Phòng, chống dịch trong khu công nghiệp - kinh nghiệm từ Bắc Giang

Bài 2: Làm việc theo nhóm, quản lý khép kín

- Thứ Sáu, 09/07/2021, 07:48 - Chia sẻ
Dư luận đánh giá việc mở cửa trở lại 4 khu công nghiệp (KCN) có phần mạo hiểm khi số ca nhiễm vẫn tăng nhưng Chủ tịch tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định là không. Bởi lẽ các doanh nghiệp hoạt động trở lại với mô hình mới: chia nhỏ sản xuất, làm việc theo nhóm, dịch xuất hiện ở đâu khoanh vùng ở đó, những bộ phận khác vẫn tiếp tục làm việc; đồng thời quản lý khép kín công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc.

Gần 140.000 lao động bị ảnh hưởng

Việc đóng cửa 4 KCN (Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng) ảnh hưởng đến hơn 340 doanh nghiệp và khoảng 140.000 người lao động, thiệt hại mỗi ngày lên tới 2.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục đóng cửa, hệ lụy còn lớn hơn khi công nhân không có việc làm và thu nhập. Thêm vào đó, các KCN của tỉnh Bắc Giang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dừng sản xuất quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, khi đó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của tỉnh, của đất nước và thậm chí là thế giới.

Đặt những đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh dịch bước đầu được kiểm soát (các ca mắc mới chủ yếu thuộc diện F1, đã được cách ly, phong tỏa), tỉnh Bắc Giang lên kế hoạch tái khởi động chuỗi sản xuất từ ngày 28.5 với 8 doanh nghiệp thí điểm (Kế hoạch 213/KH-UBND ban hành ngày 25.5). 

Dư luận đánh giá quyết định của Bắc Giang khá mạo hiểm vì số ca mắc mới vẫn tăng, với 375 ca trong ngày 25.5. Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định "không mạo hiểm", bởi doanh nghiệp hoạt động trở lại theo một mô hình mới. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chia nhỏ sản xuất và bố trí công nhân làm việc theo từng nhóm. Nếu có ca mắc Covid-19 thì chỉ cách ly một nhóm nhỏ, những tổ, nhóm khác vẫn hoạt động bình thường. Thêm nữa, khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp sẽ tham gia sâu hơn vào công tác phòng, chống dịch và chia sẻ với chính quyền khi trực tiếp chăm lo đời sống, thu nhập cho công nhân.

“Mô hình sản xuất mới này chính là pháo đài chống dịch. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, chủ động tấn công dịch. Đây chính là ý nghĩa quan trọng của việc đưa các KCN hoạt động trở lại, là "chìa khóa" để phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, không ai dám chắc sẽ không còn đợt dịch khác. Sau này, khi tiêm vaccine đại trà, mô hình sẽ được nới lỏng”, Chủ tịch Lê Ánh Dương chia sẻ.

Công ty TNHH New Wing, Khu công nghiệp Vân Trung hoạt động trở lại
Ảnh: Minh Linh

Bảo đảm an toàn tối đa trong sản xuất

Tỉnh Bắc Giang xác định khó khăn lớn nhất khi khôi phục lại sản xuất trong các KCN là phải vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa bảo đảm phòng, chống dịch an toàn. Do đó, tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN. Cụ thể, UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ như đón lao động đã ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp trở lại làm việc; hỗ trợ tuyển dụng lao động; giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động cũng như hỗ trợ bố trí khu vực cách ly tập trung khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Đồng thời, tỉnh cũng tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ phương án phòng, chống dịch; xử lý các tình huống khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm; tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp... Phương án nêu rõ quy định cụ thể các bước trong việc thực hiện nội dung hỗ trợ, bảo đảm hài hòa giữa khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp và phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, tỉnh đã thành lập 35 tổ liên ngành kiểm tra, hướng dẫn về điều kiện an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất tại các doanh nghiệp và xây dựng doanh nghiệp mẫu để đánh giá, nhân rộng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng như Y tế, Giao thông Vận tải có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, điều kiện để công nhân quay trở lại làm việc. Chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch mới được trở lại sản xuất.

Điều kiện chung là doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động được cơ quan y tế và chính quyền địa phương xác nhận là đã kiểm soát nguy cơ lây nhiễm và có 2 lần xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 (từ ngày 9.5 trở lại đây), lần gần nhất là 1 ngày trước khi quay trở lại làm việc. Công nhân đủ điều kiện được bố trí ở tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt của doanh nghiệp. Công nhân ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng. Trước khi tổ chức sản xuất lại, doanh nghiệp đón công nhân đến nơi ở tập trung trước ít nhất 3 ngày và thực hiện xét nghiệm Covid-19. Doanh nghiệp phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ ký túc xá đến nơi làm việc và ngược lại; thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 liên tục đối với toàn bộ công nhân.

Với mô hình này, công nhân được quản lý khép kín từ công ty đến khi về nơi ở, bảo đảm an toàn mức tối đa trong sản xuất, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang Dương Chí Nam đánh giá.

Song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, tỉnh Bắc Giang cũng phát huy tối đa vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng. Toàn tỉnh đã lập khoảng 9.000 tổ “đi từng nhà, rà từng người”, nơi nào có công nhân về, các tổ đều nắm được và điều tra dịch tễ triệt để. Nhờ đó, tỉnh nắm chắc số công nhân cần cách ly, góp phần đắc lực trong đẩy lùi dịch bệnh.

Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện khôi phục sản xuất liên tục tăng. Nếu như ngày 28.5 chỉ có 2 doanh nghiệp thì ngày 16.6 đã có 124 doanh nghiệp với gần 20.000 lao động. Con số này tiếp tục tăng mạnh lên 290 doanh nghiệp với gần 69.500 lao động vào ngày 7.7. Các doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình “4 cùng” (cùng làm, cùng ở, cùng ăn, cùng di chuyển), trước hết ưu tiên cho lao động khu vực sản xuất được quay lại làm việc. Ngoài ra, các ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động ngoài tỉnh vào làm việc tại địa bàn; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng mới lao động với trên 60.000 người.

Việc khôi phục các KCN nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của doanh nghiệp và người lao động. Chị Nguyễn Thị Phương, Công ty TNHH Cheongsan Vina may mắn là một trong những công nhân đầu tiên của công ty được quay lại làm việc ngày 14.6. “Như vậy tôi sẽ được nhận 100% lương thay vì chỉ hơn 3 triệu trong gần 1 tháng phải tạm ngừng việc để phòng, chống dịch, chưa kể sẽ được công ty lo toàn bộ chi phí ăn, ở”, chị Phương hào hứng.

Cũng giống chị Phương, anh Nguyễn Văn Quyết, Công Ty TNHH Italisa Việt Nam không giấu được niềm vui khi làm việc trở lại từ hôm 25.6. “Hơn 1 tháng nghỉ, thu nhập giảm tới 60% khiến gia đình 6 người chúng tôi thực sự chật vật. Bây giờ có việc, tôi yên tâm rồi!”, anh Quyết nói.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh