Hài hòa giữa khía cạnh kinh tế và môi trường

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 07:07 - Chia sẻ
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm nên thành công của mô hình này chính là sự hài hòa giữa yếu tố kinh tế và môi trường: Nhà nước - được hưởng lợi trong quản lý và bảo vệ môi trường với chí phí thấp khi nó giúp giảm đáng kể khối lượng rác tại các bãi chôn lấp, các cơ sở ngân hàng có được lợi nhuận và người dân có được thu nhập.
Giao dịch tại ngân hàng rác Nguồn:ITN
Giao dịch tại ngân hàng rác
Nguồn:ITN

Lợi nhuận từ… rác

Các ngân hàng rác thải thay đổi sâu sắc thói quen “lãng phí” rác của dân bởi giờ đây, người dân hiểu rằng “rác là tiền”. Rác thải trở thành nguồn tiền, được chia sẻ giữa ngân hàng rác thải và khách hàng, dần trở thành nguồn thu chính cho nhiều hộ gia đình, đóng góp hàng tỷ Rupiah (Rp) cho đất nước.

Bà Wilda Yanti, một trong những chuyên gia về ngân hàng rác thải cho biết: “Ngân hàng rác thải là một phương pháp hiệu quả ở Indonesia để giáo dục mọi người phân loại rác thải. Ví dụ, giá trị tiết kiệm chỉ là giá trị gia tăng để giúp các gia đình thanh toán hóa đơn điện hoặc nước. Vì vậy, mọi người sẵn sàng tham gia. Nó có nghĩa là các giá trị kinh tế thúc đẩy mọi người.

Dựa trên dữ liệu của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, ngân hàng rác thải đã tăng đáng kể trong bốn năm qua, từ 1.172 đơn vị lên 7.488 đơn vị. Sự gia tăng này góp phần làm giảm 1,7% hay 1.389.522 tấn rác thải quốc gia mỗi năm và tạo ra trung bình 1.484 tỷ Rp (105.465 USD) mỗi năm. Bà nói rằng các ngân hàng thải rất có khả năng thu được lợi nhuận hàng tỷ rupiah nếu họ có sự quản lý tốt, vì cũng có những ngân hàng thải bị phá sản vì quản lý kém.

Một trong những câu chuyện thành công của ngân hàng rác thải với lợi nhuận hàng tỷ rupiah là Ngân hàng rác thải Satu Hati ở Tây Jakarta, được thành lập vào tháng 4.2017. Ngân hàng rác thải Satu Hati đã thu được lợi nhuận ít nhất là 7,2 tỷ Rp (511.736 USD).

“Lợi nhuận không phải là doanh thu của chúng tôi mà về cơ bản, tiền quay trở lại phục vụ cho các cư dân của Tây Jakarta. Ngân hàng Satu Hati có thể nhận được trung bình từ 12 - 15 triệu Rp mỗi tuần. Thành công có được là do vào tháng 8.2017, chúng tôi đã ký một Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng BNI và Danone”, ông Edy Mulyanto, người đứng đầu Cơ quan Môi trường Tây Jakarta cho biết. Theo ông Mulyanto, Ngân hàng BNI quản lý tài chính của 662 đơn vị ngân hàng rác thải ở Tây Jakarta. Tiền sẽ chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của khách hàng.  

Cũng như vậy tại thành phố Surabaya, năm 2010, 15 ngân hàng rác đã được hình thành, đến năm 2013, số lượng ngân hàng rác trên địa bàn đã gia tăng, với doanh thu trung bình từ 350.000 - 5.000.000 Rp/tháng. Ở Surabaya, các ngân hàng được tổ chức bởi các cộng đồng địa phương với quy mô nhỏ cùng sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, Bina Mandiri là ngân hàng lớn nhất, với 120 chi nhánh, doanh thu gần 72 triệu Rp mỗi tháng. Một số ngân hàng đã tạo ra sự đổi mới trong công tác quản lý chất thải dưới hình thức như trả tiền điện, tích hợp chất thải vào hệ thống để thúc đẩy nền kinh tế và lấy con người làm trung tâm.

Người nghèo cũng có tài khoản ngân hàng

Người Việt Nam không lạ gì với hành động “bán đồng nát” chai lọ cũ, để số rác này có thể tìm được đường tới các cơ sở tái chế một cách dễ dàng. Thế nhưng mô hình ngân hàng rác thải tại Indonesia là một đột phá hoàn toàn mới trong vòng quay kinh tế chuyển động không ngừng bởi nó giúp người dân nghèo tiếp cận với hệ thống tài chính mà trước kia họ không bao giờ mơ tới, giúp họ không chỉ có thêm nguồn thu nhập mà còn có thể vay vốn làm ăn.

Nhà đầu tư Shaun Frankson, một trong những người đi đầu trong việc mở rộng mô hình này tại Bali của Indonesia cho biết: “Đa số ngân hàng không muốn giao thương với người nghèo, bởi người nghèo thì làm gì có tiền để gửi. Vậy nên tái chế nhựa chính là cách để họ có cơ hội mở tài khoản ngân hàng đầu tiên”. Trong số 3.200 tài khoản ngân hàng có tại Bali, khoảng 1.200 người có số tiền dương trong tài khoản ngân hàng rác thải. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã có thể vay vốn từ nhiều nguồn khác

Muhammad Abdullah Sajad, hiện đang sống cùng vợ và con thơ trong một lán nhỏ tại trung tâm trợ cấp của ngân hàng rác thải tại Bali, đã từng rất vất vả mà không tiết kiệm được đồng nào bởi thu nhập của anh còn chưa đủ trang trải cuộc sống chứ chưa nói đến dành dụm. Sau khi đăng ký gom rác nhựa cho ngân hàng rác thải, anh đã mở được tài khoản ngân hàng nhà nước đầu tiên. Số tiền tiết kiệm của anh đã được hơn 50 USD, và Muhammad Abdullah Sajad bắt đầu mơ tới căn nhà gạch thay thế cho mái lán tre xập xệ, để vợ con không còn lo lắng mỗi khi mưa nắng.

“Trước đây, những người gom rác nhựa này đều phải đi vay ngoài để chi trả cho cuộc sống”, cô Susyati cho biết. Cô là người điều hành trung tâm tái chế của Ngân hàng rác thải tại Denpasar, cũng là người điều hành ứng dụng nhắn tin báo tiến độ công việc và số dư tài khoản cho 8 người gom rác trong khu vực, trong số đó có cả anh Sajad. “Giờ đã có khoản tiền thêm mỗi tháng, họ đã tự chủ được tài chính và không phải đi vay ngoài nữa”, cô Susyati nói tiếp. Theo lời cô, những người thu gom chai nhựa trong khu vực đã làm việc chăm chỉ hơn trước.

Giảm đáng kể khối lượng rác

Chuyên gia Wilda Yanti cũng cho rằng, sự ra đời của mô hình ngân hàng rác thải đã giúp tổng hợp hài hòa giữa khía cạnh kinh tế và môi trường của việc quản lý chất thải. Việc giáo dục mọi người về quản lý rác thải cuối cùng sẽ giúp giảm thiểu rác thải.

Để thúc đẩy và nâng cao ý thức của người dân về ý nghĩa của mô hình ngân hàng rác thải, Chính phủ đã phối hợp với các ngân hàng rác đưa ra chương trình giáo dục hàng năm cho các học viên ngân hàng ở Indonesia. Các chương trình giáo dục giúp khuyến khích, nâng cao ý thức cho người người dân trong việc thu gom và phân loại rác tại nguồn. Đây cũng là một phần của Chương trình 3R trong xử lý rác (Reduce - Reuse - Recycle: Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế), giúp rác thải được thu gom thay vì vứt bỏ. Chẳng hạn Ngân hàng rác thải Satu Hati có thể là một ví dụ cho các ngân hàng rác thải khác khi họ cũng được giao chỉ tiêu nhằm giúp giảm lượng rác thải phi hữu cơ tại bãi chôn lấp Bantar Gebang xuống 3.780 tấn.

Việc giảm đáng kể khối lượng rác ở các bãi chôn lấp đã cải thiện đáng kể môi trường vì khi khối lượng rác ở các bãi chôn lấp giảm đi, số lượng chất thải phải đốt sẽ giảm xuống, hạn chế gây ô nhiễm không khí, tránh khí CH4 gây hiệu ứng nhà kính được tạo ra ở các bãi chôn lấp.

Bên cạnh đó việc phân loại rác hữu cơ và vô cơ giúp người dân có thể tận dung ít chất thải hữu cơ dễ đàng hơn. Quá trình phân loại được chia nhỏ theo từng hộ gia đình cũng ít gây tốn kém chi phí vận hành như gặp ở các cơ sở thu hồi chất thải lớn.

Rõ ràng, mô hình ngân hàng rác thải tại Indonesia không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, tác động xã hội tích cực của mô hình này thể hiện rõ qua sự gia tăng hài hòa mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, người dân và chính quyền trong việc quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, trong đó, hỗ trợ từ chính phủ đóng vai trò cốt lõi dẫn tới thành công của mô hình. Saharuddin Ridwan, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ hợp tác và tài trợ cho các ngân hàng rác ở Indonesia thì cho rằng: “Chúng ta - ai cũng phải có trách nhiệm với rác thải. Mô hình này thành công bởi nó vừa ràng buộc được trách nhiệm và lợi ích của tất cả mọi người”.

Vũ Quỳnh