Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng

Bài 2: Chất lượng tín dụng - lựa chọn số 1

- Thứ Hai, 24/01/2022, 06:04 - Chia sẻ
Tín dụng tăng trưởng nhanh nhưng nợ quá hạn rất thấp so với tổng dư nợ! Đây được coi là thành công lớn nhất đối với một đơn vị đóng chân trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Lâm Đồng. Kết quả này có được từ trách nhiệm của mỗi cá nhân những người làm tín dụng chính sách; trong đó, quan trọng nhất là việc họ đã thay đổi được nhận thức của người dân trong quá trình tiếp cận, sử dụng nguồn vốn.

Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp

Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng Võ Văn Thanh chia sẻ, đến nay, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn Chi nhánh là 7.620 triệu đồng, chiếm 0,19% trên tổng dư nợ, giảm về số tuyệt đối 1.058 triệu đồng, giảm về số tương đối 0,04% so với đầu năm. Cụ thể, nợ quá hạn 4.732 triệu đồng, chiếm 0,12% trên tổng dư nợ, giảm về số tuyệt đối 570 triệu đồng, giảm về số tương đối 0,02% so với đầu năm; có 7 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1% (tăng 1 đơn vị); 3 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn nhỏ hơn 0,2%; 2 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,2% đến 0,25%. Nợ khoanh 2.888 triệu đồng, chiếm 0,07% trên tổng dư nợ, giảm về số tuyệt đối 488 triệu đồng, giảm về số tương đối 0,02% so với đầu năm. Chi nhánh không có nợ chiếm dụng.

Cán bộ NHCSXH hỗ trợ người dân vay vốn
Ảnh: Đinh Hiệp

Giám đốc Võ Văn Thanh cho biết, huy động và sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu vay của bà con là một phần việc quan trọng. Tuy nhiên, để bảo đảm quá trình chuyển tải vốn nhanh, kịp thời, đến đúng đối tượng thì còn nhiều việc phải làm. Tại 142 điểm giao dịch xã, thủ tục công việc, thông tin các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng, bộ thủ tục giải quyết công việc được công khai đầy đủ, kịp thời, chuẩn hóa dần theo Cẩm nang nhận diện cơ bản NHCSXH. Chi nhánh luôn chủ động báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác trong phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại Điểm giao dịch xã; các tổ giao dịch thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ; duy trì nền nếp giao ban với chính quyền địa phương, hội đoàn thể, tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn vào ngày giao dịch.

Năm 2021, chi nhánh tổ chức 1.709 phiên giao dịch, bình quân 1,003 lượt/điểm giao dịch xã/tháng. Các tổ giao dịch thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ; duy trì nề nếp việc giao ban với chính quyền địa phương, hội đoàn thể, tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn vào ngày giao dịch. Kết quả giao dịch tại điểm giao dịch xã trong năm là giải ngân chiếm 98,99%, thu nợ chiếm 93,9%, thu lãi chiếm 99,11% trong tổng số giao dịch phát sinh của chi nhánh.

Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2021, toàn tỉnh có 76 điểm giao dịch xã phải dời/ngừng lịch giao dịch cố định do tuân thủ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của UBND cấp xã. Song, ngay khi dịch được khống chế, các Phòng giao dịch NHCSXH sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho người dân để kịp thời khôi phục sản xuất kinh doanh.

Gắn kết chặt chẽ với hội đoàn thể

Nhận định về chất lượng tín dụng của NHCSXH Lâm Đồng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với địa phương trong công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Với số lượng khách hàng lớn, thành phần chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng hầu hết bà con đều sử dụng vốn đúng mục đích và biết phát huy hiệu quả vốn vay.

“Quan trọng nhất là người dân đã ý thức được đây là công cụ giúp họ thoát khỏi đói nghèo” - ông Nguyễn Tạo nói.

Đặc biệt, với phương thức đặc thù của Ngành - gắn kết và ủy thác sang các tổ chức chính trị xã hội các cấp, Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng đã lôi cuốn, phát huy tối đa sức mạnh tập thể, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình tín dụng, giải ngân nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng; đôn đốc thu nợ, thu lãi; triển khai kịp thời các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; duy trì hiệu quả, nề nếp hoạt động các điểm giao dịch xã; quản lý, duy trì ổn định hiệu quả hoạt động, triển khai thực hiện tốt cho vay tại Tổ Tiết kiệm và vay vốn.

Đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay uỷ thác đạt 4.039.903 triệu đồng/2.446 Tổ Tiết kiệm và vay vốn/94.972 khách hàng, tăng 381.687 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 99,63% trên tổng dư nợ của chi nhánh. Cụ thể, với Hội Nông dân, doanh số cho vay 401.388 triệu đồng; doanh số thu nợ 270.970 triệu đồng; dư nợ 1.275.350 triệu đồng/790 Tổ Tiết kiệm và vay vốn/29.991 khách hàng, tăng 128.375 triệu đồng so với đầu năm. Nợ quá hạn 1.789 triệu đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ của Hội, giảm 180 triệu đồng so với đầu năm. Hội Phụ nữ có doanh số cho vay 474.357 triệu đồng; doanh số thu nợ 330.756 triệu đồng; dư nợ 1.486.710 triệu đồng/871 Tổ Tiết kiệm và vay vốn/35.000 khách hàng, tăng 138.490 triệu đồng so với đầu năm. Nợ quá hạn 1.546 triệu đồng, chiếm 0,10% tổng dư nợ của Hội, giảm 226 triệu đồng so với đầu năm. 

Hội Cựu chiến binh có doanh số cho vay 184.292 triệu đồng; doanh số thu nợ 130.815 triệu đồng; dư nợ 657.394 triệu đồng/411 Tổ Tiết kiệm và vay vốn/15.459 khách hàng, tăng 56.518 triệu đồng so với đầu năm. Nợ quá hạn 680 triệu đồng, chiếm 0,10% tổng dư nợ của Hội, giảm 40 triệu đồng so với đầu năm. Với Đoàn Thanh niên, doanh số cho vay 180.646 triệu đồng; doanh số thu nợ 126.350 triệu đồng; dư nợ 620.449 triệu đồng/374 Tổ Tiết kiệm và vay vốn/14.522 khách hàng, tăng 58.303 triệu đồng so với đầu năm. Nợ quá hạn 561 triệu đồng, chiếm 0,09% tổng dư nợ của Hội, giảm 38 triệu đồng so với đầu năm.

Thái Bình