Phát triển Việt Nam: Tầm nhìn, đổi mới và khát vọng năm 2030 - 2045

Bài 2: Thương hiệu quốc gia - thước đo và đẳng cấp của đổi mới, ổn định

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:14 - Chia sẻ
Loại vấn đề rường cột thứ hai mà nhất định chúng ta phải nắm lấy, đó là đổi mới, sáng tạo, phát triển độc lập, mạnh mẽ, bền vững với khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia hùng cường.

Một cách tự nhiên, nếu xem cốt lõi của chính trị là lợi ích và quan hệ chính trị dù vi mô (cá nhân với cá nhân; cá nhân với tổ chức, đảng phái….) hay vĩ mô (giai cấp, tầng lớp với nhau; các tổ chức chính trị với nhau; quốc gia, dân tộc với nhau; quốc gia với quốc tế…) là xoay chung quanh vấn đề lợi ích, thì đâu là cái bất biến, cái khả biến của công việc đổi mới toàn diện, đồng bộ cần phải làm?

Do vậy, dù muốn hay không, càng tiếp tục đổi mới thực chất là trở lại nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của đất nước một cách tổng thể, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích và chung quanh lợi ích một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, giai tầng… tới quốc gia, dân tộc và với các nước trên tầm quốc tế mang tính thống nhất chỉnh thể và đa dạng.  

Trước hết, tiếp tục đổi mới tư duy chính trị

Trải mấy nghìn năm, ông cha ta, dẫu cho sinh tử, bao giờ cũng quyết lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu tối thượng trong mọi hành xử của mình, trước bất cứ ai, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Lịch sử từng cho thấy, ai coi nhẹ, vương triều nào làm trái đi là tự rước lấy họa sát thân, rơi vào vòng tôi tớ, thậm chí rơi vào vòng nô lệ và tất bị diệt vong.

Trong thời đại ngày nay, giữa không gian toàn cầu hóa, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi đồng bào, tự nhiên như trời đất, như máu thịt. Giang sơn, xã tắc mà ông cha ta truyền lại, dù tấm thân còn mất, đồng bào ta quyết không để mất một tấc núi sông. Vị thế dân tộc Việt Nam ta nối đời gây dựng, dù “tát cạn Biển Đông” thì Trường Sa, Hoàng Sa mãi là máu thịt của ta, dù thiêu cháy dãy Trường Sơn thì quyết không để mất độc lập, tự do, dù hơn 96 triệu đồng bào nước Việt Nam ta phải hiến tới giọt máu cuối cùng… thì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng không thể để bị chà đạp, không thể bị xâm chiếm. Không còn độc lập, tự do, thì quốc gia - dân tộc Việt Nam ta sẽ không còn gì cả, và mỗi người Việt Nam ta sẽ không có gì cả, trở nên vô nghĩa, ngay cả tên gọi của chính mình! Mất đất, dù chỉ một hòn đảo, một tấc núi sông… là hàm chứa nguy cơ có ngày mất nước, không thể coi thường. Một dân tộc đã đi qua hàng trăm cuộc chiến tranh chống xâm lăng, ở mọi quy mô, đến từ các châu lục…, thì điều tối thiểu đó đã đủ nói lên cái giá máu xương của nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà dân tộc ta giành giữ và cảnh giới bảo vệ kiên quyết, không nhượng bộ nhưng quyền biến, mưu lược như thế nào! 

Nói cách khác, đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn các quy luật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, của quốc gia dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại. Rằng, lợi ích chính trị của đất nước Việt Nam phải là hạt nhân mà mọi sự đổi mới, dù ở phương diện nào, góc độ nào, mức độ tới đâu… đều xoay chung quanh nó, chứ tuyệt đối không phải ngược lại, càng không phải là một thứ gì khác. Bài học lớn từ 35 năm đổi mới cho thấy, đổi mới tư duy là nhân tố mở đường và quyết định cho những thay đổi căn bản và phát triển mạnh kinh tế - xã hội. Cái quyết định nhất, có tính tiên quyết nhất, vẫn là bản lĩnh! Ở đó không chỉ thể hiện lòng dũng cảm, bản lĩnh mà kết tinh cốt cách, khí phách Việt Nam. 

Vì nền độc lập tự do và lợi ích vô giá của dân tộc, trong cuộc hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, thời cơ phát triển rất nhiều nhưng nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cũng càng không ít, chúng ta càng quyết không ảo tưởng trước những mỹ ngôn hào nhoáng của bất cứ ai; không thể lóa mắt trước những lợi ích nhất thời, nhỏ hẹp vô hình xâm hại quốc gia mà bất cứ ai hứa hẹn; càng không thể cả tin vào những mỹ từ trừu tượng, chung chung nào đó mà coi nhẹ bổn phận của mình, sao nhãng lợi ích của quốc gia dân tộc, của nhân dân! Đó là thước đo bản lĩnh cầm quyền.

Quốc gia độc lập tự do, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, đó là điều linh thiêng bất biến, là linh hồn và danh dự hiện thực Việt Nam trong định vị chính trị chiến lược đất nước hiện nay.

Thứ hai, trên phương diện tổ chức thực tiễn

Chưa bao giờ như bây giờ, từ lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá! Làm trái đi là vong thân, là hại quốc, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của đồng bào! Chúng ta quyết bảo vệ đất nước độc lập tự do, nền hòa bình của Tổ quốc trước hết bằng phương pháp hòa bình, với phương châm “không gây thù oán với một ai”, vì một khu vực thống nhất, một thế giới hòa bình, văn minh và thịnh vượng. Nhưng, khi cần, chúng ta sẽ hành động với tất cả những gì có thể làm của cả dân tộc đại đoàn kết và sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế, trên nền tảng pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế. Không có độc lập tự do chúng ta không có bất cứ một nền chính trị nào, càng không thể nói về đổi mới hay bất cứ một sự phát triển xứng đáng nào.       

Đó là cái bất biến chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới toàn diện, đồng bộ, vì chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Theo đó, một cách tự nhiên, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, không gì khác ngoài mục tiêu vì sự phát triển độc lập, mạnh mẽ và bền vững của đất nước. Đó là cương lĩnh hành động, là thước đo hiệu quả của công cuộc đổi mới: Đổi mới để phát triển và phát triển nhằm kiến tạo thương hiệu quốc gia là thước đo của đổi mới và ổn định. Nói cách khác, không thể có bất cứ ổn định chắc chắn nào, nếu không vì sự phát triển; và, đến lượt nó, phát triển là đẳng cấp của ổn định! Vì vậy, hiện nay, phải lấy sự phát triển đất nước làm mục tiêu và động lực của sự ổn định cao hơn và bền vững; và đến lượt nó, sự ổn định làm nền móng và động lực của sự phát triển mạnh mẽ không ngừng và bền vững. Đó là đẳng cấp mới về “đổi mới, ổn định và phát triển”, là nhân tố làm nên hệ giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam hùng cường.  

Đồng thời, phải chủ động đón bắt thời cơ phát triển. Hơn bao giờ hết, hiện nay, thời cơ chính là lực lượng. Phải nhất định chủ động nắm lấy một cách kiên quyết và hiệu quả cuộc cách mạng 4.0 để thực hiện công cuộc đổi mới, bứt phá tới phồn vinh cho Tổ quốc. Hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ, trong tầm nhìn trăm năm tới! 

Đó không chỉ là tầm nhìn chiến lược mà là trí tuệ, là bản lĩnh và khát vọng Việt Nam thế kỷ XXI.

TS Nhị Lê -  Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản