, các thành viên trong các tổ chức đó càng vô cùng lớn. Riêng các tổ chức cuộc bầu cử năm 2016 bao gồm: 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, 712 Ủy ban bầu cử cấp huyện, 11.162 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 1.096 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 6.721 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 79.988 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 90.800 Tổ bầu cử. Việc lãnh đạo các tổ chức làm công tác bầu cử ở địa phương phải chú ý ít nhất đối với hai vấn đề:

Một là, phải bảo đảm các thành phần đúng như yêu cầu luật định, nhân sự (các thành viên) của các tổ chức phải bảo đảm yếu tố chính trị cao và có nghiệp vụ hoặc đã từng làm tốt công tác bầu cử các khóa trước, đặc biệt là ở cấp xã, cấp huyện. Kinh nghiệm cho thấy hai cuộc bầu cử vừa qua có một vài sai sót đều chủ yếu xảy ra ở huyện hoặc xã. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chung nhất là do thiếu tinh thần trách nhiệm cộng với trình độ năng lực yếu kém. Bởi vậy việc lựa chọn nhân sự, tăng cường quản lý và lãnh đạo tư tưởng chặt chẽ là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Hai là, sự lãnh đạo của các tổ chức bầu cử ở cấp huyện, cấp xã, nhất là ở các Ban, các Tổ bầu cử, đảng viên vừa có vai trò lãnh đạo, vừa có trọng trách tác nghiệp nghiệp vụ cụ thể trong bầu cử, do đó tuyệt đối không bao giờ được xem nhẹ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể. Cần nói thêm là, những thiếu sót, sơ xuất như in sai phiếu bầu, viết sai họ, tên người ứng cử, phát thừa phiếu bầu... mà kiểm tra, giám sát không phát hiện ra sẽ dẫn đến hậu quả tai hại, phải tiêu hao lớn công sức, thời gian, tiền của để tổ chức bầu cử lại.

Về lãnh đạo việc phân bổ người ứng cử về các địa phương và phân chia người ứng cử vào các đơn vị bầu cử

Về giới thiệu người ứng cử về các địa phương: Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh về các huyện, quận, thị xã, trong lãnh đạo phải chú ý cả hai mặt là đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và sự tương thích ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của người được giới thiệu ứng cử. Các cuộc bầu cử trước có người được Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không trúng cử; ở HĐND cấp tỉnh cũng có một số nơi có tình trạng tương tự. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân là do lĩnh vực hoạt động của người ứng cử không thích hợp với địa phương nơi ứng cử. Có cử tri đồng bằng sông Cửu Long từng phát biểu: Ai giúp bà con chúng tôi tiêu thụ hết lúa gạo, cá tôm, nông sản với giá phải chăng thì chúng tôi giơ cả hai tay bầu ngay; còn lúc này, thơ phú, tuồng chèo, khảo cổ... chúng tôi chưa cần. Đây cũng là một kinh nghiệm trong lãnh đạo và trong tham mưu phân bổ người ứng cử theo địa bàn. Mặt khác cũng phải khắc phục tình trạng, một số địa phương luôn luôn muốn chọn những người ứng cử có chức sắc càng cao càng tốt, những người ứng cử là thành viên Chính phủ, những người đứng đầu ngành, lĩnh vực.

Về phân chia (sắp xếp) người ứng cử vào đơn vị bầu cử: Luật Bầu cử chưa quy định cụ thể, chi tiết việc phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử nên có hai chi tiết đáng quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Một là, có một số địa phương lo ngại trách nhiệm để người ứng cử có chức sắc cao của địa phương hoặc do Trung ương giới thiệu mà bị “trượt” nên đã bố trí những người ứng cử khác trong danh sách bầu có trình độ và vị thế cách biệt, thấp xa. Họ “biện lý” rằng, tất cả đều đủ tiêu chuẩn nên cử tri tín nhiệm ai thì bầu! Thực ra đây là một ví dụ điển hình của tình trạng mà dân gian gọi là “quân xanh, quân đỏ". Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải cố gắng khắc phục tối đa tình hình này.

Hai là, thực tiễn cho thấy, cũng là người ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND nhưng sắp xếp vào đơn vị bầu cử này thì có thể không trúng cử, nhưng sắp xếp vào đơn vị bầu cử khác thì có thể đắc cử. Điều này đòi hỏi khi phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử phải hết sức công bằng, công minh, khách quan, trung thực, mà mục đích đạt đến là bảo đảm được các cơ cấu định hướng ở mức tốt nhất... Muốn vậy thì cần chỉ đạo nghiên cứu định ra những tiêu chí cần thiết làm căn cứ cho việc phân chia, sắp xếp. Các tiêu chí đó có thể là: Có trình độ tương đương, có vị thế (chức danh) tương đương, có nam có nữ, khác đơn vị công tác... Như vậy việc trúng cử hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động và khả năng vận động bầu cử của người ứng cử...

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình bầu cử là một tất yếu nhằm lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng nhất, có đầy đủ các tiêu chuẩn theo luật định, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có năng lực và có điều kiện thực thi nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đồng thời bảo đảm được các cơ cấu đúng đắn, hợp lý nhất. Đó là căn cứ, là cơ sở pháp lý để hình thành các cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới với chất lượng cao, tiền đề của hoạt động hiệu lực và hiệu quả.