Xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Bài 2: Hướng tới phát triển bền vững

- Thứ Tư, 11/11/2020, 13:02 - Chia sẻ
Quá trình bùng nổ ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tổ chức, quản lý, vận hành nhà nước ở mọi quốc gia và hình thành các xu hướng rõ rệt trong phát triển. Không nằm ngoài xu thế phát triển đó, Việt Nam với tốc độ đô thị hóa nhanh và là một trong số các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ đô thị hóa cao, việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh được coi là giải pháp thúc đẩy hướng tới phát triển đô thị toàn diện hơn, bền vững hơn.

Nhu cầu bức thiết

Theo báo cáo tại Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 39,2% với 835 đô thị (12.2019). Sự phát triển đô thị gắn với thông minh để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người, việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đã ngày càng trở nên bức thiết đối với Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Việt Nam có những cơ hội riêng để theo đuổi mô hình ĐTTM. Những năm qua, Việt Nam đã tích tụ nhiều cơ sở chuyển đổi số để hòa nhập vào xu hướng chung, cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet, khoảng 55% người sử dụng điện thoại thông minh. Xếp hạng chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước. Xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT đứng thứ 3/139 nước. Nhiều doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã nhanh chóng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng phát triển ĐTTM ở các cấp độ khác nhau. Nhiều thành phố đã triển khai các chương trình xây dựng thí điểm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác thế giới.

Việt Nam với tốc độ đô thị hóa nhanh và là một trong số các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ đô thị hóa cao.
Ảnh nguồn: ITN

Cũng theo báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, Khu vực đô thị đóng góp tỷ lệ 70% trong tổng GDP (tổng sản phẩm trong nước) cả nước: trong đó, tổng giá trị GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm khoảng 50% GDP của cả nước. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước.

Bên cạnh một số thành tựu trong phát triển đô thị đã đạt được, hệ thống đô thị Việt Nam còn khá nhiều bất cập trong quá trình phát triển. Những vấn đề nổi bật bao gồm tắc nghẽn, ô nhiễm, thiếu nhà ở tại các thành phố lớn. Hai thành phố loại đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gặp vấn đề trong quản lý phát triển đô thị và kết nối vùng. Các đô thị mở rộng thiếu tính toán, tràn lan, dự án treo, thiếu hạ tầng kết nối tại các khu vực ngoại vi mới mở rộng của hầu hết các đô thị.

Nỗ lực từ Chính phủ và các bộ, ngành

Trong khoảng 4 năm gần đây, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm đến phát triển ĐTTM. Rất nhiều các cam kết, thoả thuận hợp tác đã được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng là các quốc gia, tổ chức đã phát triển thành công ĐTTM bao gồm: Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới,… và gần đây nhất là với cộng đồng chung ASEAN để xây dựng mạng lưới ĐTTM ASEAN.

Các mục tiêu cụ thể liên quan tới xây dựng ĐTTM cũng đã được nêu ra cụ thể trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” gồm: Đến năm 2025: Có ít nhất 3 ĐTTM tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030, hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới…”.

Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xây dựng ĐTTM, các Bộ, ngành đã ban hành các hướng dẫn, quyết định, bộ chỉ số về xây dựng ĐTTM theo chức năng, lĩnh vực quản lý của mỗi Bộ ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0), ban hành Hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành khảo sát thực hiện Tiểu Dự án 4 "Đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL", bước đầu đã làm việc với Bộ Xây dựng về các nội dung liên quan tới cơ sở dữ liệu ĐTTM…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, phát triển ĐTTM là cuộc chơi lớn trong đó không chỉ hứa hẹn những kết quả tốt đẹp mà còn có thể chứa đựng cả những rủi ro. Chúng ta đang ở những bước đi khởi đầu trong hành trình tiếp cận, gia tăng tri thức và áp dụng tri thức mới. Thế giới sẽ còn tiếp tục nghiên cứu xu hướng này để tìm ra một giải pháp tối ưu hơn nữa. Nhưng trước mắt, sự nỗ lực của mọi quốc gia trong việc nhận định “sự thông minh” phù hợp trong bối cảnh phát triển của đất nước mình là rất quan trọng, để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển ĐTTM nói riêng và phát triển bền vững thế giới nói chung.

Xuân Tùng