Giám sát việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Bài 2: Nhiều khó khăn trong hỗ trợ tiêu thụ

- Thứ Hai, 18/01/2021, 06:47 - Chia sẻ
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình. Đó là: Việc lồng ghép các nguồn kinh phí còn gặp nhiều khó khăn; chính sách cho chương trình chưa đầy đủ, nhất là chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; khó trong tiếp cận các chính sách ưu đãi; việc xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ chưa được chú trọng; phát triển sản xuất còn thiếu sự liên kết, gắn kết; công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa chú trọng xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ

Qua giám sát cho thấy, việc ban hành các cơ chế, chính sách, hồ sơ thủ tục hỗ trợ chưa đồng bộ, dẫn đến lúng túng và khó khăn cho các đơn vị cơ sở. Vai trò, trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu một số địa phương, cơ sở chưa cao; việc quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo phân công, phân cấp còn chậm, lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao trong kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Công tác đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng hiệu quả chưa cao.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát thực tế tại huyện Can Lộc về Chương trình mỗi xã một sản phẩm Ảnh: Lê Trang
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát thực tế tại huyện Can Lộc về Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Ảnh: Lê Trang

Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho các hoạt động của chương trình còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách địa phương còn hạn chế... Chính sách cho chương trình chưa đầy đủ, nhất là chính sách hỗ trợ hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về tín dụng, thuê đất. Kết quả thực hiện một số chính sách được quy định tại Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn thấp, như: Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất, liên kết với doanh nghiệp...; cách kiểm soát, thực hiện, hỗ trợ về Chương trình OCOP theo Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND chưa chặt chẽ, chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng...

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP chưa được chú trọng, chất lượng tư vấn chưa cao, chủ yếu là tư vấn phát triển thêm về bao bì nhãn mác, còn về phương hướng, công nghệ sản xuất, chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị, liên kết từ sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Việc khoán trắng cho đơn vị tư vấn cũng như cơ chế kiểm soát nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, như: Lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án, phương án, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh; thiết kế, xây dựng, in ấn (mẫu) bộ nhận diện thương hiệu và xây dựng hồ sơ công bố chất lượng, mã số mã vạch cho sản phẩm OCOP... đang là vấn đề cần được quan tâm làm rõ nhằm bảo đảm chất lượng xét duyệt sản phẩm và hiệu quả nguồn lực... Việc xây dựng hệ thống đối tác của Chương trình cũng chưa được quan tâm.

Chưa quan tâm đúng mức đến công tác hậu kiểm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra, quá trình triển khai chương trình, ý tưởng đăng ký về sản phẩm nhiều nhưng chất lượng, nội dung chưa bảo đảm; phương án, dự án sản xuất kinh doanh, việc đánh giá và xếp hạng sản phẩm chủ yếu trên hồ sơ, giấy tờ còn thực tiễn thực hiện không bảo đảm; khâu xúc tiến thương mại còn thiếu và yếu. Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đang dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chủ thể sản xuất chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc đưa sản phẩm vào tham gia chương trình. Phát triển sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, dàn trải, tình trạng trên địa bàn một xã có cùng một chủng loại sản phẩm nhưng nhiều cơ sở được công nhận. Các sản phẩm đạt chuẩn chưa được phát triển thêm nhiều so với trước khi thực hiện. Chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng...

Các địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình OCOP còn thiếu cả số lượng và chất lượng. Bước đầu tiếp cận sản xuất lớn theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao nên phần lớn các hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn; trình độ kiến thức của cán bộ cấp xã chưa thích ứng kịp về việc tổ chức, quản lý sản xuất theo mô hình mới. Điều kiện về con người, trang thiết bị không theo kịp xu thế chung, dẫn đến còn nhiều HTX, tổ hợp tác hoạt động chưa hiệu quả.

Nhìn chung, phát triển sản xuất còn thiếu sự liên kết, gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân. Việc liên kết sản xuất, hình thành HTX, tổ hợp tác chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển tổ chức sản xuất chưa gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường bền vững. Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vào các hệ thống phân phối hiện đại trong tỉnh, trong nước cũng như xúc tiến xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng, chủng loại hàng hóa các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hiệu quả cao. Chưa xây dựng được kênh phân phối các sản phẩm OCOP ổn định, chủ yếu vẫn ở các cơ sở vừa sản xuất vừa phân phối. Giá bán một số sản phẩm đạt chuẩn OCOP cao hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường nên tính cạnh tranh chưa cao...

Theo Đoàn giám sát, sự vào cuộc của ngành và chính quyền một số địa phương hỗ trợ phát triển sản phẩm, quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo phân công, phân cấp còn chậm, lúng túng, bị động trong việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Cán bộ phụ trách Chương trình OCOP tại các địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu... dẫn đến thực hiện chưa kịp thời, triệt để. Việc thanh, kiểm tra, giám sát và phát hiện vi phạm, sai phạm về quy trình, phương án sản xuất, chất lượng sản phẩm... sau khi đạt chuẩn chưa được quan tâm đúng mức.

THÀNH LÊ