Bảo đảm an ninh nguồn nước

Bài 2: Quy hoạch - câu chuyện chưa bao giờ cũ

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:22 - Chia sẻ
Công tác quy hoạch và quản lý của Nhà nước trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến, đổi mới toàn diện và tổ chức thực hiện khá tích cực, song vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần được khắc phục và xử lý. Theo các chuyên gia, câu chuyện quy hoạch được đặt ra trong quản lý an ninh nguồn nước không chỉ dừng lại trong lĩnh vực này mà còn liên quan đến xây dựng và thực hiện quy hoạch của nhiều lĩnh vực khác.

Quy hoạch thủy lợi đã được phủ kín

​​​Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn; tính liên kết, liên thông mang tính vùng, khu vực còn nhiều hạn chế. Tình trạng "bấc đến đâu, dầu đến đấy", "nước đến chân mới nhảy" vẫn diễn ra ở mức độ khác nhau. Công tác tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy hoạch chưa thật tốt, vẫn còn tình trạng phá vỡ quy hoạch, không bảo vệ được quy hoạch, bị lấn chiếm làm các mục đích khác ảnh hưởng đến bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều vẫn diễn ra.

Công tác đầu tư, bố trí nguồn lực còn mất cân đối; bố trí vốn không đủ, thiếu đồng bộ; quá trình chuẩn bị đầu tư, thiết kế, thẩm định của một số dự án chưa tốt; sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ dẫn tới nhiều công trình, dự án dở dang, chậm đưa vào khai thác ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Xác định an ninh nguồn nước là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh và trật tự, an toàn xã hội, hiện hầu hết các tỉnh, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; quy hoạch thủy lợi trên địa bàn đến năm 2025; quy hoạch về phòng, chống ngập lụt; quy hoạch thủy lợi cho các ngành sản xuất. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà nhận thấy, hiện công tác quy hoạch thủy lợi lưu vực sông, vùng và hệ thống công trình thủy lợi cơ bản đã phủ kín trên phạm vi cả nước, làm cơ sở quan trọng cho công tác quản lý thủy lợi, tích trữ, điều hòa, phân phối nước.

Thực tế, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 49 quy hoạch thủy lợi lưu vực sông, vùng, hệ thống công trình thủy lợi trên cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ và triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; triển khai lập quy hoạch 5 lưu vực sông: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk và Cửu Long (trong đó 3 quy hoạch lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 12 tới và 2 lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Cửu Long dự kiến phê duyệt trong tháng 12.2021); 8 lưu vực sông còn lại đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch.

Dựa trên các quy hoạch đã được xây dựng, cũng như các chính sách đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Nhà nước, hiện nước ta đã có trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô tưới từ 200ha trở lên, 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn có quy mô phục vụ trên 2.000ha trở lên. Với tổng số 86.202 công trình thủy lợi, tưới tiêu cho trên 4,2 triệu ha đất canh tác (trên 11,54 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp trong đó trên 6,3 triệu ha cần tưới) đáp ứng khoảng 54,1% đất canh tác nông nghiệp, nơi cao nhất là đồng bằng sông Hồng khoảng 98%, nơi thấp nhất là Tây Nguyên khoảng 28%; cơ bản đủ nước sạch cho các đô thị và 88,5% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Lựa chọn phương thức phù hợp

Qua triển khai các quy hoạch tài nguyên nước, hệ thống thủy lợi... đã tạo ra nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc nguồn nước phụ thuộc vào lượng nước sản sinh bên ngoài lãnh thổ, phân bổ không đều, phát triển kinh tế, gia tăng dân số, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao... đang tạo ra những thách thức lớn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Trước thách thức từ thượng nguồn, nội tại, phía biển và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Đào Xuân Học cho rằng, cần tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia, nhất là ở lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, bổ sung xây dựng, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, hệ thống thủy lợi quốc gia, đê điều quốc gia... theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cần cân nhắc kỹ việc xây dựng hồ nhỏ. Bởi, tuy là hồ nhỏ nhưng nếu vỡ dây chuyền thì sẽ thành thảm họa, vì những hồ này thường được đầu tư nhỏ giọt, không được quan tâm bảo đảm an toàn hồ, đập như các công trình hồ có quy mô lớn. Trong đó, việc xây dựng hồ chứa nước nhỏ ở khu vực Tây Nguyên cũng phải suy tính kỹ, vì đây là khu vực thấm nước lớn, các hồ quy mô nhỏ sẽ sớm bị cạn nước khi vừa chịu thấm nước vừa bị bốc hơi. Với những khu vực đã hết địa điểm xây dựng công trình thủy lợi lớn, theo ông Đào Xuân Học, phải nghĩ đến các giải pháp phi công trình như tái cơ cấu cây trồng, đưa ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp…

“Các quốc gia trên thế giới áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để bảo đảm an ninh nguồn nước. Trong đó, chúng ta cần chú ý nghiên cứu áp dụng mô hình hồ trữ nước ven biển (lợi dụng địa hình ven biển để tạo dựng hồ trữ nước tự nhiên) được áp dụng ở nhiều nước trong những năm gần đây.  Mô hình này đã cho thấy vừa giúp giải quyết lũ, trữ nước ngọt, chi phí xây dựng thấp (do không cần giải phóng mặt bằng), phương pháp quản lý, vận hành đơn giản hơn. Với địa hình nước ta hiện nay, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể xây dựng hồ chứa nước ven biển ở Kiên Giang, hồ ở Vũng Tàu - Gò Công… Hồ chứa nước ở khu vực Vũng Tàu - Gò Công sẽ giúp chứa nước khi lũ về, không gây ngập ở thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt khi vào mua khô”, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đối mặt với hạn hán

Nguồn: ITN 

Do một số quy hoạch khác bị phá vỡ

Bên cạnh tác động trực tiếp từ thực hiện quy hoạch tài nguyên nước, hệ thống thủy lợi quốc gia, đê điều quốc gia... an ninh nguồn nước cũng đang đứng trước thách thức khi một số quy hoạch lĩnh vực khác không được tuân thủ. Trong đó, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam Hoàng Văn Thắng cho biết, do các hoạt động xây dựng hồ chứa ở đầu nguồn nên phù sa, bồi cát bị giữ lại ở thượng nguồn khá lớn. Hiện lượng phù sa về trung bình đạt 40 triệu tấn/năm, thậm chí, Ủy ban Hội sông Mê Kông dự báo, lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm đến 97% vào năm 2040. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa được kiểm soát, lượng cát khai thác lớn, khiến sự mất cân bằng giữa hoạt động khai thác cát và quá trình bồi cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long khó thay đổi. Do sự mất cân bằng này nên mực nước hạ xuống, gây sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Ông Hoàng Văn Thắng cho rằng, cần yêu cầu dừng khai thác cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh hưởng từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số đến bảo đảm an ninh nguồn nước có thể thấy rõ nhất ở khu vực Tây Nguyên. Như Bộ trưởng Bộ NN -  PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Tây Nguyên - nóc nhà của Đông Dương - có tài nguyên 5,5 triệu ha đất rất quý, nhưng sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã phát triển quá nóng (sử dụng tới 2,6 triệu ha đất), đồng thời di dân tự do tạo sức ép quá lớn. "Do vậy phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, hiệu quả. Phải giữ bằng được diện tích rừng, nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng”, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT nhấn mạnh. 

Như vậy, thực tế đang đòi hỏi phải tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia. Trên cơ sở đó xây dựng một chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2045 và tầm nhìn đến cuối thế kỷ XXI. Tất nhiên, không chỉ dừng lại ở việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch của lĩnh vực này, theo nhiều chuyên gia, phải có sự liên thông giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực, giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, thành phố. Đặc biệt, một số quy hoạch vùng, miền, địa phương cần lấy tổng lượng nước làm trụ cột để xây dựng nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng nước cao nhất.

Thanh Hải