Người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

Bài 2: Như lá mùa thu

- Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:23 - Chia sẻ
Từ trăn trở, kỳ vọng, phần lớn người tự ứng cử đã thật xứng đáng với danh hiệu đại biểu Nhân dân khi được tín nhiệm. Tuy nhiên, tỷ lệ người tự ứng cử và trúng cử đang rất ít ỏi… như lá mùa thu. Như Quốc hội Khóa XIII chỉ 4/15 người tự ứng cử trúng cử; Quốc hội Khóa XIV chỉ 2/11 người tự ứng cử trúng cử. HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ người tự ứng cử trúng cử tuy có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng vẫn rất thấp (cấp tỉnh 0,15%; cấp huyện 0,01% và cấp xã 0,1%). Sự phân biệt trong suy nghĩ của một bộ phận cử tri, ảnh hưởng của cơ cấu cũng như sự thiếu tự tin của một số ứng cử viên là những vướng mắc hiện hữu.

Ngại quy trình

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã có bước phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, pháp luật ngày càng được hoàn thiện, dân chủ XHCN ngày càng được tăng cường, ý thức chính trị của người dân được nâng cao. Theo quy luật, chúng ta có quyền hy vọng khi nhận thức chính trị phát triển thì việc tự ứng cử đại biểu dân cử không còn là thiểu số nữa. Khi đó, sẽ có nhiều vị đại biểu tự ứng cử trúng cử và chính người dân, cử tri sẽ hiểu được rằng, chính họ mới là người làm chủ quyết định ai sẽ đại diện cho mình thay vì suy nghĩ “khoai sắp vào ấm” như một số người.

Qua thống kê số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND, phần lớn họ là doanh nhân, một số ít là người hoạt động sự nghiệp, hoặc ở thôn, bản, buôn, sóc, tổ dân phố… nói chung không liên quan nhiều đến cơ quan nhà nước, có tính độc lập cao. Còn những người là đảng viên, cán bộ, công chức hoạt động trong cơ quan nhà nước hầu như chưa có trường hợp nào “dám” tự ứng cử. Theo tìm hiểu của chúng tôi, rào cản lớn nhất ở đây chính là ở những cơ quan mà cán bộ, công chức công tác thường đã có cơ cấu người được giới thiệu ứng cử, phần lớn là cơ cấu đại biểu chuyên trách hoặc cơ cấu người đứng đầu. Do đó, việc một cán bộ, đảng viên, công chức không nằm trong diện được cơ cấu, giới thiệu ứng cử đại biểu dân cử tự đi ứng cử là điều hiếm có ở nước ta, từ trước đến nay chưa có tiền lệ.

Mặt khác, khi đảng viên, cán bộ công chức tự ứng cử cũng phải tuân thủ các bước khá chặt chẽ để bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn ứng viên. Quy định là đúng, tất nhiên cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và đảng viên sẽ tạo điều kiện cho ứng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Song khi nghiên cứu quy định nhiều ứng viên sẽ “ngại”. E ngại là đúng, bởi thủ trưởng, cấp trên, đồng nghiệp đã được giới thiệu thì cấp dưới, đồng nghiệp làm sao đủ tự tin và bản lĩnh tự ứng cử vì số lượng giới thiệu đã được thực hiện chặt chẽ qua các bước đầy đủ. Từ thông báo của Mặt trận về phân bổ số lượng, thành phần, cơ cấu, họp Ban lãnh đạo dự kiến người giới thiệu ứng cử, hội nghị cử tri nơi công tác đến họp Ban lãnh đạo mở rộng, đương nhiên người được lựa chọn đã bảo đảm tiêu chuẩn và có sự tín nhiệm của cử tri.

Ngoài ra, cũng như những người được giới thiệu ứng cử, những người tự ứng cử cũng phải trải qua vòng lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, nếu đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm thì mới được đưa vào hiệp thương và xem xét đưa vào danh sách ứng viên chính thức. Từ ngại quy định đến ngại các ứng viên được giới thiệu trong cơ quan, tổ chức nên phần lớn những người trong khối cơ quan nhà nước (nhất là Đảng, chính quyền) không dám tự ứng cử làm đại biểu dân cử. Thành ra, chỉ những người ở khối ngoài Đảng, doanh nghiệp, người dân (thường ở cấp xã) có đủ bản lĩnh, tâm thế mới đủ tự tin tự ứng cử đại biểu dân cử. Trong thực tế, số lượng ứng viên này cũng không nhiều; người am hiểu về chính trị, chính quyền, mối liên hệ giữa chính quyền với Nhân dân và có thể có các sáng kiến, đề xuất để nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử lại ngại không dám tự ứng cử.

Nguyên đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh Đặng Văn Khoa trong một lần chất vấn về môi trường tại kỳ họp HĐND thành phố

Ảnh: HTD 

Khó vì thiểu số

Ở Việt Nam, văn hóa từ chức cũng như văn hóa tự xung phong đảm nhiệm nhiệm vụ hay trách nhiệm hầu như chưa có, nên việc tự ứng cử để giữ các chức vụ, chức danh trong cơ quan Đảng, Nhà nước hầu như không có, có chăng là đã có quy hoạch hoặc cơ cấu, bàn xong các quy trình thì người được xác định mới dám “tôi xin ứng cử”. Còn với đại biểu dân cử, đã có các trường hợp tự ứng cử nhưng chưa nhiều, chưa thành phổ biến. Thành thử trong tâm lý của đa số nhiều người, những người tự ứng cử được xem như khác thường, thậm chí có người có suy nghĩ đó là hành động “chơi trội” và sẽ chẳng có kết quả gì. Trong suy nghĩ của một số cử tri, vẫn xem việc bầu cử là “khoai sắp vào ấm”, họ chưa nhận thức được rằng mình mới là người quyết định ai sẽ đại diện cho mình, trong đó có những cử tri có ý định tự ứng cử mà e ngại.

Từ chỗ việc tự ứng cử là hành động của thiểu số, cộng với thông qua truyền thông nên khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu dân cử, một bộ phận cử tri đã có sự tìm hiểu và phân biệt giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử. Theo suy nghĩ có số đông, người được giới thiệu thường được bảo đảm hơn so với người tự ứng cử, do đó cử tri vẫn nghiêng về bỏ phiếu cho ứng viên được giới thiệu, ứng viên giữ các vị trí chủ chốt thay vì tìm hiểu kỹ tiểu sử, hồ sơ ứng viên và lựa chọn…

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, các yếu tố về mặt địa lý, xã hội, điều kiện kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến số lượng, chất lượng người tự ứng cử, nhất là ứng cử vào Quốc hội. Ở những thành phố lớn, khi điều kiện kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao thì nhiều người mới có điều kiện, khả năng tham chính, hay nói cách khác khi đủ mạnh về kinh tế thì mới nghĩ đến chuyện chính trị. Nếu không có bản lĩnh và có nền tảng kinh tế vững mạnh thì sẽ khó có tâm thế, tự tin tự bước vào nghị trường. Có kinh tế và tri thức, có suy nghĩ vì cộng đồng, “muốn làm cái gì đó cho quê hương, đất nước” thì mới có động lực để tự ứng cử. Tất nhiên, kinh tế, tri thức thôi chưa đủ mà hai thứ đó phải đặt trong trong một con người có trái tim lớn, có nhiệt huyết và muốn cống hiến, vì Nhân dân thì mới đủ bản lĩnh để thực hiện giấc mơ làm ông (bà) Nghị.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp tự ứng cử vì động cơ cá nhân không trong sáng, vì mục đích lợi dụng dân chủ để chống phá nhưng số này rất ít ỏi và qua các vòng hiệp thương, lấy ý kiến cử tri thường không được tín nhiệm vì không đủ tiêu chuẩn.

Một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc số lượng người tự ứng cử chưa nhiều, thậm chí không mặn mà, nhất là đối với HĐND cấp huyện, cấp xã. Đó chính là sức hút từ chính hoạt động của cơ quan dân cử hiện nay. Ngoài yếu tố về vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn thì vẫn còn nguyên nhân khác chính là chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. HĐND các cấp, nhất là cấp huyện và xã mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng chất lượng hoạt động chưa cao, có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thể hiện được vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng vấn đề cốt lõi nhất chính là hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương xứng với vị trí, vai trò, có những đại biểu chất lượng như “Hội đồng Khoa” và có các sản phẩm cụ thể minh chứng cho cử tri và Nhân dân thấy được vai trò của HĐND thì có lẽ chưa có, hoặc có nhưng chưa rõ nét. Bởi chính người trong cuộc, chính HĐND vẫn đang còn vướng mắc, biết đó nhưng khó nói, khó gỡ hoặc đã nói nhiều, nói mãi nhưng chưa thấu.

BÌNH NGUYÊN - PHƯƠNG NGUYÊN