Nghệ thuật sơn mài Việt - truyền thống và sáng tạo

Bài 2: Bước tiếp những thử nghiệm

- Thứ Ba, 16/03/2021, 08:45 - Chia sẻ
Sau những nghiên cứu, tìm tòi gắn với tác phẩm đỉnh cao của các danh họa Việt, tranh sơn mài ngày nay vẫn tiếp tục có thử nghiệm, thay đổi cả về ngôn ngữ thể hiện, chất liệu, kỹ thuật, nhằm thỏa mãn khát khao sáng tạo của nghệ sĩ với chất liệu nghệ thuật độc đáo này.

Nhiều hướng sáng tạo

Trải qua nhiều thời kỳ, ngày nay sơn mài vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam. Sự sang trọng, huyền hoặc, gây hiệu quả thị giác của sơn mài luôn là điều cuốn hút các thế hệ họa sĩ. Nhiều họa sĩ Việt Nam muốn thử sức với chất liệu này, bởi đặc tính chất liệu có sự lộng lẫy, kỳ ảo, giàu chất trang trí, không chất liệu tạo hình nào khác có được. Có lẽ vì vậy, đến nay, đội ngũ họa sĩ vẽ tranh sơn mài khá đông đảo, số lượng có lẽ nhiều nhất so với các thời kỳ của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, một số họa sĩ chuyên vẽ sơn mài và sống được bằng nghề... Trong nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tranh sơn mài vẫn chiếm vị trí ưu thế so với các chất liệu khác.

Một số họa sĩ vẫn kiên trì đi theo lối vẽ truyền thống, kế thừa những thành tựu nghệ thuật của sơn mài từ kỹ thuật đến bảng màu và chủ đề. Hướng còn lại là số họa sĩ kiếm tìm những cái mới, cách tân cho sơn mài, mong muốn sáng tạo ra không gian và diện mạo mới cho chất liệu truyền thống này. Chính vì vậy, tranh sơn mài Việt Nam vẫn đang mở ra nhiều hướng khám phá, sáng tạo. Những chuyển biến ấy góp thêm tiếng nói khẳng định giá trị độc đáo của sơn mài Việt Nam.

Trong thời kỳ mới, các họa sĩ không bị giới hạn về bảng màu và có thể tự do sáng tác với nhiều đề tài, thể loại, không bị bó hẹp trong tranh phong cảnh, chân dung hay sinh hoạt thuần túy. Trong quá trình đi tìm cái mới cho phong cách thể hiện trên chất liệu sơn mài, một số họa sĩ mạnh dạn thể nghiệm theo quan niệm riêng, có tiếp thu ảnh hưởng của xu hướng biểu hiện, hiện thực ấn tượng, siêu thực. Sự thay đổi về xu hướng sáng tác cũng được xem như sự đổi mới về ngôn ngữ nghệ thuật với chất liệu sơn mài. Nhiều họa sĩ đã và đang tìm cách thay đổi trình bày, tạo ra bút pháp và quan niệm thẩm mỹ có sự tác động bởi đời sống hiện đại...

Khi nói đến nghệ thuật sơn mài truyền thống, người ta gần như chỉ quen biết với sơn ta, với công nghệ tạo cốt vóc truyền thống qua rất nhiều lớp kẹt, hom, bó, thí... thì ngày nay, xu hướng nghệ thuật tranh sơn mài đã có nhiều thay đổi, một trong những điều dễ nhận thấy là sự thay đổi vật liệu, từ đó tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ mới trong sáng tác tranh sơn mài đương đại. Có những xu hướng kết hợp nhiều chất liệu tạo chất cảm bề mặt trên vóc sơn mài, không mài, mài sơ, dùng sơn Nhật, sơn công nghiệp...

Theo PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bản chất nghệ thuật là sáng tạo, do đấy không đóng khung trong giới hạn về chất liệu, kỹ thuật và hình thức biểu hiện. Thập niên 30 của thế kỷ XX, các cựu sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã nghiên cứu về chất liệu, kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn để sáng tác hội họa. Ngày nay, việc các nghệ sĩ sử dụng chất liệu sơn, tìm tòi thêm các kỹ thuật mới để nói được tiếng nói của thời đại là tất yếu và cần thiết để phát triển nghệ thuật. Những sáng tác mới về chất liệu sơn mài sẽ góp phần làm phong phú thêm cho hội họa Việt Nam, bởi mỗi giai đoạn trong lịch sử mỹ thuật có tính chất, đặc điểm riêng, phản ánh dấu ấn thời đại.

Nghệ thuật sơn mài đang có những đổi mới mang dấu ấn thời đại  

Nguồn: ITN 

Không đóng khung trong hội họa

Năm 2020, nhiều triển lãm chuyên đề chất liệu sơn mài Việt Nam đã được tổ chức. Trong đó, “Tháng trưng bày sơn mài Việt Nam” (tháng 3.2020) tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn, Hà Nội, giới thiệu 100 tác phẩm của 100 họa sĩ tên tuổi qua nhiều thời kỳ. Đây là dịp trình làng những thành tựu sáng tác của các họa sĩ, nghệ sĩ sơn mài Việt Nam trong sự nghiệp phát triển chung của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra còn có triển lãm tuyển tập gần 40 tác phẩm sơn mài theo chủ đề “Biểu hiện và trừu tượng” của 4 họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên, Diệp Quý Hải, Mai Đắc Linh và Trần Ngọc Hưng tại Lunet Art Gallery, Hà Nội (tháng 3 - 4.2020); triển lãm tranh sơn mài truyền thống do Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố (tháng 5.2020), giới thiệu 48 tác phẩm của 38 tác giả, trong đó nhiều họa sĩ sơn mài đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ; triển lãm hơn 50 tác phẩm của 18 họa sĩ nhóm Sơn ta Việt Nam (tháng 6.2020)...

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mang lại cho nghệ sĩ những khả năng khai thác sơn mài phong phú. Chất liệu này đã xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật khác như điêu khắc, thiết kế, và đặc biệt, các nghệ sĩ đã tận dụng yếu tố truyền thống của sơn mài và tính đương đại của sắp đặt để tạo ra những tác phẩm có tính thị giác cao, đem lại giá trị nghệ thuật và rung cảm mạnh mẽ đối với khán giả. Như triển lãm "Bảy tỷ năm ánh sáng" của nghệ sĩ Trương Tân, diễn ra tại Galerry Quỳnh, TP Hồ Chí Minh đầu năm 2020, giới thiệu 24 tác phẩm sơn mài về các hành tinh, tượng trưng cho những cung bậc cảm xúc mà một người phải trải qua trong ngày, cũng như 24 khung hình mỗi giây để tạo ảo giác chuyển động như một bộ phim. 24 bức tranh sơn mài được xếp san sát nhau trong cùng một phòng để đạt được hiệu ứng kéo dài, khiến người xem cảm giác như đang trôi dạt trong không gian vô tận.

Trước đó, Oanh Phi Phi cũng giới thiệu hai tác phẩm sắp đặt hội họa sơn mài là “Specula” và “Palimpsest” tại triển lãm “Giao diện” ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, khai phá những khía cạnh bất ngờ của sơn mài, mang đến những hình thái sống động của chất liệu truyền thống này... 

Không đơn thuần dừng ở mặt phẳng, đóng khung trong thể loại hội họa, với sơn mài, các nghệ sĩ đang tự do biểu đạt ý tưởng của mình ở ngôn ngữ của điêu khắc, sắp đặt hay trang trí trên các sản phẩm gia dụng... Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, các nghệ sĩ quan tâm kết hợp chất liệu sơn mài và các hình thức nghệ thuật mới chưa nhiều; sơn mài Việt Nam còn có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Ngọc Phương