Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bài 2: Để không đi vào lối mòn xuất khẩu lao động phổ thông

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:09 - Chia sẻ
Đã là xuất khẩu thì bao giờ cũng có bên xuất, bên nhập. Đối với bên xuất thì sự phụ thuộc rất quan trọng là nhu cầu (yêu cầu) của bên nhập. Bởi vậy, cả hai bên phải đàm phán để thỏa thuận thống nhất các vấn đề đặt ra, trong đó có chất lượng lao động giao và nhận.

Các yếu tố chi phối chất lượng lao động

Chất lượng lao động xuất khẩu phụ thuộc vào từng loại hợp đồng của chủ thể xuất khẩu đã cam kết với các đối tác. Theo Điều 5 của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), trình Quốc hội Khóa XIV tại Kỳ họp thứ Chín, có tới 6 chủ thể xuất khẩu lao động. Đó là, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương (tỉnh, thành phố); doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi thực tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; cá nhân người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Mỗi chủ thể xuất khẩu lao động có yêu cầu chất lượng lao động khác nhau. Trong đó, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp có số lao động xuất khẩu lớn nhất. Chất lượng lao động xuất khẩu được đặt ra nghiêm ngặt đối với các đơn vị, doanh nghiệp này. Còn doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, họ tự biết phải đưa đi bao nhiêu lao động, cơ cấu cấp bậc các loại thợ, trình độ, năng lực như thế nào để bảo đảm hoàn thành công trình đúng thời hạn với chất lượng tốt nhất theo thỏa thuận với nước đã ký hợp đồng.

Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, họ có thể sử dụng lao động ở nước sở tại, hoặc đưa lao động trong nước sang, họ đều phải chủ động tính toán số lượng, cơ cấu, chất lượng lao động để việc đầu tư của họ có hiệu quả tối ưu. Cá nhân người lao động tự mình giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng ở nước ngoài thì trình độ, năng lực của họ đã có, ai đồng ý tiếp nhận thì họ ký và thực hiện. Doanh nghiệp đưa lao động đi thực tập ở ngoài nước thì theo kế hoạch và chương trình đã thỏa thuận.

Bởi vậy, trọng tâm chất lượng lao động xuất khẩu của dự thảo Luật lần này chủ yếu áp dụng và “đặt nặng” cho các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động (trực tiếp đưa lao động của nước mình đi làm việc ở nước ngoài).

Nội hàm của chất lượng lao động

Chất lượng lao động xuất khẩu được thể hiện tại Điểm b, Khoản 2, Điều 21, về Hợp đồng cung ứng lao động, của dự thảo Luật. Nhưng theo tôi, đi đôi với quy định số lượng lao động; ngành, nghề, công việc phải làm; độ tuổi, thì phải quy định cả yêu cầu trình độ tay nghề và trình độ ngoại ngữ. Vì, doanh nghiệp nước ngoài tiếp nhận lao động, bao giờ họ cũng mong muốn tiếp nhận lao động có tay nghề, lao động đã được đào tạo, biết tiếng nước họ hoặc tiếng Anh.

Mặt khác, có quy định này thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mới chủ động xuất khẩu lao động có tay nghề thay vì theo “lối mòn” chỉ xuất khẩu lao động phổ thông, không nghề để giảm chi phí đào tạo, chi phí chuẩn bị đội ngũ lao động. Và quy định có tay nghề, có ngoại ngữ mới đồng bộ với Điều 19, dự thảo Luật, về chuẩn bị nguồn lao động và Điều 45, về điều kiện người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chất lượng lao động xuất khẩu gồm 2 nhóm yếu tố là kỹ năng “cứng” và kỹ năng “mềm”. Kỹ năng “cứng” gồm trình độ tay nghề (cấp bậc nghề), kỹ năng nghề (mức độ khéo léo, thành thục của thao tác...), trình độ ngoại ngữ (biết tiếng nước đến làm việc hoặc tiếng Anh). Kỹ năng “mềm” gồm chấp hành nội quy, kỷ luật lao động, pháp luật Nhà nước, khả năng giao tiếp (giao tiếp với đồng nghiệp, với quản lý, lãnh đạo), tính thuyết phục của lời nói, của những phát ngôn, cách ứng xử tình huống, sự việc... Kỹ năng “mềm” không chỉ cần thiết ở nơi làm việc mà còn rất thiết thực ở nơi cư trú, sinh hoạt giao tiếp xã hội.

Người lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc  

Nguồn: ITN 

Đào tạo lao động xuất khẩu có chất lượng

Chủ trương là phải chú trọng xuất khẩu lao động có tay nghề, nhưng cũng cần phải đề cập đến một thực tế là, khó có thể rút lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp đang hoạt động trong nước để đưa đi xuất khẩu, trừ những trường hợp thất nghiệp dài hạn hoặc thất nghiệp hoàn toàn do phá sản doanh nghiệp mà lao động ở đó còn trong độ tuổi có thể ra nước ngoài làm việc.

Ngay cả thời kỳ hợp tác quốc tế về lao động với các nước XHCN (1980 - 1990) cũng hiếm có trường hợp “rút tỉa” lao động kỹ thuật của các nhà máy, xí nghiệp để đi làm việc ở nước ngoài (cho dù các nhà máy, xí nghiệp đều là quốc doanh - của Nhà nước, hoàn toàn kế hoạch hóa được nhân lực), vì sự ràng buộc nhân sự trong tổ chức sản xuất, móc xích của dây chuyền phân công và hiệp tác trong tổ chức lao động. Do đó, dự thảo Luật quy định việc chuẩn bị đội ngũ lao động xuất khẩu đủ số lượng và bảo đảm chất lượng là một yêu cầu rất thực tế.

Việc đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, có ngoại ngữ để xuất khẩu có thể đặt ra hai khả năng. Một là, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trường, lớp đào tạo riêng. Hai là, các đơn vị, các doanh nghiệp liên kết với các trường, các cơ sở dạy nghề của hệ thống giáo dục nghề nghiệp để đào tạo.

Dự thảo Luật dành Chương IV gồm 4 điều (từ Điều 64 đến Điều 67) để quy định vấn đề này, trong đó chú trọng hơn phương án liên kết đào tạo. Đây là hướng đi đúng đắn, vì các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 của dự thảo Luật: “Có vốn sở hữu không thấp hơn 5 tỷ đồng...” thì dù có số vốn sở hữu gấp 10 hay 100 lần như thế vẫn khó có thể thành lập được một cơ sở đào tạo riêng với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, nhà xưởng quy mô lớn, giáo viên giỏi để đào tạo, do vậy, liên kết đào tạo sẽ hiệu quả hơn. Hiện tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 1.917 cơ sở giáo dục, trong đó có 400 trường cao đẳng, nếu tổ chức liên kết tốt sẽ dư sức đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu.

Song, có một chi tiết cần lưu ý, tại Điều 66 của dự thảo Luật quy định, “Nhà nước có chính sách đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện về trang bị, thiết bị, chương trình, giáo trình và đội ngũ giáo viên...”. Nhưng theo Khoản 2, Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 thì có 3 loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Công lập, Tư thục và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, Nhà nước trước mắt và trước hết chỉ có thể hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập về trang bị, thiết bị, cơ sở vật chất. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, họ phải tự đầu tư. Bởi vậy, cần chỉnh sửa lại dự thảo Điều 66 cho thống nhất với Khoản 3, Điều 19, “Doanh nghiệp trực tiếp hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động...”.

Theo dõi một số hợp đồng cung ứng lao động cho thấy, tay nghề và kỹ năng nghề luôn luôn được cụ thể hóa trong hợp đồng giữa bên cung ứng và tiếp nhận, nhưng yêu cầu ngoại ngữ thì không ít hợp đồng thường bỏ qua. Vì vậy, nên chăng dự thảo Luật cần quy định rõ trình độ ngoại ngữ đối với người lao động, đó là phải “giao tiếp được bình thường trong khi làm việc và trong sinh hoạt”. Cũng phải nói thêm rằng, giao tiếp trong lao động là vô cùng quan trọng vì đã có những trường hợp tai nạn lao động do hiểu sai chỉ lệnh (yêu cầu tắt máy thì lại chạy máy, yêu cầu ngắt điện thì lại đóng điện...).

_________

* Nay là Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội    

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế về lao động*