Tăng cường sự tham gia, nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu

Bài 2: Vẫn còn những rào cản, thách thức

- Thứ Ba, 19/10/2021, 05:54 - Chia sẻ
Cùng với tỷ lệ nữ đại biểu tham gia các cơ quan quyền lực ngày càng tăng, vai trò, vị trí của phụ nữ trong Quốc hội, HĐND các cấp cũng đã được khẳng định và có những đóng góp to lớn thúc đẩy bình đẳng giới thực chất. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử chưa đạt chỉ tiêu đề ra; việc phát huy vai trò của nữ đại biểu vẫn còn những rào cản, thách thức.

Ngày càng khẳng định vai trò, vị trí

Những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được cơ quan các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo; chất lượng, số lượng đội ngũ từng bước được nâng lên. Nhiều chương trình hành động tại các địa phương được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị. Trong đó, có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác phụ nữ đến năm 2020; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, Quốc hội và HĐND các cấp nói riêng.

Theo đó, tỷ lệ nữ đại biểu tham gia các cơ quan dân cử không ngừng được tăng lên. Ở nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên, Khóa I (1946 - 1960), chỉ có 10 nữ ĐBQH. Từ các khóa sau, tỷ lệ này đã tăng lên rõ rệt. Đến Khóa XIV, đại biểu nữ chiếm 26,72%, tăng so với hai khóa trước đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Khóa XV này, tỷ lệ ĐBQH nữ tiếp tục được tăng lên với con số 30,26%, cao nhất từ Quốc hội Khóa VI trở lại đây. Với kết quả này, Việt Nam được nâng lên đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong hội đồng liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ ĐBQH.

Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp cũng không ngừng được tăng lên. Cụ thể, nhiệm kỳ 2005 - 2009 (kéo dài đến 2011): Cấp tỉnh có 23,9%; cấp huyện có 23%; cấp xã có 19,5%. Nhiệm kỳ 2011 - 2016: Cấp tỉnh có 25,17%; cấp huyện có 24,62%; cấp xã có 21,71%. Nhiệm kỳ 2016 - 2021: Cấp tỉnh có 26,46%; cấp huyện có 27,51%; cấp xã có 26,70%. Nhiệm kỳ 2021 - 2026 này, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29%; HĐND cấp huyện là 29,2%; HĐND cấp xã là 28,98%.

Cùng với tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan quyền lực ngày càng tăng, vai trò, vị trí của phụ nữ trong Quốc hội, HĐND các cấp cũng đã được khẳng định và có những đóng góp to lớn qua từng nhiệm kỳ. Các nữ đại biểu dân cử ngày càng tham gia tích cực và có hiệu quả hơn trong các hoạt động của cơ quan dân cử, trình độ, bản lĩnh chính trị ngày càng được nâng lên; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, “nói cho cử tri nghe” và “lắng nghe cử tri nói”; đề xuất nhiều giải pháp quan trọng đối với sự phát triển, trong đó có nhiều chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Nhiều đại biểu nữ với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri đã trực tiếp chất vấn Chủ tịch và các thành viên của UBND các cấp về những hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ đối với những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Duy Linh

Khoảng cách giới vẫn còn khá lớn

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng trên thực tế khoảng cách giới nhìn chung vẫn còn khá lớn. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% ĐBQH và HĐND là nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ đại biểu dân cử chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ ĐBQH chiếm 26,72% tổng số ĐBQH. Ngay ở các cấp thấp hơn, tỷ lệ nữ tham gia cũng cách chỉ tiêu khá xa. Cụ thể, tỷ lệ nữ trong số những người được bầu cử HĐND tại cấp tỉnh là 26,46%; cấp huyện là 27,51%; cấp xã là 26,70%. Mặc dù tỷ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng so với mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Đến cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ nữ ĐBQH mặc dù tiếp tục được tăng lên nhưng mới chỉ đạt 30,26%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tiếp tục tăng nhưng cũng chỉ đạt gần 30%.

Cùng với đó, việc phát huy vai trò của nữ giới trong lĩnh vực chính trị nói chung, trong các cơ quan dân cử nói riêng vẫn còn gặp nhiều rào cản, thách thức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó rõ rệt nhất là định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội. Vẫn còn một số quan niệm cho rằng nam giới độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và ra quyết định tốt hơn, khả năng thu thập thông tin, phân tích xử lý, chất vấn và trả lời chất vấn, chịu áp lực tốt hơn nữ giới trong vai trò đại biểu dân cử. Trong khi phụ nữ thường gắn với việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, gia đình, ít có thời gian cho công việc và khả năng xử lý tình huống công việc kém hơn nam giới…

Về mặt chủ quan, yếu tố tác động đến số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu dân cử từ chính bản thân của người phụ nữ. Một số chị em đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu nhưng vẫn còn tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn, tự tin. Một số nữ đại biểu khi đã được cử tri tín nhiệm nhưng chưa thực sự nỗ lực vượt qua bản thân, còn ít nghiên cứu, học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để hoàn thành tốt vai trò đại diện của mình.

NGUYỄN NHẬT