Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - tin tưởng xen lẫn lo âu

Bài 2: Hai điều kiện bảo đảm chất lượng

- Thứ Tư, 28/10/2020, 07:12 - Chia sẻ
Một yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. 2020 - 2021 mới là năm học đầu tiên áp dụng và cũng chỉ triển khai với lớp 1, nên chưa thể đánh giá chương trình giáo dục. Nhưng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới đang là nỗi lo lớn.

Giáo viên cùng lúc chịu ba áp lực

Chương trình giáo dục phổ thông mới được đánh giá cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu nêu trong Nghị quyết 88. Sự thay đổi căn bản đó đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp, thích ứng với nhiều yêu cầu mới, như chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức một chiều sang dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy tích hợp… Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, “dạy học bây giờ không đơn giản. Thầy cô phải hiểu chương trình, dạy cái lõi chứ không phải dạy bài văn hay bài toán mẫu. Phương pháp đã thay đổi, giờ phụ thuộc nhận thức và năng lực giảng dạy của giáo viên. Đây quả là một thử thách”. Không chỉ giáo viên mà cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cũng phải làm quen với quản trị hoạt động dạy học/giáo dục kiểu mới.

Tiết học tự nhiên và xã hội của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long, Quảng Ninh
Nguồn: baoquangninh.com.vn

Qua khảo sát tại một số cơ sở giáo dục trước thềm năm học mới 2020 - 2021, hầu hết thầy cô giáo đều tỏ ra tự tin sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng, tuy nhiên, như Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thị Mai Hoa nói, “muốn biết tốt hay không thì phải chờ quá trình triển khai”. Trong khi đó, nhiều thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ băn khoăn với cách tập huấn trực tuyến kết hợp trực tiếp mà Bộ GD - ĐT đang áp dụng.

Băn khoăn là bởi điều kiện hạ tầng nhiều nơi còn khó khăn, như tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, hiện còn 1 xã và 18 thôn chưa được phủ sóng viễn thông, 1/3 số thôn chưa có điện sinh hoạt, internet cáp quang tại nhiều trường chưa có, đang sử dụng Dcom 3G nên mạng yếu, chập chờn. Đây cũng là tình trạng của nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, như ở Cao Bằng, có những huyện 30 - 40% hộ dân chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia. Chưa kể đội ngũ giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm chuyên môn nhưng lại hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin.

Và như thế thì khó đòi hỏi việc bồi dưỡng, tập huấn đạt chất lượng như mong muốn. Băn khoăn còn bởi giáo dục đào tạo con người chứ không phải bộ máy, sản phẩm của giáo dục không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, do đó tập huấn không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là phương pháp và cả truyền lửa cho các thầy cô, nếu tập huấn trực tuyến thì sẽ khó đạt được.

Không chỉ phải tập huấn để triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, từ năm nay giáo viên còn phải bồi dưỡng, đào tạo để chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Ước tính giai đoạn 2021 - 2025, số lượng giáo viên các cấp cần bồi dưỡng đạt chuẩn khá lớn, song theo quy định của Bộ GD - ĐT về đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông, chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa làm vừa học không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở giáo dục. Thực tiễn này ảnh hưởng tới chất lượng triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, giáo viên hiện nay còn phải chịu áp lực tinh giản biên chế. Địa phương nào cũng kêu, chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục được giao quá thấp, rất khó bảo đảm số lượng giáo viên, nhân viên phục vụ việc dạy và học. Từ sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW, hầu hết các tỉnh không được giao thêm biên chế giáo viên, trong khi số học sinh không ngừng gia tăng và có các môn học mới. Việc ký hợp đồng đối với giáo viên khó thực hiện tại các cơ sở giáo dục vì vẫn bị ràng buộc bởi phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao.

Dạy 2 buổi/ngày - cực kỳ khó khăn

“Năm nay ngân sách phải chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến chi cho giáo dục khó khăn hơn. Trong khi đó, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của giáo dục Cao Bằng vừa thiếu, vừa yếu, chất lượng không bảo đảm. Theo chương trình giáo dục phổ thông cũ đã khó, giờ càng khó” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa chia sẻ.

Huyện Trùng Khánh, như Phó Chủ tịch UBND huyện Đàm Văn Vũ cho biết, mặc dù đã rất cố gắng, huy động được nhiều nguồn lực xã hội tập trung cho giáo dục, nhưng cũng chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu. Để phục vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, phòng học bộ môn, nhà đa năng, phòng chức năng, thư viện… hầu như vẫn thiếu. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, tỷ lệ phòng học bán kiên cố và phòng học nhờ, mượn, tạm khá lớn.

Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, hiện vẫn còn 53 điểm trường thôn chưa được xây dựng kiên cố, một số nơi vẫn còn làm nhà tạm. Xây dựng phòng học kiên cố ở những nơi này rất khó vì không có mặt bằng, giao thông khó khăn nên chi phí vận chuyện rất lớn. Để thực hiện dạy 1 buổi/ngày, 100% học sinh lớp 3 trở lên được học Anh văn, thì số phòng học hiện cũng chưa đáp ứng được.  

Ngay tại các thành phố, việc bảo đảm có đủ phòng học để dạy 2 buổi/ngày, sĩ số 35 học sinh/lớp cũng “cực kỳ khó khăn”. Như TP Hồ Chí Minh, mỗi tháng dân số tăng bằng một quận, xây trường không kịp; quận Tân Phú năm học 2020 - 2021 chỉ khoảng 20% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, và đến năm 2025 con số này cũng chỉ khoảng 60%. Hà Nội cũng gặp khó khăn tương tự. Lãnh đạo Phòng GD - ĐT quận Hà Đông cho biết, mỗi năm trên địa bàn tăng 5.000 - 7.000 học sinh, phải xây mới 3 - 7 trường học, nhưng quỹ đất lại hạn chế. Vì thế, toàn quận, bình quân sĩ số 50 học sinh/lớp, nếu bây giờ bắt giảm xuống 35 học sinh/lớp thì không thể thực hiện được.

Vẫn biết đổi mới luôn có khó khăn, nhưng nếu theo quan điểm như Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nói, rằng trong giáo dục, cần tính đến những vùng, những đối tượng khó khăn nhất, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả người dân, thì để thực hiện thành công Nghị quyết 88, còn nhiều việc phải làm, trong đó hai vấn đề lớn mà chỉ Bộ GD - ĐT sẽ không giải quyết được, là biên chế giáo viên và đầu tư xây dựng trường, lớp.

Theo đó, Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2021 - 2025; Bộ GD - ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục...

Nguyên Anh