Phục hồi thị trường lao động

Bài 2: Cơ hội để cơ cấu lại thị trường lao động

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 15:55 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với 7 nhóm giải pháp lớn. Đây được xem là bước đi quan trọng giúp vực dậy nền kinh tế vốn đang chịu nhiều thương tổn do đại dịch Covid-19 bởi Chương trình phát triển thị trường lao động mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, đặc biệt chú trọng các giải pháp đào tạo việc làm chất lượng, phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là tiền đề để quốc gia cơ cấu lại thị trường lao động, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số.
Covid-19 gây ra thiệt hại to lớn nhưng cũng là cơ hội để quốc gia cơ cấu lại thị trường lao động cho phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.
Dịch Covid-19 gây ra thiệt hại to lớn nhưng cũng là cơ hội để cơ cấu lại thị trường lao động cho phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.

7 nhóm giải pháp phục hồi thị trường lao động

Trước sự biến động mạnh mẽ của thị trường lao động, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, có Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Để triển khai Nghị quyết ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 28.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  Lê Văn Thanh, để tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động, Bộ Lao động,  Thương binh và Xã hội đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn và những cơ chế, chính sách tập trung vào những vấn đề lớn, cụ thể.

Đầu tiên hỗ trợ trực tiếp người lao động, giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm… Bởi hiện nay các doanh nghiệp đi vào sản xuất phải xét nghiệm rất nhiều. Tiếp theo, Bộ sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Một số nơi thiếu lao động, biện pháp này hỗ trợ bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp.

Mặt khác, hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, hai bên có cung hoặc có cầu nhưng đôi khi không gặp nhau, vai trò của nhà nước sẽ giúp cho việc kết nối này nhanh hơn.

Đồng thời, hoàn thiện bền vững thị trường lao động, hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an.

Ngoài ra, bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động và xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

Có thể nói, Chương trình phát triển thị trường lao động mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, đã chú trọng tới giải pháp đào tạo việc làm chất lượng, phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

“Nếu làm tốt chương trình này, nước ta sẽ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói thêm.

Tìm cơ hội trong thách thức

Nói thêm về điều kiện giúp phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất, kinh doanh phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh. Đó là cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, cơ hội đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Để tận dụng được các cơ hội trên, trước hết phải triển khai có hiệu quả các giải pháp, đặc biệt là phải kiểm soát được dịch bệnh. Người lao động phải được an toàn để sản xuất.

Chia sẻ về vấn đề huy động nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình phục hồi thị trường lao động trong thực tế, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần phải bảo đảm 3 mục tiêu. Đầu tiên, giúp người lao động yên tâm trở lại làm việc. Thứ hai, phải làm sao gói hỗ trợ không làm cho người lao động ở lại nhà. Từ kinh nghiệm ở châu Âu, Mỹ, có những gói hỗ trợ rất hào phóng. Chính vì thế mà rất khó để người lao động quay trở lại làm việc vì đã nhận hỗ trợ của Chính phủ. Thứ ba là sử dụng nguồn lực hiệu quả.

TS  Nguyễn Tú Anh cho hay, để thực hiện mục tiêu thứ hai, có lẽ cần phải gắn gói hỗ trợ với việc khuyến khích người lao động trở lại làm việc. Thí dụ như tăng thêm tháng lương cho tháng đầu tiên khi họ trở lại làm việc, hỗ trợ chi phí đi lại. Không nên thực hiện hỗ trợ cào bằng, trừ hỗ trợ cho những hộ gia đình nghèo. Đi cùng với chính sách hỗ trợ người lao động cho họ an tâm, cần tính đến tạo điều kiện mở lại trường học cho con em của họ đến trường.

Cũng theo ông Nguyễn Tú Anh, mục tiêu sử dụng nguồn lực cho hiệu quả liên quan đến định hướng và chi phí của gói hỗ trợ. Do nguồn lực có hạn nên phải đánh giá đúng ai thuộc đối tượng cần hỗ trợ. Đây là việc rất khó, cần phải đẩy nhanh công tác số hóa để thực hiện. Bên cạnh đó, cần định hướng quy hoạch lâu dài các khu nhà ở gắn với người lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân.

______

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương