Văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam 2045

Bài 2: Kiến tạo và phát triển Đạo lý Việt Nam

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:38 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Không có sự phát triển thống nhất trong đa dạng văn hóa của 54 dân tộc trong cộng đồng không có nền văn hóa Việt Nam bản sắc và hiện đại. Sự thống nhất đó của văn hóa chính là kiến tạo và phát triển Đạo lý Việt Nam - hệ giá trị Việt Nam - cái làm nên bản lĩnh, khí phách, uy tín Việt Nam thích ứng với thời cuộc và hội nhập quốc tế. Đó cũng chính là thiên chức của văn hóa đối với chiến lược phát triển đất nước trong tầm nhìn tương lai.

Thời thế chuyển biến, đạo lý không đổi

Đạo lý ấy là con đường, là phương hướng, ấy chính là lối dẫn, là cách xử thế để con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng mà mỗi người và cả dân tộc theo đuổi và làm nên. Không dung thứ thứ “đạo lý cho người” và “đạo lý cho ta". Đấy là Đạo lý làm người Việt Nam, làm quốc gia dân tộc Việt Nam xứng đáng ở trên đời vậy.

Nhiều người làm nên cộng đồng, nhiều dân tộc quần tụ rồi thành quốc gia dân tộc Việt Nam. Thời thế chuyển biến, xoay vần, người ta có thể thay chính kiến, nhưng không hề đổi Đạo lý. Đó là cái bất biến của Đạo lý Việt Nam. Vì, đã là Đạo lý thì là máu, thịt, tim, óc, là linh hồn, khí phách của con người, là tinh hoa, phẩm giá, bản lĩnh của cộng đồng, quốc gia dân tộc, không thể xa rời, dù trong khoảnh khắc. Vì, khi đã giữ Đạo lý thì dù là ai không vì giàu sang mà sa đọa, không vì nghèo khó mà lìa xa cái đã theo; vì cái đã chọn thì dù chết, quyết không khuất phục trước nạn bạo quyền, xâm lăng. Vì, khi đã tôn thờ Đạo lý, thì trong mọi sự bang giao, quốc gia luôn giữ tình hữu hảo, nhưng quyết không thể lùi bước trước bất kỳ mối đe dọa, khống chế hay họa ngoại xâm nào vi phạm nền độc lập tự do của Tổ quốc. “Đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”, “Thà đui mà giữ đạo nhà”, “Quốc thể tối thượng”, “Quốc dân vô giá”…  cũng là vậy.

Thời cuộc nào cũng thế, dù liên minh với ai, bang giao với dân tộc nào đi nữa, Việt Nam vẫn giữ con đường đi ngay ngắn, tâm thế ung dung, tấm lòng hòa mục, tính cách khẳng khái, vì tuân thủ cái Đạo của chính mình đã tôn thờ. Rằng, độc lập nhưng quảng giao, tự do mà thấm đẫm pháp lý quốc tế và nhân tình đồng loại. Và, rằng, nhỏ mà không yếu, nhún nhường mà không hèn, lùi bước mà không thua, kiên quyết mà khôn khéo… là nguyên tắc vô cương xử thế của cái Lý Việt Nam. Như thế, chính là sự khẳng định cái bản ngã của mỗi người, linh hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam!

Hiểu được Đạo lý là biết tự chỉ trích mình, khi thất bại; biết tự học hỏi khi yếu kém; biết lãnh trách nhiệm, khi lầm lỗi và tự biết điều chỉnh khiếm khuyết, khi ngộ ra; biết tự cân bằng trước những dục vọng, những cám dỗ; biết vận trù cái dù là cần thiết tới cái giới hạn cần phải dừng; biết phải tiến, khi không thể lùi được nữa, buộc phải cương quyết khi đã giữ tận cùng gìn giữ cái nhu… để quật khởi và giữ trọn mình là chính mình, để cảnh giới và quyết tử vì quyền tự nhiên độc lập tự do bất khả xâm phạm của quốc gia dân tộc Việt Nam. 

Sâu hơn pháp luật là lòng Nhân, là tình Người. Lấy Nhân mà sửa mình, trước nhất là những người mang trọng trách phải làm gương, thì hình pháp sẽ bớt dùng, chữ Nhân tỏa rộng. Có nhân thì nhân ở, vô nhân thì nhân chẩm. Khi cần, thì pháp luật thượng tôn, với “Quốc pháp vô thân”. Đức trị hài hòa với pháp trị, muôn dặm xã tắc sẽ bình yên, và cả hai cùng tỏa sáng. Không ai khác, các yếu nhân trong thiên hạ phải biết làm gương trước nhất.

Cao hơn mọi quyền uy là Lễ. Lấy Lễ làm đầu thì tự nhiên quyền uy không cần dưỡng đã tự nó mạnh mẽ. Trong bang giao, giữ Lễ làm trọng, thì nền độc lập tự do dân tộc chưa cần thuyết giáo ngoại giao đã tự nó đã rực rỡ văn hiến mà kẻ nào âm mưu xâm phạm đã là sự vô Lễ, vô Pháp và vô Đạo. Người gánh đại sự quốc gia giữ Lễ khi xử thế, thủ Lễ lúc bang giao là đã thành công một nửa rồi! Nhưng, khi cần buộc phải nổi một trận gió to quét sạch ngoại xâm, thì quyết không lùi bước, để bố cáo khắp thiên hạ rằng: “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Ấy cũng chính  là cách xử thế cuối cùng của Lễ trong bang giao vậy.

Giữ gìn và phát triển đạo lý Việt Nam

Bao trùm, cần thấm đẫm trong ức vạn người phải là Liêm. Bất Liêm sinh trộm cắp, trộm cắp thì tự diệt mình, lại làm phong hóa bại hoại, Đạo Lý tổn thương. Từ những người cầm cương xã hội, nếu giữ mình thanh liêm, lại không phù hoa xa xỉ, tới những thân phận muôn dân dẫu mình nghèo mà không hèn, lấy Liêm làm răn mình, để sửa sang thể chế, đặng tu dưỡng chính khí, khắc chế mọi hủ bại, thì đã đủ cho người người trong nước yêu mến tới mọi bậc tha nhân dị quốc cũng vị nể, trông vào. Quốc gia theo đó mà sạch sẽ, mạnh mẽ, văn minh và tiến bộ.

Cao hơn, sâu hơn và rộng hơn tất thảy là Sỉ, tức là sự xấu hổ. Mỗi Người không có Liêm sỉ thì không thành người được. Quốc gia thấu Quốc sỉ, là sự xấu hổ chung cả nước. Lấy Sỉ làm căn cơ, làm động lực và mỗi Người tự giác ngộ mình, cả nước tự răn điều đó, và tất cả trông khắp hoàn cầu, mà giác ngộ. Những người nắm trọng sự quốc dân, trước khi hành xử đạo “công bộc”, trước tiên hãy tôn thờ Đạo làm Người! Muôn dặm ai cũng thấu: “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”. Thử hỏi như thế mỗi người sao chẳng thành Người hơn, quốc gia sao mà không độc lập, tự tôn và hùng mạnh cho được. Quốc thể nhờ đó được tôn vinh, Liêm sỉ mỗi người nương theo đó mà rạng rỡ!

Tất cả như thế, giữ gìn và phát triển Đạo lý Việt Nam ngõ hầu chỉ cốt giữ cái nền móng để làm Người Việt Nam cho ra Người Việt Nam trên đời, chỉ cốt dưỡng cái nhuệ khí kiến thiết và bảo vệ quốc gia xã tắc Việt Nam cho xứng đáng là một quốc gia xã tắc trong cõi hoàn cầu!

Xã hội trên đó mà nảy nở tốt tươi, quốc gia theo đó nhất định phồn thịnh và không ngừng phát triển. Khí phách, bản lĩnh và sức mạnh của văn hóa Việt Nam hiện nay và tương lai phát huy từ giá trị mấy nghìn năm bắt đầu từ chính Đạo lý Việt Nam, tiếp tục xây dựng và phát triển tầm nhìn, khát vọng, sức mạnh, danh dự và uy tín Việt Nam, trên trường quốc tế, chứ quyết không phải là gì khác, trong hành trình đến tương lai. Không có Đạo lý ấy chúng ta sẽ không trông đợi gì ở tương lai, dù nhỏ cả.

Nói khái lược, chúng ta phải bồi đắp và lan tỏa triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững mang tầm vóc văn hóa Việt Nam: Quốc gia Tự tôn - Mỗi người Tự trọng - Dân tộc Tự cường - Tổ quốc phồn vinh.

Đó cũng chính là con đường đúng đắn và độc đáo để dân tộc Việt Nam đi đến văn hóa, đạt tới tầm văn hóa, thông qua chính trị, kinh tế và đối ngoại, để phát triển kinh tế, xã hội, chống mọi sự xâm lăng đất nước bằng “sức mạnh mềm”, “xâm lược mềm” bằng văn hóa và hội nhập cùng với các quốc gia dân tộc toàn cầu, trong công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ hiện nay và tương lai!