Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:<br/> Sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi", vì một Việt Nam hùng cường

Bài 2: Tiếp tục khơi dậy ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 04:30 - Chia sẻ
Trong gần 36 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử và hội nhập quốc tế. Nhưng nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, giữa điều kiện toàn cầu hóa, trong rất nhiều vấn đề, nổi bật 6 mệnh đề lớn nhất trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tự do - Dân chủ - Pháp quyền - Đạo đức - Văn minh - Phát triển

Trước hết, là mệnh đề Tự do. Đất nước độc lập, nhưng Nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là công việc khó khăn, thì phát triển tự do đang là chân trời lớn nhưng tất yếu, đầy khó khăn và cả chông gai mà chúng ta đang quyết đi tới, nhằm bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính!

Hai là, Dân chủ. Hơn 76 năm qua, mệnh đề đó là mục tiêu của thể chế Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ dân chủ  nghĩa nguyên khai “Democracy” (dân chủ), "Democaratot" (chính quyền của Nhân dân) tới thực tiễn vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới chế độ chính trị của chúng ta. Dân chủ là việc trước hết và là mục tiêu cuối cùng: Dân là gốc của nước!   

Ba là, Pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất của Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính. Đó là thách thức và chính là cơ hội đối với chúng ta.

Bốn là, Đạo đức. Kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên nền tảng đạo đức không tương dung. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, dù dưới sự dẫn dắt của Nhà nước XHCN, đạo đức vẫn đang trở thành vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay, cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân, không kém sự khắc nghiệt, thăng trầm của chính sự phát triển kinh tế... cần xây dựng và thực thi. Vì vậy, chính trị lúc này, hơn lúc nào hết, là thanh khiết từ to đến nhỏ, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng chính là Quốc sỉ quốc gia và liêm sỉ mỗi người. 

Năm là, Văn minh. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và số hóa… đã và đang làm đảo lộn phương thức và trật tự phát triển thông thường. Nó cũng quyết định vận mệnh hay số phận của mỗi quốc gia và mối quan hệ không bình thường giữa các quốc gia, dân tộc trên quy mô toàn cầu. Đó là thời cơ, đồng thời là thách thức đối với chúng ta trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế: hoặc bây giờ phát triển hoặc đợi sau nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ XXI? Phải lựa chọn cho mình phương thức phát triển riêng trên nền tảng văn hóa hiện đại và bản sắc là con đường ngắn nhất tiếp biến, nắm lấy văn minh nhân loại trên các phương diện, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập, thật sự có ý nghĩa quyết định thành bại.

Sáu là, Phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Tăng trưởng kinh tế, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục… là những phẩm chất cần hướng tới và xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới. Vấn đề thành bại nằm ở chỗ, phải tiên lượng, tính toán, hoạch định về chiến lược thật sự tương thích và khả thi.   

Thiếu những vấn đề cốt tử đó, chúng ta khó có thể xây dựng tầm nhìn chính trị xa rộng, những quyết sách chính trị đúng đắn và hợp thời cuộc, càng khó xử lý một cách khoa học, thực tiễn mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng…, và ngược lại, một cách đồng bộ, thống nhất, thực sự mang tầm văn hóa chiến lược.

Do đó, hiện nay, hơn bao giờ hết, Dân chủ - Pháp quyền - Văn minh - Nhân văn - Hiện đại - và Phát triển phải trở thành giá trị phát triển quốc gia một cách thống nhất và hài hòa, trong sự phát triển của thế giới!

Quốc khí Việt Nam: Tư tưởng phát triển dân tộc

Tự lực, tự cường là phẩm giá cao quý mà người Việt Nam có đạo đức, có lòng tự trọng phải có. Nên hơn bao giờ hết, mỗi người cần “có chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Tự chủ của đất nước là bảo đảm tự do cho mỗi người trước mọi bạo lực, cường quyền, trước mọi sự áp chế hà khắc, là bảo đảm để dân tộc tự do và ngày càng tự chủ trước mọi sức ép từ bên trong, hóa giải mọi hiểm họa xâm lăng từ bên ngoài.

Và, để có tự do chân chính cho mỗi người và cả dân tộc không thể không giữ vững và phát triển pháp quyền. Vì tự do của mỗi người và toàn thể dân tộc là tất yếu về pháp quyền được nhận thức và thực thi phù hợp với đất nước, tương dung với thông lệ và pháp lý quốc tế. Không thể chấp nhận thứ tự do vô hạn độ của bất cứ ai, của bất kỳ lực lượng nào đứng ngoài, đứng cạnh, đứng trên pháp luật cũng như không thể dung thứ thứ pháp luật nào ngăn cản tự chủ, bóp nghẹt tự do. Và, càng không thể dung thứ bất cứ quốc gia, dân tộc nào, với bất cứ lý do gì, chèn ép, xâm phạm quyền tự chủ, tự quyết, nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, tức là chà đạp lên đạo lý và pháp lý quốc tế. Đó là khí phách của dân tộc. Tất cả phải nhằm giữ vững nền độc lập của đất nước, bảo đảm hạnh phúc của Nhân dân. Đó là mục tiêu phát triển nhân văn của chúng ta!

Vì, nếu không bảo đảm phát triển tự do chắc chắn sẽ không có bất kỳ sự tự chủ, càng không có bất cứ một sự tự quyết nào xứng đáng với độc lập! Do đó, càng thực thi công cuộc đổi mới, khi “mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do” thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn.

Nếu Cách mạng tháng Tám thành công “mang sức ta mà giải phóng cho ta” và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi với phương châm là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”…  thì hạnh phúc của Nhân dân và phát triển đất nước một cách bền vững là đích đến của độc lập và tự do trên nền tảng tư tưởng tự chủ, tự quyết, tự lập, tự cường. Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay và tương lai, ngay từ bây giờ, nền văn hóa của chúng ta tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Không có con đường nào phát triển đất nước tối ưu hơn, rằng dân tộc chúng ta phải tự mình ngày càng trở nên hùng cường, trong thế giới hiện nay. Vì thế, hiện nay, hơn bất cứ khi nào, Quốc gia tự tôn - Mỗi người tự trọng - Dân tộc tự cường - Tổ quốc phồn vinh phải trở thành tư tưởng quán xuyến và chủ đạo phát triển dân tộc và dân tộc phát triển!    

Đó là hoài bão lớn lao phải được xây nên từ trí tuệ, lương tâm, liêm sỉ, trách nhiệm và bản lĩnh của mỗi người Việt Nam, của gần 100 triệu đồng bào ta. 

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản