Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết số 20-NQ/TW: Thực tiễn và hành động

Bài 2: Y tế cơ sở và những thách thức

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 06:41 - Chia sẻ
Không thể phủ nhận những đóng góp của mạng lưới y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến xã, phường trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đại dịch Covid-19, mạng lưới y tế cơ sở đã phát huy vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên cũng bộc lộ không ít bất cập của hệ thống y tế cơ sở từ nhân lực đến trang thiết bị...
Nhiều trạm y tế xã, phường chưa thể đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh

Những thách thức

Với chức năng, nhiệm vụ được đặt ra, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến đầu, làm nhiệm vụ "gác cổng", nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, khi dịch bệnh, là tuyến gần dân nhất có nhiệm vụ quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, từ những đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, hệ thống y tế cơ sở còn nhiều điểm yếu.

Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, mặc dù thời gian qua, nhiều trạm y tế xã, phương đã được đầu tư xây mới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật đến Trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã trong điều trị còn nhiều yếu kém về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, trạm y tế xã, phường, thị trấn trở nên quá tải do lực lượng nhân viên y tế mỏng, năng lực chuyên môn nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khảo sát gần đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hồ Chí Minh về tình hình hoạt động y tế cơ sở trên địa bàn cũng cho thấy, toàn TP có 317/319 Trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở - chiếm tỷ lệ 99,4%, song tất cả quận huyện và TP. Thủ Đức đều có nhu cầu sửa chữa, cải tạo hàng trăm Trạm y tế cùng xây mới hàng chục Trạm y tế. Đó là chưa kể nguồn nhân lực đội ngũ y bác sĩ tại hầu hết các Trạm y tế tuyến phường, xã ở đây còn mỏng, chưa đủ năng lực đáp ứng tình hình dịch bệnh trong tình hình mới. Đơn cử tại phường 5, quận 5, trạm y tế phường hiện nay vẫn còn thiếu bác sĩ. Đợt dịch vừa qua, đội ngũ nhân viên y tế của phường đều căng mình làm rất nhiều công việc, từ đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccince đến chăm sóc người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà, song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cần được thăm khám, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn… 

Tương tự tại trạm y tế phường Tân Phong, TP Biên Hòa, Đồng Nai, mặc dù trong những năm gần đây trạm y tế phường đã được Nhà nước quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất lẫn nhân lực, song khi trên địa bàn xảy ra bùng phát dịch Covid-19 thì gần như năng lực cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực của trạm không thể đáp ứng. Kể từ đầu đợt dịch lần thứ tư đến nay, phường ghi nhận gần 1.000 ca F0, công việc khoanh vùng, truy vết, khám chữa bệnh của 6 cán bộ y bác sĩ của trạm đã gần như "kiệt sức", không thể kham nổi, có thời điểm không thể nắm nổi các ca bệnh F0. 

Hay, tại Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 425 trạm y tế, song trong số này đã có nhiều trạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân địa phương, bình thường họ đã rất ngại đến trạm bởi điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị khám chữa bệnh còn nghèo nàn, đã vậy nỗi lo luôn rình rập đối với người đến khám khi những mảng vôi vữa trên tường của trạm y tế đã bong tróc. Nhiều người dân nơi đây bày tỏ, nếu không sớm có phương án sửa sữa nâng cấp và bổ sung trang thiết bị, thêm nguồn nhân lực có trình độ cho trạm thì rất khó thu hút người dân đến khám chữa bệnh.

Trong thời gian qua mặc dù việc bố trí cán bộ y tế địa phương đã được nhà nước, ngành y tế quan tâm, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Riêng TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố bố trí cán bộ y tế địa phương ở mức 2,3 biên chế/ 10.000 dân, thấp hơn trung bình cả nước là 7,4 biên chế và Hà Nội là 6,1 biên chế.

Cần đầu tư nhiều hơn nữa

Là một trong nhiều trạm y tế tuyến cơ sở được UBND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội quan tâm, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây trạm với đầy đủ các phòng chức năng, thiết bị y tế  cũng như nguồn nhân lực y bác sĩ bảo đảm đáp ứng yêu cầu chuyên môn khám chữa bệnh để bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, Trạm y tế xã Tân Hội vẫn không tránh khỏi những khó khăn chung mà hầu hết các trạm y tế tuyến xã, phường đang gặp phải. Đó là, một số thiết bị còn thiếu; một số thiết bị được trang bị đã lâu, cần được sửa chữa hoặc thay mới; đội ngũ y bác sĩ còn thiếu, chưa đủ đáp ứng nhu cầu khi số người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại trạm lên đến 4.000 - 5.000 người.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên tại các trạm y tế tuyến cơ sở nói chung là do chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền, ngành chức năng, ngân sách dành cho đầu tư cho y tế tuyến cơ sở còn hạn hẹp.  

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nội dung này tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thẳng thắn: Thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới... y tế cơ sở, y tế dự phòng đã nhận được quan tâm trong thời gian qua nhưng mạng lưới này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do đầu tư cho y tế dự phòng hiện nay còn rất hạn chế, rất ít dự án đầu tư công cho y tế dự phòng.  “Theo Nghị quyết số 18 năm 2013 của Quốc hội, chúng ta phải dành tối thiểu 30% ngân sách của nhà nước cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, thực tế có những địa phương quan tâm dành ngân sách cho y tế dự phòng khá lớn, có địa phương dành nguồn ngân sách rất thấp, chỉ từ 7 - 24% không đáp ứng được theo Nghị quyết số 18 của Quốc hội”.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng đây là một trong những lý do khiến y tế cơ sở chưa thể tròn vai trong việc đảm nhiệm "người gác cổng" chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới?

Bảo Hân