Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: “Đột phá của đột phá” và tầm nhìn, khí phách Việt Nam

Bài 2: Kiến tạo và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng mang tầm chiến lược

- Thứ Sáu, 19/03/2021, 05:26 - Chia sẻ

Hơn bao giờ hết, sinh tồn trong một thế giới “phẳng” và cả không “phẳng”, việc phát triển ngang tầm, cấp bách của “động mạch chủ” và các “động mạch” phân hệ hợp thành hệ “huyết mạch” chi phối các trung tâm giao thông hàng hải, đường bộ, hàng không, hệ thống thông tin mạng… nuôi dưỡng và phát triển nền kinh tế mang tầm chiến lược trên cơ sở tiếp tục đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có ý nghĩa thành bại.

Hai “huyết mạch” quan trọng nhất

Hệ thống giao thông và hạ tầng công nghệ thông tin là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội. Sự tụt hậu hay “cất cánh” của đất nước ra sao một phần căn bản phụ thuộc vào việc giải quyết 2 vấn đề này.

Trên cơ sở tính toán tổng thể và phù hợp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông: Về đường bộ, hàng không, đường biển với số lượng cầu cảng, sân bay bảo đảm sự tập trung và liên thông thống nhất các vùng kinh tế dọc ba miền Bắc, Trung, Nam, cần kíp đầu tư tổng lực để xây dựng đường bộ cao tốc xuyên Việt gắn liền với hệ thống cảng biển, cảng hàng không liên kết vùng và quốc gia, liên thông quốc tế, chứ không phải là tình trạng “cát cứ”, nhỏ lẻ, rời rạc như hiện nay (khi mỗi tỉnh có biển đề nghị một cầu cảng, nhiều tỉnh đề nghị mở sân bay). Như thế, sẽ rất lãng phí, nguồn lực bị phân tán, thậm chí phá vỡ địa kinh tế, địa chính trị, địa văn hóa và địa quốc phòng mang tầm chiến lược, nguy cơ sẽ rơi vào rối loạn. Vì, đây là “động mạch chủ” của hệ thống huyết mạch bảo đảm sự phát triển không chỉ về kinh tế mà còn giữ vị trí chủ đạo cho phát triển xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên các vùng kinh tế - xã hội - quốc phòng chiến lược, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Phải khai thông điểm quyết định mang tầm chiến lược này, càng sớm càng hiệu quả, trước mắt trong những năm 2025, nếu muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Mặt khác, chưa bao giờ như hiện nay, sự phát triển của công nghệ mạng trở thành phân hệ huyết mạch rất quan trọng, hoạt động trên tất cả các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong “cơ thể” toàn cầu nói chung và chúng ta nói riêng. Cùng với phân hệ huyết mạch “cứng” trên, phân hệ huyết mạch không gian mạng phải được phát triển song hành.

Phát triển kinh tế thông qua hệ thống điện tử hiện nay đã vượt trên cả tự động hóa, thậm chí là điều khiển từ xa, chiếm quyền điều khiển từ nước ngoài. Tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ, trốn thuế đều có thể diễn ra trên không gian mạng, đã vượt lên trên sự quản lý của một thể thức ngân hàng; nguồn gốc xuất xứ hàng thật, hàng giả, buôn lậu vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia. Đây là vấn đề tất yếu và rất phức tạp.

Không có sự đột phá của đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đất nước rất khó phát triển và càng không thể “cất cánh”. Mọi sự do dự hay chậm trễ dẫn tới mọi quyết sách chiến lược về kinh tế - xã hội… sẽ trở nên lạc hậu, chênh vênh, thậm chí rối loạn, bất khả thi ngay từ nền móng.

Chấp nhận mạo hiểm, sẵn sàng vượt qua kỳ vọng

Chúng ta đã và đang ra nhiều quyết sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để giữ gìn an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Việc chủ động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở địa phương và người dân; đồng thời, phải bảo vệ bí mật quốc gia, bởi đây là tài nguyên quốc gia, liên quan đến chính trị, xã hội, thậm chí cả chủ quyền quốc gia, khủng bố, chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, tạo ra khủng hoảng… phải được coi là những công việc rất quan trọng trong phát triển kinh tế, không kém bất cứ một không gian phát triển kinh tế hay chính trị nào khác.

Nhìn ra thế giới, nếu năm 2013, chỉ có hơn 850 triệu máy chủ web trực tuyến 7,1 tỷ người sống trên trái đất, GDP toàn cầu là 75 nghìn tỷ USD, có 7 tỷ thiết bị mạng trên toàn cầu thì dự tính đến năm 2025, sẽ có hơn 100 tỷ thiết bị mạng với 8 tỷ người trên trái đất. Đó là sự phát triển nhảy vọt theo cấp số nhân và quy mô khổng lồ của thế giới về công nghệ thông tin.

Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, càng không thể do dự, chập chờn, thậm chí chậm trễ gia nhập thị trường này của thế giới, nếu không muốn tụt hậu. Bước tiến của thế giới trong hai thập kỷ nay đã và đang đặt ra thách thức rất nan giải rằng, người lãnh đạo sáng tạo tương lai cần phải vượt qua sự kỳ vọng của mình trong thời cơ và thách thức kết nối toàn cầu. Rằng, nếu chỉ đáp ứng sự kỳ vọng thì mới ở mức độ quản lý và như vậy ta sẽ bị thụt lùi trong cuộc kết nối khắp mọi nơi trên thế giới với internet vạn vật (Internet of things). Do vậy, Việt Nam cần chấp nhận mạo hiểm, thậm chí cả rủi ro và sẵn sàng vượt qua kỳ vọng. 

Thực tiễn thế giới và từ nước ta đang cho thấy, các ngành điện, nước sẽ phát triển bền vững, nếu phát triển công nghiệp Internet vạn vật, công nghệ số. Chính ngành công nghiệp internet vạn vật, công nghệ số sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển đột phá và bứt tốc; và chúng ta cần nắm ngay lấy vận hội này, nếu muốn phát triển  và “cất cánh”. 

Do đó, con đường sẽ là đầu tư phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài, trước hết là các chính trị gia, kỹ trị gia và doanh nhân, kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu trên thế giới bằng internet, cung cấp, để cùng chia sẻ và thu hút đa chiều để họ, trực tiếp là các doanh nhân trên thế giới đến Việt Nam đầu tư và làm việc, và ngược lại; cần bắt đầu từ việc tạo ra những thiết bị để kết nối đất nước với các trung tâm công nghệ khác trên thế giới như Silicon Valley đã và đang hợp tác với Việt Nam… Chúng ta có thể bắt tay ngay trong việc thiết kế sản xuất thiết bị để kết nối với nhà, đường sá, xe hơi... tất cả mọi thứ với nhau vào 15 năm tới từ đó tạo nền tảng cho nông thôn thông minh, đô thị thông minh, nhất là cần dẫn đầu trong các cảm biến về internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, phân bổ nguồn lực, số hóa; quan tâm xứng đáng lĩnh vực giáo dục, các cuộc thử nghiệm, trao quyền đầu tư, với phương châm trao quyền đầu tư vượt ngoài tinh thần khởi nghiệp, tham gia vào nỗ lực lấy con người làm trung tâm cho phép mở rộng cộng đồng nông thôn và thành thị…, như các ý kiến khuyến nghị. 

Càng hội nhập nền kinh tế thị trường thế giới, càng cần khuyến khích để mỗi công dân nhìn nhận mình như những kỹ trị gia, những doanh nhân có ý tưởng sáng tạo và nuôi dưỡng nó, để xây dựng tương lai và khuyến khích mọi người thử nghiệm và cùng nhau hợp tác. Trước hết, cần tạo điều kiện để có start up nhỏ, các dự án nhỏ, quan tâm đến các khu vực kinh tế tư nhân và khuyến khích doanh nhân thế giới tham gia với Việt Nam. Đồng thời, tập trung là sức mạnh của sự đa dạng, sự biệt lập và hệ sinh thái. Chính phủ cần đưa ra mục tiêu chung ngay từ đầu, xác định mục đích chung là kết nối giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để đưa ra những mục tiêu chung sẽ đem lại lợi ích lớn nhất và tạo ra sự đa dạng. Vấn đề cấp bách là, cần có những chuyên gia, những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này. Do vậy, không hạn chế các doanh nhân thế giới trở thành đối tác, dựa trên nền tảng sử dụng internet vạn vật, công nghệ số để kết nối với các trung tâm thông tin, nghiên cứu trên thế giới hoặc các trung tâm sáng tạo khác.     

Dẫu đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh mạng, chúng ta không thể đứng ngoài; mà trái lại, tiếp tục phát triển nó không ngừng và chủ động bảo vệ nó một cách hiệu quả.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản