Sửa đổi Luật Điện ảnh - Kỳ vọng của người làm nghề

Bài 2: Theo thông lệ quốc tế

- Thứ Tư, 27/10/2021, 05:40 - Chia sẻ
Công nghệ phát triển và toàn cầu hóa mạnh mẽ, hoạt động điện ảnh không chỉ diễn ra trong biên giới mỗi quốc gia, mà mở rộng toàn thế giới. Bởi vậy, cần có các chính sách, quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho điện ảnh Việt phát triển và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn tới.
Cần có Quỹ hỗ trợ để khuyến khích tài năng điện ảnh - Cảnh quay trong phim "Memento Mori: Đất" của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ
Nguồn: Hanoimoi.com.vn

Tạo điểm tựa cho phim Việt

Giao lưu văn hóa rộng rãi giữa các quốc gia và kết nối internet, giờ đây khán giả Việt Nam có thể tiếp cận các phim từ Á sang Âu, Mỹ, từ sản phẩm bom tấn tới phim kinh phí thấp, đa dạng thể loại. Ngoài cạnh tranh trực tiếp với phim ngoại trên sân nhà, chinh phục khán giả trong nước, điện ảnh Việt Nam muốn phát triển còn phải hướng tới đưa tác phẩm ra thế giới thông qua hệ thống phát hành, liên hoan phim, chợ phim quốc tế. Hơn lúc nào hết, hội nhập trở thành nhu cầu và cũng là sức ép với loại hình nghệ thuật này.

Tuy nhiên, mỗi năm các hãng phim nội địa sản xuất hơn 40 phim, trong đó chỉ số ít có doanh thu cao, ra được phòng vé nước ngoài vô cùng hiếm, còn đa phần thất bại, không thu hút được khán giả, nhà sản xuất không thu hồi được vốn. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh nhận định: “Nội dung, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật của phim Việt Nam có sự cách biệt rõ rệt so với phim của các nước có nền điện ảnh phát triển. Nhiều phim Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và thu hút sự quan tâm của khán giả, chưa phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, phải có quỹ để hỗ trợ các nghệ sĩ nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật của tác phẩm điện ảnh và phát hiện, khuyến khích tài năng điện ảnh trẻ”. Hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng của nghệ thuật điện ảnh, nhiều nước thành lập quỹ hỗ trợ hoặc các tổ chức tài trợ, tạo điều kiện cho nghệ sĩ chủ động về tài chính trong sáng tạo, phổ biến tác phẩm điện ảnh, hạn chế và chia sẻ khó khăn trong đầu tư, sáng tác.

Bên cạnh đó, việc thẩm định và phân loại phim cũng cần đổi mới khi thực tế có nhiều thay đổi. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn: “Ngành sản xuất phim cực kỳ rủi ro khi đầu tư hàng chục tỷ đồng, nếu phim không chiếu được thì thiệt hại kinh tế lớn, thậm chí nhà làm phim phá sản. Vì vậy, cần quy định rõ ràng về những điều bị cấm, điều kiện được cấp phép, thủ tục, để họ an tâm bỏ vốn làm phim”.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, điều cấm "tiết lộ bí mật đời tư cá nhân" ảnh hưởng lớn đến dòng phim tiểu sử dựa trên nhân vật có thật. "Tôi làm phim tiểu sử có nhiều nhân vật có thật, chẳng lẽ phải đi xin phép tất cả những người xuất hiện trong phim? Ở các quốc gia, giới làm phim có quyền làm phim về nhân vật có thật, miễn không vi phạm sở hữu trí tuệ. Nếu ai đó muốn kiện thì kiện theo luật khác chứ không phải Luật Điện ảnh”.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, những điều cấm chỉ dành cho giá trị mang tính tuyệt đối, như xâm phạm quốc kỳ, chủ quyền quốc gia... Những điều mang giá trị tương đối (không phải lúc nào cũng có thể áp dụng, tùy theo trường hợp) sẽ được xem xét theo dạng bộ tiêu chí, có thể thay đổi theo từng thời kỳ.

Việc thẩm định và phân loại phim cũng cần cởi mở hơn, khuyến khích và tôn trọng sáng tạo, góc nhìn cá nhân đạo diễn, đặc biệt với phim nghệ thuật được làm hướng tới các liên hoan phim quốc tế. Có thể nói, nếu phim Việt thiếu sự mới mẻ về nội dung và cách thể hiện, xa rời đời sống, ít sự tìm tòi về nghệ thuật, sẽ khó chạm tới khán giả trong nước, chưa nói được chú ý giữa hàng nghìn bộ phim cùng ra mắt trên thế giới.

Nuôi dưỡng hệ sinh thái để có “cổ thụ”

Ngoài mục tiêu sản xuất ra các bộ phim hay, thu hút khán giả, để công nghiệp điện ảnh Việt phát triển, cần có các chính sách nhằm gia cố “chân đế”, phát triển hệ sinh thái của ngành. Như ý kiến của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, “không thể tự nhiên có cổ thụ - là các tác phẩm điện ảnh giá trị, mà phải bắt đầu từ nuôi dưỡng hệ sinh thái, các tầng bên dưới". Tức là phải thúc đẩy mảng công nghiệp và dịch vụ điện ảnh, ưu tiên nhóm làm nội dung, âm thanh, ánh sáng và dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD).

Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, ở thị trường điện ảnh lớn, hoạt động làm phim sôi động sẽ tự thân nảy sinh nhu cầu có phim trường hiện đại, cơ sở hạ tầng, thị trường cũng được chuyên môn hóa. Còn nếu hiện nay chúng ta có xây phim trường cũng "nằm đấy", vì nhu cầu thị trường nhỏ. Để phát triển hệ sinh thái này, các quốc gia thúc đẩy dịch vụ làm phim cho nước ngoài, với các chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất phim.

Bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội Xúc tiến, Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) cho biết, trên khắp thế giới, có gần 100 chương trình ưu đãi làm phim đang được Chính phủ các nước áp dụng, nhằm thuyết phục, thu hút các nhà sản xuất nước ngoài. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan đưa ra gói ưu đãi để thúc đẩy sản xuất phim và các dịch vụ hậu kỳ, những nhà làm phim đăng ký thành công có thể nhận được khoản tiền hoàn trả ở mức từ 15 - 20% chi phí đã bỏ ra. Khi chương trình ưu đãi được áp dụng, năm 2018, đã có 714 đoàn làm phim quốc tế đến quay, trong đó có 74 phim truyện, mang lại doanh thu đến 98,1 triệu USD cho Thái Lan. Quốc gia này cũng có quy trình hỗ trợ hoạt động sản xuất phim một cách nhanh chóng, minh bạch và rõ ràng, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng cho ngành công nghiệp điện ảnh...

Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay là mô hình hợp tác quốc tế phong phú, đa dạng: Phim có câu chuyện, êkip sản xuất là người Việt Nam có thể không phải phim Việt Nam; có phim không phải hợp tác với nước ngoài ngay từ đầu, như Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tới giai đoạn dựng phim, hậu kỳ mới có nhà đồng sản xuất nước ngoài tham gia. Vì thế, hình thức hợp tác sản xuất không thể phân định ngay từ đầu, mà có thể thay đổi nhà đồng sản xuất, bổ sung nhà đầu tư. Nên chăng dựa trên bản phim cuối cùng, quy định nhà sản xuất Việt Nam chịu trách nhiệm về nội dung và bảo đảm phim không vi phạm pháp luật.

Như các ngành và lĩnh vực kinh doanh khác, công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam chỉ có thể phát triển lên tầm cao mới khi được hỗ trợ bởi các chính sách của Nhà nước. Trước đòi hỏi thực tế, các quy định, chính sách giải quyết những vướng mắc đang đặt ra, phù hợp với xu thế sẽ là động lực để điện ảnh Việt Nam có bước tiến lớn, không bị lạc hậu so với thế giới. "Sắp tới Việt Nam sẽ là thị trường điện ảnh lớn hơn, lượng khán giả với mức sống đủ cho các ông lớn trong ngành nhảy vào. Vì thế, cần có tư duy đón đầu để tất cả sẵn sàng, tận dụng cơ hội, mở ra con đường" - đạo diễn Phan Đăng Di dự báo.

Ngọc Phương